Dịch bệnh thủy đậu vào mùa
Hiện nay, đang vào mùa của bệnh thủy đậu, các bệnh viện ghi nhận số ca mắc và biến chứng tăng nhanh, đặc biệt là ở trẻ em.
Theo BS. Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, chu kỳ của bệnh thủy đậu thường bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 6 nên hiện đang bước vào mùa của dịch bệnh này. Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 20 ca đến khám và điều trị. Tuy là bệnh không cần phải điều trị nội trú nhưng từ đầu năm đến nay đã có 24 trẻ nhập viện điều trị do biến chứng nặng.
Mô hình bệnh thủy đậu hiện nay cũng đã thay đổi nhiều. Nếu trước đây, đối tượng mắc chủ yếu là trẻ trong độ tuổi mẫu giáo, tiểu học thì nay có nhiều trường hợp người lớn cũng mắc bệnh sau đó lây ngược lại cho trẻ nhỏ. Mới đây, Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận một trường hợp bé mới sinh 20 ngày tuổi phải nhập viện điều trị thủy đậu do bị lây từ mẹ.
Trẻ mắc bệnh thủy đậu đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 |
Bác sĩ Khanh cho biết, bệnh thủy đậu là bệnh có tốc độ lây lan nhanh chóng và khó kiểm soát. Bởi bệnh lây qua đường hô hấp và tiếp xúc với các nốt phỏng rộp, vi rút gây bệnh có thể phát tán trước khi phát bệnh 2 ngày và tồn tại trong vùng hầu, họng của người bệnh đến 3 tuần sau khi hết bệnh. Do vậy, thông thường nếu trong gia đình hoặc môi trường tập thể chỉ cần một người mắc bệnh có thể lần lượt lây hết cho những người còn lại.
Tuy đã có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng hiện nay nhiều người vẫn có quan niệm sai lầm trong điều trị bệnh như: trùm kín người lại, kiêng nước, kiêng gió, tắm hay uống nước gốc rạ... dẫn đến bệnh biến chứng nặng, gây nhiễm trùng để lại sẹo, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, nghiêm trọng hơn là dẫn đến nhiễm trùng huyết.
Do ai cũng phải mắc thủy đậu một lần trong đời nếu không tiêm ngừa, nên các bác sĩ khuyến cáo, để phòng ngừa bệnh này phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa bệnh, mỗi mũi cách nhau ít nhất là 3 tháng. Trẻ em có thể bắt đầu tiêm ngừa từ 12 tháng tuổi.
Ngoài ra, phụ nữ ở độ tuổi sinh nở cũng nên đi tiêm ngừa thủy đậu bởi nếu mang thai ở 3 tháng đầu tiên mà mắc bệnh thì ảnh hưởng rất lớn đến thai nhi. Vì cũng giống như các bệnh do siêu vi khác, nó có thể gây nhiều hậu quả nghiêm trọng cho thai nhi như: chậm phát triển, sẹo sau sinh, đục thủy tinh thể, thậm chí sẩy thai.
Mai Phương