Cô bé mắc bệnh nghiện ăn tóc
Ngày 28/2, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, vừa tiếp nhận một bé gái mắc chứng bệnh lạ là nghiện ăn tóc.
Theo BS. Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, bé gái tên P.P.T. (7 tuổi, ngụ Biên Hòa, Đồng Nai) mắc hội chứng Rapunzel hay còn gọi là chứng nghiện ăn tóc, khiến bé có sở thích bứt những sợi tóc trên đầu và nuốt chúng vào bụng. Đây là một hội chứng được gọi theo tên một nàng công chúa tóc dài xinh đẹp với mái tóc dài bằng cả một tòa tháp trong truyện cổ Grimn.
Búi tóc được lấy ra khỏi dạ dày cho bé |
Chứng bệnh này có thể khiến bệnh nhân tử vong hoặc biến chứng khi tóc bị mắc kẹt trong dạ dày gây tắc ruột, thủng ruột, xuất huyết đường ruột, thiếu máu, giảm cân và viêm ruột thừa.
Bé được đưa đến khám tại bệnh viện vì lý do bị đau bụng, nôn ói. Qua siêu âm, các bác sĩ phát hiện có dị vật chiếm gần hết dạ dày. Các bác sĩ đã phẫu thuật lấy một búi tóc dài mắc kẹt trong đường tiêu hóa của bé.
BS. Đào Trung Hiếu cho biết: Tóc không chỉ nằm ở dạ dày mà còn kéo dài xuống tận ruột non một đoạn. Ca phẫu thuật lấy búi tóc ra khỏi dạ dày của bé không có gì phức tạp. Tuy nhiên, vấn đề là điều trị tâm lý cho bé, cần phải mất một thời gian dài và kết hợp điều trị suy dinh dưỡng. Vì căn bệnh kỳ quái này cũng khiến bé T. bị suy dinh dưỡng nặng, chỉ cân nặng có 13 kg ở một đứa trẻ 7 tuổi.
Mẹ của bé không hề biết bé có sở thích kỳ quái này từ khi nào, do ba mẹ đều đi làm gửi bé cho bà ngoại chăm sóc. Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn phát hiện thấy bé nhặt tóc bỏ vào miệng.
Bé gái sau khi được phẫu thuật lấy dị vật ra khỏi dạ dày |
Trong khoảng 3 năm trở lại đây, Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận khoảng 10 trường hợp trẻ có thói quen ăn tóc. Tuy nhiên, trường hợp tự bứt tóc của mình để ăn như bé T. là trường hợp thứ 2 mà Bệnh viện Nhi Đồng 1 ghi nhận.
Ngoài ăn tóc, bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ có thói quen ăn những vật không hề có chất dinh dưỡng như: bông gòn, sợi vải, vôi quét tường... Chứng bệnh này, khoa học gọi là Hội chứng Pica, bệnh nhân xuất hiện những cảm giác thèm ăn khó cưỡng với các chất vô dinh dưỡng, chất không phải là thực phẩm như: xà phòng, đất sét, giấy, kim loại, sơn, tóc hoặc thậm chí cả rác thải và phân động vật.
BS. Hiếu khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần quan tâm đến trẻ nhiều hơn nhằm phát hiện kịp thời những biểu hiện kì lạ của trẻ để ngăn chặn, uốn nắn kịp thời, giúp trẻ bỏ được các thói quen đó.
Mai Phương