Lang thang cùng xích lô Sài Gòn
Đã từ lâu, khách thập phương, giới lữ hành, du khách nước ngoài đã quen thuộc với hình ảnh chiếc xích lô như một “đặc sản” chính hiệu của Sài Gòn, là một nét văn hóa xưa đáng quý. Thế nhưng, đằng sau đó là số phận của biết bao con người lam lũ. Với họ, chiếc xích lô vừa là chiếc cần câu cơm vừa là một biểu tượng Sài Gòn xưa mà họ đang cố níu giữ.
Xích lô ngày xưa, vào những năm của thế kỷ XX, có thể dễ dàng bắt gặp ở mọi nẻo đường, chở đủ mọi tầng lớp, từ quý tộc đến người lao động bình dân. Nghề đạp xích lô lúc ấy dễ sống, thậm chí có những gia đình mấy thế hệ làm nghề đạp xích lô. Hình ảnh chiếc xe thong thả đi qua những con phố dường như đã trở thành một biểu tượng đẹp, một nếp sinh hoạt khó có thể hòa lẫn trong đời sống người Việt.
Ngày nay, nghề xích lô đã và đang mất dần bởi nhiều lý do. Chỉ có người làm hợp đồng cho các công ty du lịch, được trang bị những chiếc xích lô mới, đẹp đẽ, biết vài ba câu tiếng Anh thì còn được khách du lịch ủng hộ, còn lại đa phần đều phải đối mặt với một cuộc sống bấp bênh…
Sống qua ngày
Nhấp một ngụm cà phê, điếu thuốc trên tay cũng vừa tàn, người đàn ông luống tuổi nhổm dậy khi nhác thấy bóng người phụ nữ vừa từ trong chợ bước ra. Không nói một lời, ông đón lấy chiếc giỏ trên tay bà rồi đi thẳng đến chiếc xích lô cũ kỹ. Vị khách cũng thản nhiên bước lên ngồi. Không ai nói với ai một lời nào. Người đàn ông đẩy xe cho có trơn bánh rồi nhảy lên yên, gồng sức mình lên hai bàn đạp…
Xích lô chở khách Tây dạo quanh trung tâm Sài Gòn |
Ngày nào cũng như ngày nào, cứ mỗi buổi sáng sớm, sau khi thưởng thức ngụm trà nóng, nhấm nháp vị cà phê đắng cùng hơi thuốc, ông lão và chiếc xích lô sờn cũ ấy lại rong ruổi khắp các nẻo đường cho đến tận khuya. Ông tên Trung Văn Lai (75 tuổi), có lẽ cũng là người có thâm niên lâu năm nhất trong số những người đạp xích lô mưu sinh ở Sài Gòn. Rời Tiền Giang lên Sài Gòn sống bằng nghề đạp xích lô đã hàng chục năm nay ở chợ Tân Định, nên khi hỏi thăm về ông, dân ở đây ai cũng biết.
Tầm 20 phút sau đã thấy ông quay trở lại. Nép chiếc xe vào sát vệ đường, ông tiếp tục ngồi vào chỗ ly cà phê uống dở. Gương mặt già nua thở từng hơi mệt nhọc, mồ hôi đẫm lưng áo, thế nhưng có vẻ tâm trạng ông đã phấn chấn hơn.
Ông Lai kể, bà khách khi nãy của ông vốn là mối thân quen. Giờ đây khách của ông đa phần chỉ còn là những người nội trợ đã quen thuộc nhiều năm như thế. Chẳng qua họ thương ông già cả không nỡ bỏ, chứ ai cần đến chiếc xích lô chậm chạp nữa, trong khi taxi, xe ôm công nghệ đầy ắp ngoài đường. Chỉ biết nhờ thế mà ông còn có cái để làm, để sống qua ngày.
