Buddha yoga:
Yoga của người Việt
Buddha yoga như nhiều người đã biết còn được gọi là yoga Việt Nam, dù được hình thành trên “nền” yoga Ấn Độ.
Bởi Buddha yoga được Thượng tọa Thích Huệ Đăng, chùa Thanh Quang ở Đà Lạt, Lâm Đồng xây dựng từ nhiều “dòng” yoga khác nhau bằng cách chọn lọc những động tác yoga phù hợp với người Việt, sau đó sáng tạo dựa trên kinh nghiệm và kiến thức của bản thân về thiền, về yoga để nâng cao hiệu quả luyện tập. Như Buddha yoga được kết hợp từ yoga Kria, Susuma và Charka… là các pháp môn yoga chính thống đã bị thất truyền từ bao đời nay. Tuy nhiên, điều đáng nói nhất trong Buddha yoga chính là Thượng tọa Thích Huệ Đăng đã biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa yoga và Phật pháp để hướng con người đến lòng nhân ái, bao dung, thật thà (điều tâm)… những điều mà xã hội hiện nay dường như rất thiếu dưới hình thức “truyền giáo” trong những buổi tập.
Thượng tọa Thích Huệ Đăng hướng dẫn học viên tại Trung tâm Buddha yoga Trung Kính |
Buddha yoga bao giờ cũng được chia thành ba phần trong buổi tập theo từng mục đích của hình thức yoga này đề ra: Một là tập các động tác yoga theo tư thế asana để điều thân cho khỏe; Hai là “điều tức”, tức là điều hơi thở bằng phương pháp pranayama (thở) và thiền, giúp cho tinh thần đi vào trạng thái an tĩnh, không lo âu, không vọng động; Thứ ba là nghe giáo lý nhà Phật để điều tâm. Trong ba phương pháp trên có thể nói “điều tức” là quá trình khác biệt nhất so với hình thức yoga khác khi luyện thở bằng xương sống, một chuyện rất lạ trong giới ngoại đạo. Theo Thượng tọa Thích Huệ Đăng, bên cạnh tăng cường sức khỏe thì phương pháp này sẽ tạo ra nguồn năng lượng chạy dọc theo sống lưng lên não rồi làm não bộ sáng suốt, minh mẫn, khỏe mạnh dẫn đến cải thiện trí nhớ rất tốt. Thượng tọa Thích Huệ Đăng kể lại, phương pháp yoga này Thượng tọa đã được học từ khi còn tu ở núi Cấm, An Giang cách đây mấy chục năm.
Tuy nhiên, dẫu nói gì cũng không bằng những người trong cuộc hoặc những người tường tỏ Thượng tọa Thích Huệ Đăng nhận định về Buddha yoga. Bởi họ là những người đã trải nghiệm hiệu quả của Buddha yoga hoặc chứng kiến khả năng phi thường của Thượng tọa trong cuộc sống.
Ông Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo - Ban Tôn giáo Chính phủ: “Buddha yoga khơi dậy những điều tốt đẹp”
Tôi biết thầy Huệ Đăng gần 20 năm nay. Ấn tượng đầu tiên của tôi về thầy là một ông sư “không chịu” tụng kinh, gõ mõ tu Phật mà chỉ đi trồng lan, bán lan làm kinh tế. Nhưng sau đó, khi biết và hiểu thầy, nhất là khi tôi có dịp được vào nơi tu hành của thầy ở Đà Lạt, tôi mới thấy thầy là một vị sư nhập thế cực giỏi. Ban ngày thầy quần quật trồng, chăm sóc lan. Nhưng ban đêm, thầy lại dành thời gian nghiên cứu kinh điển Phật giáo rồi viết sách. Tôi biết thầy viết rất nhiều sách. Không dừng lại ở đó, thầy còn tự nghiên cứu trồng sâm ngọc linh theo hình thức nuôi cấy mô và nhân giống phát triển, bào chế thành sản phẩm… một sáng tạo và thành quả mà ngay đến các nhà khoa học cũng chưa thực hiện được, dù Nhà nước đã cung cấp không ít kinh phí cho họ.
