Phụ nữ chân ngắn đi dài
Chúng tôi không phải giới người mẫu chân dài. Là những phụ nữ bình thường, tự coi mình chân ngắn nên óc phải dài. Phải liên tục học hỏi kiến thức để hành trang trong cuộc đời của mình không bị lép. Có lẽ do chuẩn bị hàng trang liên tục, cập nhật kiến thức liên tục và cũng đi xa hơn, nên có nhiều vấn đề chúng tôi muốn thay đổi. Đó là những rào cản bước chân dài của phụ nữ.
Cho đến giờ phút này, Việt Nam chúng ta có nhiều người đàn ông rất đáng yêu, hiểu biết và cởi mở, nhận thức rằng khi họ để phụ nữ dài chân đi xa thì chỉ có lợi, đó là họ đã tháo sợi dây xiềng xích, để phụ nữ tự do phát triển, tạo nên sự phát triển chung cho toàn xã hội mà không gây thiệt thòi cho đàn ông. Nhưng tiếc thay không phải tất cả đàn ông Việt đều đã nghĩ, đã hành động được như vậy.
Vẫn còn đó những rào cản cho phụ nữ dài chân đi xa. Có những đàn ông vẫn lằng nhằng bám riết lấy suy nghĩ, quan điểm phong kiến, cho rằng nếu thả lỏng phụ nữ, thì họ sẽ thiệt hại lắm lắm. Khi phụ nữ hiểu biết hơn, có điều kiện phát triển năng lực hơn, sẽ trèo lên đầu lên cổ đàn ông, lãnh đạo đàn ông và ở nhà thì không cung phụng chồng như tôi đòi cung phụng ông chủ như trước nữa.
Thực tế là thế này, khi một phụ nữ giỏi, có cơ hội le lói phát sáng, lập tức xã hội sẽ tìm cách sử dụng cô ấy thật nhiều. Cô ấy có khả năng đạt những thành tựu xuất sắc trong sự nghiệp, đi tới những vùng đất xa hơn, trải nghiệm văn hóa, lối sống, trau dồi kiến thức mới, mở rộng mối quan hệ… Cô ấy sẽ được một chút tung hô và rất nhiều ghen tỵ. Thậm chí ngay cả trong gia đình, cô ấy sẽ vấp phải sự chống đối của người đàn ông thân yêu nhất, gần gũi nhất, ấy là chồng. Chồng cô thấy cô ít ở nhà hơn, không có thời gian bưng cà phê nóng hổi cho anh đều đặn, nấu món ngon ba bữa ở nhà mang lên tận bàn và ngọt ngào mời anh ra bàn xơi cơm trong lúc anh đang mải dán mắt vào màn hình vi tính, không đưa con đi học và đón con về đúng giờ tan tầm chật ních người, không tong tả đi mua bát phở ngon mỗi sáng về mời mẹ chồng ăn cho đúng giờ, thì chồng sẽ lập tức lên án vợ.
Anh sẽ cho rằng cô háo danh, cô bỏ bê gia đình, không quan tâm chồng con và gia đình chồng, thậm chí có thể cô tình tang bên ngoài cũng nên. Hàng ngàn câu hỏi tại sao treo trước mặt cô mỗi khi cô mở cửa vào nhà mình. Mái ấm bỗng thành mái lạnh và nhà tù tâm tưởng. Ngay lập tức cô phải đứng giữa hai lựa chọn, một là gia đình hạnh phúc (cho dù cô hoàn toàn không hạnh phúc), hai là sự nghiệp của cô (và gia đình tan vỡ). Cô chọn đi!
Hiện nay, tỷ lệ phụ nữ Việt chọn vế thứ nhất vẫn rất cao: Gia đình hạnh phúc (cảm giác hạnh phúc này toàn bộ gia đình hưởng, nhưng không có cô) và cô tự nguyện hy sinh bản thân vì điều này. Nhiều phụ nữ thừa nhận rằng, để có gia đình hạnh phúc, thì cô phải nhịn hạnh phúc bản thân. Người ta ca ngợi đức tính đảm đang, chịu thương chịu khó và giỏi chịu đựng, chịu hy sinh của người phụ nữ, bởi mục đích rất phong kiến là trói buộc phụ nữ trong vòng cương tỏa của gia đình hạnh phúc, không cho phụ nữ dài chân đi xa, tiến lên phía trước khám phá khả năng của mình, phát triển nhân tính của mình.
Khi người phụ nữ dũng cảm dài chân đi xa, cô ấy sẽ phải chịu những mũi tên bắn tới từ chính gia đình mình yêu thương, từ những người đàn ông cô quen, thậm chí cô không hề quen, và cả những phụ nữ đang bị trói buộc, cũng muốn cô phải tự trói chân, không được đi xa nữa.