Ông Lai chia sẻ: “Cuộc sống của tôi gắn bó với con “ngựa sắt” này đã mấy chục năm, cũng quen rồi. Ngày trước còn khỏe, chạy ngày mấy chục chuyến là có đồng ra đồng vào để gửi về quê. Giờ sức yếu lắm rồi, kiếm không được bao nhiêu, nhưng tôi vẫn ráng chạy, được tới đâu hay tới đó. Với cả tôi vẫn thấy yêu nghề, gắn bó với nơi này. Người Sài Gòn bình dị, dễ gần lắm. Sáng giờ mới 2 cuốc, được mấy chục ngàn, nhưng cũng vui vì ít nhiều còn có khách”.
Nhìn mông lung vào dòng xe cộ ngược xuôi, rít điếu thuốc, thở một hơi thật dài, tiếp tục câu chuyện với giọng trầm ngâm: “Càng ngày khách cứ ít dần, dường như không còn ai muốn đi xích lô nữa rồi. Cả khu vực chợ này chỉ tầm vài người còn hành nghề như tôi”.
Quả thực, những người mưu sinh bằng nghề xích lô như ông ở chợ Tân Định này không còn nhiều. Ai nấy cũng đều đã bước vào cái ngưỡng “thập cổ lai hi”. Mặc dù lệnh cấm xe xích lô đã có từ nhiều năm nay, nhưng đối với những người lao động cùng cực ấy, không có chiếc xe đồng nghĩa vào đến đường cùng. Thế nên họ chỉ còn biết chạy được ngày nào hay ngày đó.
Đến bây giờ, hầu hết những người yêu nghề và quyết giữ nghề đã sống hơn 60 năm cuộc đời. Họ là những người cuối cùng đang cố gắng lưu giữ những nét đẹp của chiếc xích lô theo năm tháng. Những người đạp xích lô tuổi đã cao như hàng cây già ven phố, chỉ còn chút sức lực, trông cậy vào chiếc xe cũ kỹ, tự lao động, tự kiếm miếng ăn cho bản thân và gia đình. Cuộc sống của họ hầu hết đều nghèo khó, nhưng họ vẫn giàu tình yêu đối với nghề, luôn biết san sẻ với nhau.
Trời vào khuya. Lác đác quanh chợ Bà Chiểu là vài ba chiếc xích lô cũ kỹ nép vào sát những mái hiên nhà. Mỗi xe đều phủ bạt che, bên trong là người lao động đang chìm sâu vào giấc ngủ. Giấc ngủ của họ đơn giản, không chăn ấm nệm êm, chỉ có một tấm áo khoác ngang người.
Thêm một chiếc xích lô nữa ghé vào. Người đàn ông trung niên bước xuống, bung mui rồi ngồi vào bên trong, châm điếu thuốc. Ông chống tay trên hai đầu gối, nét mặt trầm ngâm. Tôi bước đến bắt chuyện: “Khuya rồi, chú chưa nghỉ mà còn chờ khách sao?”. Rít thêm một hơi thuốc, ông thở dài: “Chạy vòng vòng cả ngày không được chuyến nào, nghĩ đến cảnh ngày mai cũng như vầy thì không biết sống sao đây…?”.
Dường như sự có mặt của chúng tôi trong lúc này khiến ông dễ mở lòng hơn. Ông kể, quê ông ở miền Trung. Hơn chục năm trước, sau một trận bão lớn, nhà cửa tan hoang, cơ nghiệp bao năm mất sạch. Gom góp những gì còn lại, ông dựng lại mái nhà cho mấy mẹ con ở rồi vào Sài Gòn kiếm sống. Làm công có, buôn bán nhỏ có, nhưng chẳng được bao lâu. Cuối cùng ông đến với chiếc xích lô.
Ban đầu đạp xích lô đắp đổi cũng qua được ngày. Để tiết kiệm tiền, ban ngày ông chạy xe, ban đêm tìm một vỉa hè nào đó bung mui lên ngủ tạm. Cứ thế, tuy có vất vả nhưng cũng giải quyết được miếng ăn cho cả nhà. Ở quê mấy mẹ con đi làm thuê phụ vào cũng qua được gian khó.
Được vài năm tương đối ổn định thì có lệnh cấm xích lô. Khách bây giờ không còn nhiều, chủ yếu là chạy mối. Ông kể, mới cách đây mấy hôm ông chở hàng từ quận 11 lên đến Củ Chi, đoạn đường gần 40km giao cho khách chỉ để lấy 400 ngàn tiền công.