Tôi nhớ mãi một vị lãnh đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ đã nhận xét thế này: Đây là công trình đã tiêu tốn không ít tiền bạc, công sức của Nhà nước nhưng kết quả đạt được vẫn không như mong đợi. Trong khi một người tu hành không được bao cấp một đồng nào lại thực hiện được. Điều đáng nói là thầy Huệ Đăng lại không được đào tạo qua bất cứ trường lớp, chuyên ngành nào mà chỉ tự nghiên cứu, mày mò… thế mà thành công. Chưa kể đến hóa học thầy cũng tường, vật lý thầy cũng thạo… Như vậy, có thể nói thầy là một nhà tu hành có trí tuệ cao siêu và khả năng làm việc phi phàm. Tiếp xúc và gần gũi với thầy, tôi thấy đầu óc của thầy như một cuốn từ điển bác học, thậm chí khiến nhiều tiến sĩ phải mơ ước. Vậy từ đâu mà thầy có khả năng phi phàm như vậy, nhất là khi đã ở tuổi mà đối với người khác là lẫn cẫn, nhớ nhớ quên quên, đi không vững…? Chỉ có thể là tập yoga theo phương pháp Buddha yoga do thầy sáng tạo.
Tôi là người không thạo về yoga, nhưng có tập thiền. Phải thừa nhận rằng những bài tập của thầy cho hiệu quả rất cao về nội lực. Một minh chứng rất rõ rệt là các học viên Buddha yoga ăn uống rất kham khổ, toàn đồ ăn chay, lại lao động từ sáng đến tối, thậm chí không nghỉ thế mà ai nấy năng lượng làm việc dồi dào, tinh thần phấn chấn. Quan trọng hơn là ý thức và trách nhiệm của họ, tinh thần, đạo đức và ý chí của họ khiến người khác phải thán phục. Họ luôn tự lực, tự cường, rèn luyện bản thân… Và tôi cho rằng, đó là giá trị nhất của tu tập Buddha yoga. Nếu điều này được phát huy trong đời sống xã hội thì cái xấu sẽ tiêu tan, những điều tốt đẹp sẽ được khơi dậy và thay thế. Đó cũng là gốc rễ từ xa xưa, các bậc minh vương như Lý Công Uẩn, Trần Nhân Tông… muốn xây dựng được đất nước vững mạnh trên cơ sở căn cốt của mỗi người là tự lực, tự cường, đạo đức và trí tuệ.
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Vận tải Dầu khí (PV Trans): “Giá trị của Buddha yoga quý hơn cả kim cương”
Trước khi biết đến Buddha yoga, tôi cũng đã nghe đến yoga nói chung, nhưng chưa sẵn sàng cho việc luyện tập. Tôi chỉ tập thiền. Nhưng khi biết đến Buddha yoga, biết Thượng tọa Thích Huệ Đăng qua những thành quả lao động của thầy, qua không ít lần trò chuyện trực tiếp với thầy, tôi bắt đầu thấy hào hứng và sẵn sàng cho việc luyện tập yoga của mình. Dù công việc rất bận rộn, nhưng tôi đã tự quyết tâm với bản thân là sẽ kiên trì tập Buddha yoga. Bởi từ tấm gương của thầy, tôi thấy tập yoga phải kiên trì, đều đặn mới tiếp thu được những giá trị mà tôi cho rằng còn quý hơn cả kim cương do Buddha yoga mang lại. Sức khỏe là một phần, nhưng quan trọng phương pháp yoga do thầy Thích Huệ Đăng xây dựng vừa mang lại trí tuệ, vừa mang lại sự “giác ngộ” giáo lý nhà Phật rất thực tiễn, chứ không phải là lý thuyết suông.
Giáo lý nhà Phật tôi đã nghe nhiều thầy tu nói đến: Hướng con người tới điều thiện, từ bi bác ái… Nhưng nó chưa đủ thuyết phục vì chỉ mới dừng lại ở lời nói. Còn ở thầy Thích Huệ Đăng, tôi thấy rõ giáo lý đó biến thành hành động là những việc thầy làm, những hiệu quả mà thầy mang lại cho xã hội, cho cộng đồng. Minh chứng rất rõ là một nhà sư, lại là sư “chân đất”, sư làm nông nghiệp, không qua trường lớp nào nhưng thầy lại có thể trồng được nhiều giống lan quý, rồi là người đầu tiên thành công ở phương pháp nuôi cấy mô sâm ngọc linh... Đó là điều làm tôi khâm phục. Nhưng khâm phục hơn cả, thầy còn viết hơn 40 bộ sách về giáo lý nhà Phật. Quả thật thầy đúng là có trí tuệ hơn người, có năng lượng sống tràn đầy và một tài năng xuất chúng. Và để làm được điều này, theo tôi Buddha yoga là “bí quyết” của thầy.