Xin kể hầu bạn đọc hai câu chuyện điển hình về trường hợp của phụ nữ dài chân đi xa thế này:
Trường hợp thứ nhất là của Thụy, một giám đốc truyền thông của Tập đoàn kinh tế lớn. Chị xinh đẹp, giỏi giang, biết nắm lấy những cơ hội lãnh đạo trong nhiều sự kiện, biết tỏa sáng và tận dụng năng lực của mình. Chồng chị không chịu đựng được sự nổi tiếng và thành công của vợ, nên cuối cùng họ chia tay. Chị tin rằng, một khi sự thành công của chị, mà anh còn không thông cảm và chia sẻ như nguồn vui chung trong gia đình, thì nhất định đây không là người bạn đời đúng nghĩa của mình. Bạn đời, nghĩa là cùng chung tay xây dựng gia đình, và mọi thành quả phát triển năng lực cá nhân, thì cả hai cùng chung hưởng, chung vui. Còn khi niềm vui không là của chung nữa, thì ý nghĩa tình yêu, tình vợ chồng, tình bạn đời cũng đâu còn.
Sau này, chị cũng có tình cảm với hai người đàn ông nữa, nhưng thật lạ là hai người đàn ông đến sau, đều vẫn giữ khư khư cho họ thứ quyền lợi sở hữu người đàn bà như một thứ để phục vụ mình, của riêng mình trong mọi nhẽ, một thứ sở hữu ích kỷ cố hữu. Vì thế chị quan hệ với hai người đàn ông này một thời gian rồi lại đi đến quyết định không gắn bó, vẫn sống đơn thân. Chị tập trung thời gian và tiền bạc cho những chuyến du lịch khám phá xa xôi, và chị đặt chân tới hơn ba mươi nước trên thế giới. Không có ông chồng nào bên cạnh để giám sát hay cằn nhằn chuyện chị hay đi nữa, nhưng vẫn có vô khối ông bạn trai, chỉ là bạn xã hội, mà lại tự cho mình cái quyền phê phán chị rằng “đi lắm thế làm gì? đàn bà giỏi lắm đi nhiều, nhà đôi cái nhưng gối đơn chiếc!”. Hàng ngày, chịu những mũi tên thiên hạ bắn vào mình như thế, chỉ vì chị được đi nhiều hơn họ, giỏi hơn họ, và tự do hơn. Vâng, đàn ông vẫn không thôi tìm cách trói buộc phụ nữ, và khi không trói buộc được bằng hôn nhân, thì họ bắn những mũi tên độc đuổi theo những phụ nữ dài chân đi xa.
Trường hợp của người viết bài này cũng tương tự. Khi tôi li dị chồng vì cả hai không còn chia sẻ niềm vui được với nhau, cũng như chia sẻ trách nhiệm gia đình, tôi đã tìm được hạnh phúc mới với người đàn ông ngoại quốc. Hạnh phúc của chúng tôi giành được phải trải qua rất nhiều định kiến, cũng như nhọc nhằn đau đớn trước những mũi tên bắn từ nhiều đàn ông tưởng như chẳng liên quan.
Những người đàn ông đó, không những chẳng mừng cho hạnh phúc mà tôi đáng được hưởng, trái lại, họ dèm pha và bôi xấu bằng những kịch bản rất cũ, như lấy chồng ngoại quốc vì tiền, chẳng vì tình yêu. Đến khi tôi ra nước ngoài thăm nhà chồng như một lẽ đương nhiên, thì một anh cùng cơ quan cũ, bỗng nổi lên mắng mỏ tôi là loại đàn bà mất nết, gái nhà quê lấy chồng tây bỏ mặc con nheo nhóc, chẳng quan tâm đến việc tổ chức tết trung thu cho con. Anh ta nói vậy mà chẳng hề biết con tôi là ai, các cháu đã trưởng thành và tự lập được, không cần mẹ chăm bón bú mớm như xưa.
Bằng cách dùng những lời lẽ bôi nhọ sỉ nhục vô trách nhiệm, những người đàn ông tội nghiệp này đang ra sức níu kéo quyền lợi họ được hưởng trên sức lao động và sự tận tụy cống hiến của phụ nữ bao thế kỷ nay. Nhưng chúng tôi là những người phụ nữ hiểu biết, họ không thể dùng những mũi tên cùn này, hay sợi dây cũ kỹ nào trói buộc được chúng tôi nữa. Họ chỉ còn như những hòn đá ngáng đường, và chúng tôi chỉ cần đá sang bên là thoải mái dài chân đi xa. Họ không đủ mạnh để làm tổn thương chúng tôi được nữa.
Tử Đinh Hương