“Nếu xe có động cơ thì không nói. Đằng này tôi phải đạp mất gần một ngày ròng rã. Như trước kia là tôi từ chối không đi rồi, nhưng 400 ngàn đồng trong lúc này là quá lớn với tôi cho nên tôi phải nhận vì không nhận thì đói. Có mối chạy là quý lắm rồi, bỏ bao nhiêu công sức cũng đành phải cố” - ông ngậm ngùi.
Ba ngày nay chạy lòng vòng tìm khách nhưng không được chuyến nào, ông phải ra xin bánh mì ở tủ từ thiện ăn cho đỡ đói lòng. Nghĩ đến cảnh mấy hôm nữa mà vẫn không có khách, không có tiền gửi về chăm đứa con đang ốm, ông không sao ngủ được.
Tôi hỏi thăm về những xe bên cạnh. Ông cho biết, cả bốn người đều cùng quê. Ai cũng lớn tuổi, không nghề nghiệp bỏ quê vào thành phố tìm kiếm cái ăn. Mỗi người mỗi hoàn cảnh. Mỗi người mỗi thân phận, nhưng tựu trung, chẳng ai có điều kiện tốt mà lại chọn nghề đạp xích lô.
Người xích lô già chờ đón khách |
Nghe ông kể chuyện, trong tôi bỗng dâng lên trong lòng chút ngậm ngùi, nghèn nghẹn. Cuộc mưu sinh bây giờ khó khăn quá. Những người lao động lam lũ hằng ngày phải đối mặt với bao nhọc nhằn. Cuộc sống của họ dần đi vào ngõ cụt.
Chỉ còn dành cho du khách
Để chủ động hơn trong việc tìm kiếm khách hàng, khoảng hơn một năm trở lại đây, hầu hết người đạp xích lô trên địa bàn TP HCM có thâm niên trên dưới 20 năm đã thống nhất quy tụ lại vào các nghiệp đoàn. Trong mỗi nghiệp đoàn cử ra một người đại diện chuyên liên hệ với những công ty du lịch trong thành phố, nhận khách qua điện thoại với giá niêm yết trung bình 50-70 ngàn đồng/giờ.
Những thành viên trong nghiệp đoàn đa phần là người lớn tuổi từ quê nghèo miền Trung, miền Tây đổ về Sài Gòn mưu sinh. Họ đoàn kết lại chia sẻ khó khăn, xem nhau như anh em một nhà. Đêm đến lấy xe làm giường, vỉa hè là nhà, cơm bụi nhai trệu trạo qua bữa, gửi những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi về quê nuôi vợ con.
Ông Thiện (60 tuổi, quê Đồng Tháp), người có thâm niên hơn 20 năm trong nghề tâm sự. Trước đây ông ở quê làm ruộng, quần quật quanh năm nhưng vẫn nghèo khổ. Năm 30 tuổi ông bỏ quê lên Sài Gòn lang thang chợ Cầu Muối làm đủ nghề, ai thuê gì làm nấy, tích góp tiền mua được chiếc xích lô hoạt động ở khu chợ này.
Những năm 90 của thế kỷ trước, xe máy không nhiều, xích lô đón khách, chở hàng liên tục nên tiền kiếm được cũng kha khá. Tuy nhiên, đến năm 2001, chợ Cầu Muối bị giải tỏa, cộng với đô thị hóa tăng nhanh, nghề xích lô dần trở nên lỗi thời. Khách đi xe và chở hàng dần ít đi, thu nhập cũng trở nên bấp bênh. Và nghề thật sự khó khăn hơn từ khi thành phố có lệnh cấm xe xích lô. Có ngày đi làm không chở được khách nào, còn bị đội trật tự bắt phạt, thu xe. Năn nỉ lắm họ mới cảnh cáo rồi thả về.
