Tích cực ứng phó với dịch cúm gia cầm
Trước nguy cơ lây lan của dịch cúm A/H7N9, lực lượng chức năng trên tuyến biên giới đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, nhờ đó mà hàng loạt vụ buôn bán, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu đã bị chặn đứng. Không đứng ngoài cuộc, Hà Nội cũng đang căng mình diễn tập nhằm chủ động ứng phó nếu có dịch cúm xảy ra.
Chặn dịch cúm từ biên giới
Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong 2 tháng đầu năm 2017, tại Trung Quốc đã ghi nhận 449 trường hợp mắc cúm A/H7N9, trong đó có 96 người tử vong. Ðáng chú ý, dịch cúm A/H7N9 đang có diễn biến phức tạp tại hai tỉnh là Vân Nam và Quảng Tây. Đây là hai địa phương có chung đường biên giới với 7 tỉnh của Việt Nam là Ðiện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh.
Các tỉnh biên giới phía bắc nước ta có cửa khẩu quốc tế với Trung Quốc, do vậy lưu lượng người, phương tiện, hàng hóa lưu thông hằng ngày lớn. Trong khi đó, theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ năm 2016 đến hết ngày 15-2-2017, tại các tỉnh biên giới phía bắc, cơ quan chức năng đã thu giữ hàng trăm nghìn gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập lậu.
Lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn thu giữ hàng nghìn gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc |
Một lãnh đạo Công an tỉnh Lạng Sơn cho hay, thủ đoạn của các đối tượng vận chuyển gia cầm nhập lậu là sử dụng các xe môtô không có biển kiểm soát, gia cố lắp giá đèo hàng để vận chuyển dễ dàng, đồng thời chọn những con đường mòn để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Chỉ trong vòng 2 tháng trở lại đây, Công an Lạng Sơn đã phát hiện nhiều đối tượng vận chuyển gia cầm nhập lậu từ khu vực biên giới về Việt Nam. Xác định gia cầm nhập lậu có thể mang theo dịch bệnh, Công an Lạng Sơn đã tổ chức đấu tranh quyết liệt với các hành vi buôn bán, vận chuyển gia cầm nhập lậu ngay tại khu vực biên giới, góp phần ngăn chặn phòng ngừa dịch cúm gia cầm có thể tái phát.
Điển hình, ngày 28-2, Phòng Cảnh sát môi trường Công an Lạng Sơn phát hiện một số đối tượng điều khiển xe môtô vận chuyển gia cầm nhập lậu từ khu vực biên giới cửa khẩu Chi Ma vào nội địa. Khi các đối tượng chuẩn bị tập kết hàng tại bãi đất trống ở thôn Trong Là, xã Tân Liên, huyện Cao Lộc thì lực lượng chức năng ập tới kiểm tra. Với thủ đoạn tinh vi, các đối tượng đã vứt lại hàng và tháo chạy. Tổ công tác đã thu giữ được nhiều lồng gà giống vô chủ do các đối tượng vứt bỏ lại, trong đó có nhiều con đã chết. Tổng cộng gần 7.000 con gà con giống, ước tính trị giá khoảng 50 triệu đồng. Vài ngày sau, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Lạng Sơn tiếp tục phát hiện và bắt giữ hai vụ vận chuyển gia cầm giống nhập lậu, thu giữ gần 4.000 gia cầm nhập lậu.
Theo Công an tỉnh Lạng Sơn, trước tình hình dịch cúm gia cầm có thể tái phát, Công an tỉnh đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, đặc biệt là đấu tranh quyết liệt ngăn chặn gia cầm nhập lậu tại khu vực biên giới. Bởi gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc về có nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh. Tuy nhiên, do lợi nhuận nên một số đối tượng vẫn lén lút đưa về Việt Nam. Nếu không được phát hiện kịp thời số gia cầm trên sẽ được đưa sâu vào nội địa nước ta.