Tôi thấy thầy Thích Huệ Đăng có con đường tu hành đi đến đích sáng nhất, rõ nhất cho nên chắc chắn sẽ ngắn nhất. Tôi cũng xác định rằng, tập yoga phụ thuộc lớn vào người học chứ không phải người thầy vì vậy sẽ toàn tâm, toàn ý luyện tập. Và ở đây quan trọng nhất khi tập là tâm chân thật và tình thương. Tình thương với mọi người, mọi loài. Còn tâm là sẵn sàng hy sinh để quên bản ngã, quên bản thân, thậm chí đánh tan cái tôi và phải siêng năng, nhẫn nhịn.
Ông Tô Như Toàn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Văn Phú: Hiệu quả điều thân, điều tức, điều tâm
Tôi theo thầy Thích Huệ Đăng tập liệu pháp yoga khoảng 5 năm nay. Những gì mà liệu pháp yoga của thầy mang lại là sức khỏe và trí tuệ. Buddha yoga nghĩa là phương pháp tu hành của Đức Phật. Chúng ta đều biết con người có sức khỏe sẽ có tất cả. Nếu không có sức khỏe, tinh thần sẽ yếu đuối dẫn đến không có trí tuệ. Không có trí tuệ thì việc làm hằng ngày không thể đạt hiệu quả tốt nhất. Nhưng Buddha yoga mang lại cả hai yếu tố ấy: sức khỏe và trí tuệ. Sức khỏe do yoga mang lại, trí tuệ do chân lý Phật giáo khai sáng - đây chính là điểm mạnh và khác biệt của Buddha yoga và đó cũng là lý do tôi tổ chức, khai trương Trung tâm Buddha yoga ngay tại Tòa nhà 177 Trung Kính để phổ biến, động viên cộng đồng cùng tập, áp dụng vào cuộc sống chân lý của phương pháp này.
Tôi nhận thấy, những gì thầy Thích Huệ Đăng thuyết giảng, không chỉ là lý thuyết, cũng không bó hẹp trong lĩnh vực nào mà ở mọi mặt của cuộc sống, ở mọi thời điểm của cuộc sống áp dụng đều thấy chính xác và hiệu quả. Thầy có dạy tôi cộng đồng là gì? Cộng đồng đầu tiên là có mình, có cha mẹ mình, anh chị em họ hàng và tất cả những người xung quanh mình. Làm tốt cho cộng đồng nghĩa là làm tốt cho mình, cho gia đình, người thân, mọi người xung quanh.
Với vai trò là doanh nghiệp, mục tiêu là ổn định và phát triển bền vững, thực hiện theo chân lý “cộng đồng” ấy, tôi đã đạt mục tiêu đề ra. Cụ thể như khi tu tập, áp dụng Buddha yoga 5 năm qua, sức khỏe của tôi tốt hơn rất nhiều, sức lao động của tôi cũng dẻo dai hơn khi tôi có thể làm việc liên tục mà không cần nghỉ trưa và cũng không cần ăn nhưng cũng không thấy mệt. Công việc thì suôn sẻ khi tư duy dẫn dắt hoàn toàn trên căn bản chân lý Phật giáo của Buddha yoga. Như vậy, hiệu quả của quá trình điều thân, điều tức, điều tâm của tôi đã phát huy. Tôi sẽ tiếp tục tu tập và chia sẻ cơ hội năng lực, thành công, đồng thời mở ra tâm nguyện cho những người khác xung quanh mình để mưu cầu con người, xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
5 năm cầu Pháp của Đức Phật là điều thân, 6 năm tu khổ hạnh là điều tức và 49 năm Ngài ôm bình bát khất thực chính là điều tâm. Làm được như vậy mọi người vừa có sức khỏe, vừa có trí tuệ, vừa có tâm chân thật và tình thương. Và từ cái tâm ấm áp ấy, mọi người có thể áp dụng vào cuộc sống đời thường, vào công việc hằng ngày của mình để làm xã hội tốt đẹp hơn. |
Tú Anh - Thanh Huyền