Bây giờ về quê cũng không có việc gì làm. Những cánh đồng lúa bạt ngàn giờ đã được máy móc cơ giới thu hoạch. Ruộng đồng bị nhiễm mặn, người dân quê ông đã chuyển qua nuôi tôm sú gần hết, chỉ có gia đình ông không có vốn nên đành phải bám trụ với nghề này.
Sống ở Sài Gòn mấy chục năm, dãi nắng dầm mưa đến nỗi bây giờ hình như ông không biết khổ là gì. Ban ngày chạy xích lô, tối đến ông lại về phường Cô Giang (quận 1) dựng xe trên vỉa hè ngủ qua đêm, mai đi làm tiếp. Hôm có tiền thì ăn cơm bụi, ế khách thì gặm bánh mì không. Tắm rửa, giặt giũ thì vào nhà vệ sinh công cộng. Cứ như vậy ông sống qua ngày. Hai đứa con ông đã lớn nhưng vẫn chưa thoát cảnh nghèo. Vậy nên ông chỉ mong mỗi tháng kiếm được đủ tiền nuôi thân và gửi một chút về cho vợ.
Từ khi gia nhập nghiệp đoàn, thu nhập của ông có phần ổn định hơn, không phải chạy lòng vòng bắt khách mà chỉ đợi ở một điểm nhất định, công ty có khách sẽ gọi. Mỗi giờ chạy họ trả ông 50 ngàn đồng, tính ra một ngày thu nhập khoảng 200 ngàn đồng, cũng đủ sống.
Cạnh đó, ông Lấn (66 tuổi, quê ở An Giang) có 40 năm trong nghề, góp chuyện. Ông nói, xích lô bây giờ không chạy tour và không có mối thì khó sống nổi. Xích lô chỉ có khách Tây sử dụng, ngoài ra không ai thèm đi nữa.
Ông Lấn cho biết, ông lên Sài Gòn chạy xích lô từ những ngày đầu giải phóng. Khi đó đường phố còn lộc cộc xe ngựa. Xã hội dần dần phát triển, xe ngựa cũng biến mất, chỉ còn những người gắn bó với xích lô lâu năm. Nghề này đã nuôi cả gia đình với bốn đứa con của ông ăn học đầy đủ, nên người.
“Qua bao nhiêu năm làm việc, khả năng ngoại ngữ cũng được nâng cao, giờ tôi có thể nói chuyện với khách Tây rành rọt, thậm chí hát cho họ nghe”, ông Lấn khoe.
Cũng theo ông Lấn, vào nghiệp đoàn, mọi người buộc phải chấp hành tốt mọi quy định vì quyền lợi cũng đi liền với nghĩa vụ, không còn tình trạng chặt chém du khách. Anh em cũng góp tiền lại làm đồng phục, sơn màu xe riêng tạo tính đồng bộ và dễ quản lý trong tổ. Có lần sau khi chở khách xong, một người phát hiện khách để quên một chiếc điện thoại iPhone trị giá đến 14 triệu đồng, thế nhưng họ vẫn liên hệ công ty du lịch, tìm tới tận khách sạn và giao trả cho người mất.
Buồn vui, sướng khổ với nghề
“Gắn bó với Sài Gòn gần nửa đời người, trải qua biết bao thăng trầm nhưng vẫn có lúc không tránh khỏi những “vố lừa” ở mảnh đất phồn hoa này” - ông Tùng (52 tuổi), người đạp xích lô ngụ tại phường Cầu Ông Lãnh, quận 1 tâm sự.
Ông Tùng ngồi kể chuyện bị bắt xe |
Ông kể, lúc chưa vào nghiệp đoàn, một lần chở khách từ Thị Nghè lên chợ Bến Thành tham quan. Đến nơi, khách để lại một giỏ xách và bảo đợi mua hàng xong ra về trả tiền luôn. Một lúc sau khách chạy ra nói thiếu tiền, mượn ông 100 ngàn đồng, bảo khi về nhà trả luôn thể, tin người nên ông đưa. Đợi hoài vẫn không thấy khách đâu, ông đánh bạo mở túi xách ra xem thì thấy bên trong trống rỗng. Lúc đó ông mới biết mình bị lừa. Cũng có trường hợp, ông vừa dừng lại thì người khách nhảy xuống xe, bỏ chạy, ông chỉ biết cười cho qua chuyện.