Phòng hơn chống…
Ở Việt Nam hiện chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm cúm A/H7N9 trên gia cầm, cũng như trên người. Trước đó, trong các năm 2015, 2016 và những tháng đầu năm 2017 cũng không ghi nhận trường hợp mắc cúm A/H5N1 trên người. Tuy nhiên, từ đầu năm 2017 đến nay, cả nước xuất hiện các ổ dịch cúm gia cầm tại 15 hộ chăn nuôi thuộc 11 xã của 7 tỉnh là Bạc Liêu, Nam Ðịnh, An Giang, Sóc Trăng, Ðồng Nai, Nghệ An, Quảng Ngãi. Chính vì vậy, nguy cơ dịch phát sinh và lây lan là rất cao.
Ðặc biệt, một số chủng virus cúm gia cầm chưa có ở Việt Nam như: cúm A/H7N9, cúm A/H5N2, cúm A/H5N8 có nguy cơ xâm nhập thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía bắc và tây nam.
Trước việc dịch cúm có thể bùng phát bất cứ lúc nào, tháng 2-2017, thành phố Hà Nội đã tổ chức diễn tập tại chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ (xã Lê Lợi, huyện Thường Tín) để chủ động ứng phó khi có dịch xảy ra. Tình huống được đưa ra là Chi cục Thú y Hà Nội thông báo kết quả xét nghiệm 1 mẫu bệnh phẩm dương tính với virus cúm A/H7N9.
Nắm bắt được thông tin, Trung tâm Y tế huyện (TTYT) Thường Tín đã lập danh sách và giám sát sức khỏe những người thu mua buôn bán, có tiếp xúc gần với gia cầm tại chợ đầu mối Hà Vĩ. Sau khi nắm bắt được một trường hợp nghi vấn ở xã Lê Lợi, Trạm Y tế xã Lê Lợi báo cáo lên TTYT huyện Thường Tín và TTYT Dự phòng Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội. Trường hợp này sau đó được đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Tín bằng xe vận chuyển cấp cứu để được cách ly, điều trị.
Lực lượng thú y của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Hà Nội ngay sau đó cũng đã tổ chức lập chốt kiểm dịch ngay tại đầu xã và chợ Hà Vĩ, đồng thời tập trung lực lượng khử trùng toàn bộ khu vực chợ, ngừng hoạt động kinh doanh buôn bán gia cầm tại chợ Hà Vĩ.
Đánh giá về buổi diễn tập, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, dịch cúm A/H7N9 hoàn toàn có khả năng xâm nhập vào nước ta nên các địa phương cần nâng cao khả năng đáp ứng với dịch bệnh. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền về các biện pháp phòng chống dịch bệnh để nâng cao ý thức của người dân trong phòng chống dịch bệnh.
Ở góc độ chuyên môn, các chuyên gia y tế nhận định, nguy cơ dịch cúm gia cầm xâm nhập vào nước ta qua đường biên giới là rất lớn. Ðể chủ động ngăn chặn, hạn chế thấp nhất sự lây nhiễm và tử vong cho người trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương có liên quan cần đề ra các giải pháp phòng ngừa hiệu quả. UBND các tỉnh biên giới tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn như: bộ đội biên phòng, công an, quản lý thị trường, thú y... kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn việc nhập khẩu bất hợp pháp gia cầm, sản phẩm gia cầm. Tăng cường phối hợp liên ngành, xử lý triệt để các đường dây vận chuyển, các vụ việc buôn lậu, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới và các chợ đầu mối.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm. Tổ chức các đợt tiêu độc, khử trùng tại các chợ gia cầm sống, nhất là các chợ đầu mối, các trang trại chăn nuôi gia cầm. Tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và sự lưu hành virus cúm trên các đàn gia cầm, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch. Thông báo kịp thời cho Bộ Y tế để triển khai ngăn ngừa lây lan sang người.
Ngành Y tế chỉ đạo các đơn vị, các cơ sở khám, chữa bệnh chủ động chuẩn bị đủ thuốc, trang thiết bị, nhân lực phục vụ cho việc xác định, điều trị để sẵn sàng tiếp nhận, điều trị người bệnh khi có dịch bệnh xảy ra. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, nhất là cơ quan thú y để chia sẻ thông tin về tình hình dịch cúm trên gia cầm, từ đó chủ động triển khai các biện pháp ngăn ngừa dịch cúm gia cầm lây nhiễm sang người và xử lý ổ dịch (khi có dịch xảy ra).
Thiên Minh - Xuân Hinh