Niềm tin Mường Mô
Theo chương trình di dân tái định cư Thủy điện Lai Châu, người dân xã Mường Mô (huyện Nậm Nhùn, Lai Châu) đang được thụ hưởng những điều kiện tốt nhất về cơ sở hạ tầng. Sau bao năm sống với cái nghèo, cái khổ, rồi cả nỗi ám ảnh ma túy, nghiện hút, từ khi về nơi ở mới, cuộc sống của người dân Mường Mô đã thay đổi hẳn. Những ngôi nhà sàn rách nát được thay bằng những ngôi nhà sàn kiên cố, mái lợp tôn sáng loáng. Người dân Mường Mô không chỉ biết đi nương, làm rẫy mà còn biết trồng măng, trồng nhãn, mít… để bán tăng thu nhập cho gia đình.
Khoác áo mới
Mường Mô vốn là xã nghèo khó bậc nhất của Lai Châu. Trước đây, khi chưa có Dự án Di dân tái định cư Thủy điện Lai Châu, đây là vùng đất bạt ngàn lau lách, địa hình bị chia cắt mạnh bởi các đồi núi. Giao thông đi lại cũng vô cùng khó khăn. Từ xã ra đến trung tâm huyện chỉ chừng 50km nhưng mất tới 2-3 giờ đồng hồ. Nhưng đó là ngày nắng, còn ngày mưa thì mất đến cả nửa ngày. Con đường đất đỏ ra huyện trở nên trơn trượt, nhão nhoẹt, bùn sâu có khi đến nửa mét. Dân cư cũng rất thưa thớt, sống phân tán ven các sông suối, chênh vênh giữa các triền đồi, triền núi. Cuộc sống chủ yếu dựa vào phát nương, làm rẫy, vô cùng khó khăn. Khí hậu ở Mường Mô cũng khắc nghiệt vào loại bậc nhất cả nước. Nắng thì như thiêu, như đốt. Mưa thì trắng trời, thối đất, thối cát.
Tuy nhiên, từ ngày đến nơi ở mới, cuộc sống của người dân Mường Mô đã thay đổi hẳn. Mường Mô có 9 bản thì 8 bản thuộc diện tái định cư, 1 bản là bản Tổng Tịt với 64 hộ không thuộc diện tái định cư nhưng cũng được UBND kiến nghị đưa đến nơi ở mới. Khu vực tái định cư của Mường Mô nằm cách Thủy điện Lai Châu chừng 25km được đầu tư khá đồng bộ. Con đường từ trung tâm xã ra đến thị trấn Nậm Nhùn được trải nhựa. Ngày nắng cũng như ngày mưa, người dân Mường Mô có thể dễ dàng đi lại trên con đường ấy, giao thương hàng hóa vì thế cũng có điều kiện phát triển. Đường từ các bản tái định cư về trung tâm xã cũng thế, đều được bê tông hóa giúp việc đi lại của người dân rất thuận lợi. Việc đi lại của trẻ em ở Mường Mô xuống các điểm trường cũng thuận lợi hơn. Hệ thống điện lưới quốc gia cũng được kéo về tận các thôn bản, đến tận nhà người dân. Những ngôi nhà sàn, nhà cấp 4 san sát mái lợp ngói, lợp tôn đỏ au bám sát các con đường ô bàn cờ đan xen tại các bản tái định cư Mường Mô.
Một góc bản Mường Mô |
Đứng bên ngôi nhà sàn kiên cố ngay giữa bản Mường Mô của xã Mường Mô, ông Hỏ Văn Ninh - Trưởng bản Mường Mô nói: Cuộc sống của người dân nơi đây trước kia nghèo khổ lắm, chẳng mấy ai dám nghĩ đến chuyện xây nhà, sắm cái tivi để xem thời sự… Chuyện mua chiếc xe tải để chuyên trở hàng hóa ra ngoài thị trấn, ngoài tỉnh bán thì lại càng không. Quanh năm đi nương, làm rẫy, quần quật với nắng, mưa cố lắm cũng chỉ đủ ăn. Đất đai cằn cỗi, lối canh tác thô sơ nên năng suất rất thấp. Nhưng từ khi về nơi ở mới, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, những điều tưởng chừng không dám nghĩ, chỉ có trong mơ ấy đã trở thành sự thật. Ngoài việc được đền bù đất và hỗ trợ xây nhà, người dân còn được hỗ trợ gạo, giống cây trồng, được hướng dẫn trồng các loại cây ăn quả sao cho khoa học, hiệu quả. Rồi người dân Mường Mô cũng được dạy cách nuôi con gà, con dê, làm bè thả cá dưới sông… để bán tăng thu nhập gia đình.
Đề cập đến cuộc sống của người dân tại các bản tái định cư xã Mường Mô, ông Mào Văn Tuyển - Phó chủ tịch UBND xã Mường Mô cho hay: Mường Mô có 8/9 bản tái định cư với tổng số 648 hộ, có 7 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Thái chiếm số đông. Mỗi hộ thuộc diện tái định cư sẽ được nhận 360m2 đất ở. Ngoài ra, tại các khu tái định cư còn được đầu tư 3 kênh mương thủy lợi, sắp xếp quỹ đất canh tác khoảng 70ha cho bà con để trồng 43,7ha nhãn; 10ha cây ăn quả gồm mít, xoài, dừa xiêm, vải và 12ha trồng quế, sưa, lát. Năm 2017, xã có phương án cho bà con trồng rừng thay thế, trồng quế và dự kiến trong quý đầu năm sẽ chia đất cho bà con canh tác.
Cũng theo ông Mào Văn Tuyển thì sau khi được Nhà nước quan tâm chuyển bà con đến nơi ở mới, bà con tái định cư đã ổn định cuộc sống. Thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2016 đạt 20,2 triệu đồng/người, gấp đôi so với trước khi tái định cư. Tỷ lệ hộ nghèo trong xã cũng giảm mạnh, từ 43,8% (theo chuẩn cũ - PV) xuống còn 23,6% (theo chuẩn mới - PV). Đặc biệt, tại hội nghị bình chọn xã nông thôn mới được tổ chức cuối năm 2016, Mường Mô đã cơ bản đạt 17/19 tiêu chí, chỉ còn nợ 2 tiêu chí là hộ nghèo và thu nhập. Hai tiêu chí này sẽ được xã giải quyết nốt trong năm 2017.
Để người dân an cư lạc nghiệp
Thủy điện Lai Châu có công suất 1.200MW, lớn thứ 3 cả nước, là bậc thang thứ nhất của hệ thống 3 bậc thang trên dòng chính sông Đà. Trong quá trình triển khai thi công nhà máy, Lai Châu được giao nhiệm vụ thực hiện bồi thường, tổ chức di chuyển các hộ dân tái định cư thuộc vùng ngập của lòng hồ thủy điện. Theo ông Đỗ Ngọc An - Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, đến nay Lai Châu đã hoàn thành xây dựng 8 khu, 17 điểm tái định cư tập trung để bố trí tái định cư cho gần 2.000 hộ với hơn 8.400 nhân khẩu. Các chính sách về bồi thường, hỗ trợ tái định cư được thực hiện đầy đủ. Cuộc sống của người dân tái định cư tại nơi ở mới được các đoàn giám sát của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đánh giá cao, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân sau tái định cư ngày một ổn định và từng bước được nâng lên.
Còn theo Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn Phạm Đức Minh, trong quá trình triển khai thực hiện công tác di dân, sau khi đã ổn định đời sống người dân tại nơi ở mới, huyện đã tập trung xác định các nhiệm vụ chủ chốt để đảm bảo cho việc phát triển đời sống cho nhân dân. Trước hết là ổn định cho nhân dân ở nơi mới thông qua việc ổn định cơ sở hạ tầng cũng như các công trình thiết yếu như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa... để phục vụ nhân dân, đảm bảo cho nhân dân khi đến nơi ở mới có điều kiện hoạt động, thích nghi với điều kiện cuộc sống.
Cùng với đó, huyện Nậm Nhùn đã tập trung tổ chức lại sản xuất cho nhân dân, cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với điều kiện cuộc sống của nhân dân trên địa bàn. Đồng thời, huyện cũng tập trung tháo gỡ khó khăn liên quan đến đất ở và đất sản xuất, đặc biệt là đất sản xuất cho nông nghiệp vì người dân vùng tái định cư Thủy điện Lai Châu đều chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Đời sống của nhân dân cơ bản ổn định, người dân cũng đã bắt đầu thích nghi với các điều kiện ở nơi mới và phục hồi bản sắc văn hóa dân tộc, có sự giao lưu chung với các xã của địa phương.
Đặc biệt, theo ông Phạm Đức Minh thì để đảm bảo đời sống lâu dài, bền vững cho nhân dân thì huyện Nậm Nhùn đã đưa các mô hình cây trồng có chất lượng và năng suất cao, rồi tư vấn, hướng dẫn người dân khai thác hiệu quả tài nguyên rừng trên địa bàn các xã có tái định cư, tạo điều kiện cho họ có những thương hiệu, những sản phẩm của mình.
Một cuộc sống mới đã và đang đến với người dân xã Mường Mô. Và với những thay đổi trên mảnh đất này, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân nơi đây!
Thanh Ngọc