Một câu chuyện bi hài khác mà những người đạp xích lô tour thường xuyên gặp phải, đó là có khách nhưng lại… không dám chạy. “Có hôm, nghiệp đoàn chúng tôi đưa 10 chiếc xe long trọng chở đoàn khách nước ngoài tới sát Dinh Độc Lập thì đội trật tự ập tới. Chúng tôi cuống cuồng chở cả khách chạy thoát thân. 5 chiếc bị bắt, xe bị tịch thu. Khách nước ngoài họ cũng mời xuống đường, đi đâu mặc kệ” - ông Tùng cười buồn. “Trước đây chúng tôi đi xe không khách mới bị bắt, giờ đang chở khách cũng bị bắt”.
Tôi hỏi sao nghiệp đoàn không phản ảnh, xin xe cho anh em làm ăn. Ông Tùng nói: “Bắt đầu từ năm 2010 là thành phố đã cấm xích lô trong nội thành rồi, cứ lăn bánh xuống đường là coi như đã vi phạm, không xin được”.
Điều hành tour của một công ty du lịch lớn cho biết, tháng 3 này công ty họ đón 5 đoàn khách du lịch bằng đường tàu biển. Mỗi đoàn như vậy từ 1.300-2.000 khách. Đoàn nào cũng yêu cầu du lịch bằng xích lô. Tuy nhiên, họ chỉ đáp ứng được cho 100-120 khách của mỗi đoàn bằng cách xoay tour. Phải cật lực mới đáp ứng được thời gian khách lưu trú trong thành phố.
Lý giải cho việc thiếu xe, người này nói: “Chúng tôi có liên hệ với tất cả các nghiệp đoàn xích lô trong thành phố. Ngày nào chúng tôi cũng đặt hàng họ, nhưng khách nhiều quá họ không dám chạy. Chỉ những hợp đồng nhỏ, vài ba chiếc, đi vào giờ vắng họ mới dám nhận, còn các giờ khác họ sợ bị bắt xe. Ai đời, cuộc sống khó khăn, có khách cũng không dám chạy!”.
Trước nhu cầu cuộc sống, mưu kế sinh nhai của hàng chục hội viên không bảo hiểm xã hội, những người chạy xích lô của nghiệp đoàn vẫn phải xuống đường mỗi ngày trong sự hồi hộp, lo lắng. Họ có thể bị bắt bất kỳ lúc nào. Nhưng, nếu nghiệp đoàn không hoạt động nữa, loại hình du lịch xích lô Sài Gòn độc đáo cũng sẽ chấm dứt.
Nghề xích lô hay những người làm nghề mưu sinh dạo vỉa hè, mỗi người mỗi hoàn cảnh nhưng đều giống nhau ở một điểm: ai cũng nghèo. Cái nghèo của những người hành nghề xích lô quả là tận cùng của xã hội, để sống được với nghề là cả một sự cố gắng lớn lao. Đối mặt với nhiều khó khăn, nhọc nhằn, cơ cực, niềm vui bình dị của các bác xích lô chỉ là những lúc du khách xin số điện thoại để giới thiệu cho bạn bè khi đến Sài Gòn, được trở thành những người bạn đồng hành, hướng dẫn cho khách biết thêm về cuộc sống, con người Sài Gòn qua mỗi chuyến tham quan thành phố.
Nghe ông Tùng nói chuyện, tôi vẫn thấy mắt ánh lên đầy vẻ lạc quan và hy vọng: “Sài Gòn nhìn vậy chứ biết cách sống là dễ dàng, dễ kiếm miếng ăn, dễ có bạn bè. Nghề này cực thì cực thật, dạo này còn bị cấm nữa nhưng mà vẫn đủ sống với sống vui. Tôi vẫn muốn chạy xích lô. Còn chạy được bữa nào thì cứ cố mà chạy. Tự do tự tại được chừng nào hay chừng ấy”.
Nguyên Phương