Hộ kinh doanh vẫn có thể vay vốn nhà băng
Đây là khẳng định của ông Đoàn Thái Sơn – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Ngân hàng Nhà nước) trước những thông tin cho rằng sau ngày 15 – 3, các hộ kinh doanh sẽ không được vay vốn tại các tổ chức tín dụng (TCTD) theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN.
Ảnh minh họa. |
Những ngày qua, thông tin về việc hộ kinh doanh, tổ hợp tác, các tổ chức không có tư cách pháp nhân sẽ không đủ tư cách chủ thể vay vốn tại các TCTD đã gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận xã hội. Theo đó, tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, từ ngày 15 – 3 sẽ chỉ có cá nhân và pháp nhân mới đủ tư cách chủ thể vay vốn của các TCTD, còn hộ kinh doanh thì không. Điều này có nghĩa sau ngày 15 – 3, các hộ gia đình nếu có nhu cầu vay vốn để đầu tư kinh doanh thì sẽ phải “nâng cấp” thành doanh nghiệp thì mới “đủ tư cách” chủ thể vay vốn nhà băng. Còn nếu hộ gia đình không chịu “nâng cấp” thành doanh nghiệp thì không thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ các nhà băng. Và nếu chủ hộ, cá nhân đại diện cho hộ kinh doanh đứng ra vay vốn với tư cách cá nhân thì sẽ phải chịu lãi suất cao theo lãi suất vay tiêu dùng…
Thứ nữa, nếu buộc phải “nâng cấp” thành doanh nghiệp để đáp ứng tiêu chí vay vốn của nhà băng thì các hộ kinh doanh sẽ phải giải quyết một loạt các vấn đề. Họ sẽ phải thay đổi hoàn toàn cách kinh doanh truyền thống, tức phải học, phải làm quen với một các vấn đề về sổ sách, chứng từ, các quy định, thủ tục hành chính… Đấy là chưa kể, với các hộ kinh doanh nhỏ kiểu như sản xuất bánh mỳ, bánh bao, trong rau sạch… khi “nâng cấp” thành doanh nghiệp, các sản phẩm do họ làm ra sẽ phải gánh thêm 10% thuế giá trị gia tăng và tất nhiên, làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Ngoài ra đó còn là vấn đề kiểm tra chuyên ngành, thực hiện các quy định về kê khai thuế…
Trước những luồng ý kiến trên, trao đổi với báo chí, ông Đoàn Thái Sơn khẳng định, theo Thông tư 39 thì các hộ kinh doanh vẫn có thể vay vốn tại các TCTD với tư cách cá nhân và hoàn toàn không có quy định ép hộ kinh doanh phải “nâng cấp” thành doanh nghiệp thì mới được vay vốn tại TCTD.
Cũng theo ông Sơn thì những thay đổi tại Thông tư 39 với các quy định về khung pháp lý điều chỉnh hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng (khách hàng không phải là TCTD) là phù hợp với quy định pháp luật hiện hành và tiến dần đến các thông lệ quốc tế. Những sự điều chỉnh này nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với hoạt động cho vay của TCTD và tăng tính minh bạch trong hoạt động cho vay. Ví như việc điều chỉnh chủ thể vay vốn chẳng hạn, theo quy định tại Bộ Luật Dân sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1 – 1 – 2017, chủ thể tham gia quan hệ dân sự, bao gồm cả hợp đồng vay vốn chỉ bao gồm cá nhân, pháp nhân. Quy định về khách hàng vay vốn tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN là thực hiện quy định đã có hiệu lực của Bộ luật Dân sự 2015.
“Theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, từ 1 – 1 – 2017, hộ kinh doanh không còn là chủ thể ký kết tất cả các loại hợp đồng (không chỉ riêng đối với hợp đồng tín dụng ngân hàng). Thông tư 39 đã có quy định, việc vay vốn ngân hàng sẽ phải thực hiện theo tư cách cá nhân. Thông tư 39 không có bất kỳ quy định nào buộc hộ kinh doanh phải thành lập doanh nghiệp để vay vốn” – ông Sơn nói.
Đại diện Vụ Pháp chế NHNN cũng phủ nhận quan điểm cho rằng, nếu vay lại phải thay đổi rất nhiều hồ sơ, thủ tục, giấy tờ và đặc biệt phải vay với lãi suất cao hơn, có thể sẽ tính theo lãi suất cho vay tiêu dùng khiến chi phí sản xuất đội lên nếu đứng dưới vai trò cá nhân vay vốn. Bởi theo ông Sơn, theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 và Thông tư 39, trách nhiệm hoàn trả vốn vay là của cá nhân vay vốn, việc vay vốn của cá nhân không ràng buộc trách nhiệm của hộ kinh doanh. Lãi suất cho vay cũng sẽ do TCTD và khách hàng thỏa thuận tùy thuộc vào mục đích vay vốn là kinh doanh hay tiêu dùng, thời hạn vay, mức độ rủi ro, tính khả thi của phương án vay vốn, chi phí đầu vào của từng TCTD...
Quy định trong Thông tư 39 chỉ nhằm xác định lại đối tượng vay vốn ngân hàng gồm pháp nhân và cá nhân theo thông lệ chung của thế giới. Việc điều chỉnh này nhằm làm rõ thuật ngữ, khái niệm bởi chỉ có 2 loại chủ thể pháp luật dân sự là cá nhân và pháp nhân. Hộ gia đình, hộ kinh doanh hay tổ hợp tác thực chất chỉ là một hoặc một nhóm cá nhân. Vì vậy, khái niệm này đã được xóa khỏi Bộ Luật Dân sự 2015 và Thông tư 39 của Ngân hàng Nhà nước bỏ chủ thể vay vốn “hộ gia đình” là hợp lý. Bỏ chủ thể vay vốn hộ gia đình, hộ kinh doanh chỉ là thay đổi hình thức tên gọi, còn bản chất vẫn như cũ. Từ ngày 15-3, hộ kinh doanh, hộ gia đình sẽ giao dịch với tư cách của một hoặc một số cá nhân, chứ chủ hộ không còn đương nhiên đại diện cho hộ như trước đây. (Luật sư Trương Thanh Đức – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng) |
Thanh Ngọc