Từ 1/3 người Hà Nội được quản lý sức khỏe suốt đời
Hà Nội triển khai thí điểm khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân trên địa bàn từ 1/3, gồm các thông tin về tình trạng sức khỏe, nhóm máu, bệnh thông thường, mã số khám bệnh, tên người chăm sóc chính...
Trong các ngày 1-10/3, có 10 xã, phường tại 5 quận huyện của thành phố (gồm Long Biên, Gia Lâm, Ba Đình, Sóc Sơn, Nam Từ Liêm) triển khai thí điểm trước việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử. Sau đó Hà Nội sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm trước khi triển khai diện rộng ra toàn thành phố. Mục tiêu là đến trước tháng 9, Hà Nội sẽ hoàn thành việc khám sức khỏe lần đầu và lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân cho tất cả người dân.
Trạm Y tế phường Phúc Đồng (quận Long Biên) và xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm) là 2 nơi đầu tiên của phố Hà Nội triển khai chính sách này. Hơn 50 y bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang được huy động trực tiếp thăm khám cho người dân cũng như nhập dữ liệu vào hồ sơ điện tử quản lý sức khỏe cá nhân.
Trong ngày 1/3, đông đảo người dân đã đến tham gia. "Tôi đã đi khám chữa bệnh rất nhiều lần và lần nào cũng phải trả lời các câu hỏi về tiền sử bệnh. Giờ đây tôi đã có một mã số sức khỏe riêng, sau này đi khám chỉ cần đọc mã số này là bác sĩ đã có đầy đủ thông tin", bác Nguyễn Mạnh Hà, ở phường Phúc Đồng nói.
10 xã, phường của Hà Nội sẽ thí điểm lập hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử. Ảnh: T.H. |
Bác sĩ Vũ Thị Hoàng Lan, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Cổ Bi cho biết, từ nay đến ngày 10/3, trước mắt xã sẽ thí điểm khám lần đầu cho hơn 5.000 người sau đó triển khai tiếp những người còn lại trên địa bàn. Với những người đã đi khám sức khỏe định kỳ trong vòng một năm trở lại đây, nếu còn hồ sơ khám sức khỏe thì chỉ cần mang hồ sơ đến để cán bộ nhập dữ liệu.
Trong mẫu phiếu quản lý sức khỏe, ngoài các thông tin về tình trạng sức khỏe, bệnh thông thường còn có cả nhóm máu, tên bố mẹ bệnh nhân, tên người chăm sóc chính, mã số khám chữa bệnh. Sau khi khám, người dân có thể về ngay; kết quả được thông báo qua tin nhắn điện thoại.
Theo Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý, việc lập hồ sơ, khám sức khỏe cho người dân không chỉ giúp phát huy tối đa hiệu quả phòng chống bệnh dịch từ tuyến y tế cơ sở mà còn tạo điều kiện cho mọi người thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe của mình. Điều này sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, về lâu dài sẽ giảm chi phí về y tế.
Trước Hà Nội, Phú Thọ và Bắc Ninh cũng đã thí điểm khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân.