Du lịch biển, đảo
“Mỏ quặng tiềm năng” (Tiếp theo và hết)
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt xác định 7 khu vực trọng điểm ưu tiên phát triển du lịch, trong số đó có tới 5 khu vực là thuộc dải ven biển. Trong Đề án “Phát triển du lịch biển đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020” xác định đây là nhiệm vụ quan trọng trong xu thế hội nhập của nước ta với khu vực và quốc tế.
Có thể nói Đà Nẵng là một trong những địa phương đi tiên phong trong việc tổ chức thực hiện đề án. Có những định hướng riêng và đồng bộ về phát triển du lịch biển đảo. Bên cạnh việc đầu tư mạnh mẽ xây dựng cơ sở lưu trú. Đà Nẵng còn tổ chức nhiều sự kiện du lịch, nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, trong đó phải kể đến cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế. Ngoài ra ra còn hàng loạt các sản phẩm khác như: thi dù bay quốc tế; Giải vô địch mô tô nước; Dù lượn Việt Nam mở rộng; Đua thuyền rồng trên biển; Thi ma-ra-tông quốc tế… Đà Nẵng còn là địa điểm diễn ra nhiều sự kiện mang tầm thế giới và châu lục như: Cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper Race 2015-2016; Hội chợ Du lịch quốc tế về nghỉ dưỡng biển và nhiều cuộc hội nghị, hội thảo về du lịch biển đảo (MICE); Đại hội Thể thao Bãi biển châu Á - ABG5… Và đang rốt ráo chuẩn bị cơ sở, vật chất để tổ chức thành công sự kiện Tuần lễ cấp cao APEC vào năm 2017
Bãi biển đông nghịt khách khi vào mùa du lịch, nhưng đấy mới chỉ là một phần của du lịch biển đảo Ảnh: Thanh Hiếu |
Đà Nẵng cũng đã và đang khai thác triệt để các danh lam, thắng cảnh, các di tích lịch sử văn hóa để phục vụ du lịch. Xây dựng các công trình độc đáo, hệ thống cầu ở Đà Nẵng là những công trình kiến trúc có “một không hai”. Những cây cầu ấy, mỗi cây cầu là một công trình văn hóa là điểm nhấn, nâng thành phố lên tầm cao mới. Vận động các doanh nghiệp tham gia sâu rộng vào lĩnh vực du lịch, xã hội hóa tổ chức sự kiện, hình thành các gói sản phẩm du lịch biển với giá ưu đãi có chất lượng.
Với cách làm của mình, năm 2015 tổng khách tham quan du lịch đến thành phố ước đạt 4.600.000 lượt, tăng 20,5% so với năm 2014; trong đó khách quốc tế ước đạt 1.250.000 lượt, tăng 30,8% so với năm 2014, khách nội địa ước đạt 3.350.000 lượt, tăng 17,0% so với năm 2014. Tổng thu du lịch ước đạt 12.700 tỉ đồng, tăng 28,7% so với năm 2014. Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết: Năm 2016, tổng lượng khách du lịch đến Đà Nẵng ước đạt 5,51 triệu lượt, tăng 17,7% so với năm 2015, ước đạt 107,2% kế hoạch. Trong đó 1,66 triệu lượt khách quốc tế, tăng 31,6% và 3,84 triệu lượt khách nội địa, tăng 12,5%. Tổng thu từ du lịch ước đạt 16.000 tỉ đồng, tăng 24,7% so với năm 2015; tạo việc làm cho khoảng 27.000 người lao động trực tiếp trong ngành du lịch, tăng 8,1% so với 2015.
Kết quả mà ngành du lịch đạt được, đặc biệt là du lịch biển đảo đang khởi sắc. Trong 2 năm (2013-2014) Đà Nẵng được trao tặng danh hiệu Top 10 điểm đến hàng đầu châu Á; Top 10 điểm đến mới nổi hấp dẫn nhất thế giới năm 2015 do khách du lịch bình chọn trên trang Trip Advisor. Năm 2016, vượt qua hơn 8 điểm đến hàng đầu của châu Á như Bangkok (Thái Lan); Bắc Kinh, Hongkong, Thượng Hải, Ma Cao (Trung Quốc); Kuala Lumpur (Malaysia), Seoul (Hàn Quốc) và Singapore. Đà Nẵng giành danh hiệu điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á 2016.
Tuy đã xây dựng thành thương hiệu mạnh, nhưng du lịch Đà Nẵng, theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, vẫn còn thiếu phần “hồn”, đó là các sản phẩm, các lễ hội truyền thống. Những sản phẩm hiện nay phần lớn là khai thác thế mạnh tự nhiên. Đặc biệt du lịch biển đảo chưa có những tour đích thực.
Cũng như Đà Nẵng, Nghệ An xác định: Phát triển du lịch biển đảo đang trở thành hướng đi thiết thực, hiệu quả. Theo thống kê, du lịch biển ở Nghệ An chiếm gần 70% các hoạt động của ngành du lịch. Lượng khách đến các điểm du lịch vùng ven biển tăng nhanh với tốc độ tăng trưởng trung bình là 22,08%/năm, trong đó khách du lịch quốc tế có xu thế tăng đều. Tỷ trọng khách du lịch vùng ven biển hằng năm chiếm 92-95% tổng lượt khách du lịch đến Nghệ An. Doanh thu du lịch biển có tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm là 27%/năm. Du lịch biển đã đóng góp nguồn thu lớn vào ngân sách của tỉnh.
Nếu như năm 2004, du lịch Nghệ An mới vượt mốc 1 triệu khách, thì năm 2015 lượng khách lưu trú đạt 3,65 triệu lượt, doanh thu dịch vụ du lịch đạt 2.680 tỉ đồng. 9 tháng năm 2016, khách lưu trú tại Nghệ An ước đạt 2.723.000 lượt người. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 3.298.000 triệu đồng. Nghệ An phấn đấu đến năm 2020 tập trung phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch biển đảo làm hướng chủ đạo để đón 4,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 235.000 lượt người, doanh thu đạt 1.600 tỉ đồng; hoàn thiện cơ sở hạ tầng vùng ven biển đáp ứng yêu cầu phục vụ du lịch; thu hút trên 30.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch và tạo việc làm cho 70.000 lao động gián tiếp ngoài xã hội.
Nằm trong vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Bình Thuận là vùng đất có những lợi thế rất quan trọng trong phát triển kinh tế, nhất là phát triển du lịch biển đảo... Hiện nay Bình Thuận đã xây dựng được nhiều tuyến du lịch, trong đó đáng chú ý là các chuyến du lịch biển đảo gắn kết như Phan Thiết - đảo Phú Quý, chùa Cổ Thạch - Cù Lao Câu, biển Tam Tân - Hòn Bà, Mũi Kê gà… Những tuyến du lịch này bước đầu đã được khai thác có hiệu quả. Theo thống kê của Cục Thống kê Bình Thuận, 11 tháng năm 2016 đã có 4,1 triệu lượt khách đến, đạt 92,9% kế hoạch, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Riêng khách quốc tế đạt 457.000 lượt khách, đạt 95,2% kế hoạch, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2015. Doanh thu du lịch trong11 tháng đạt 8.112 tỉ đồng, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước.
Bình Định có bờ biển dài trên 130km trải dọc ở phía đông của tỉnh, với những địa danh, thắng cảnh nổi tiếng như: Quy Nhơn, Gềnh Ráng, Quy Hòa, bãi Dài, đầm Thị Nại, Cù Lao Xanh, Hải Giang, Eo Gió, Vĩnh Hội... Bán đảo Phương Mai - cầu Thị Nại nằm ngay trong thành phố Quy Nhơn với cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam… Với tiềm năng này, Bình Định đã xây dựng và hình thành một số loại hình du lịch biển như du lịch tàu biển; du lịch nghỉ dưỡng, kết hợp giải trí cuối tuần; du lịch thể thao và khám phá biển đảo tại đảo Nhơn Châu, các đảo ven biển như Hòn Ông Cơ, Hòn Khô, Hòn Đất… 6 tháng đầu năm 2016, Bình Định đã đón hơn 1,65 triệu lượt khách, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng doanh thu ước đạt hơn 721 tỉ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2015.
Có thể nói, các địa phương ven biển trong cả nước, dựa vào tiềm năng, thế mạnh của mình đang đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch biển, đảo. Trong quá trình phát triển, nhiều địa phương không đủ mạnh về tiềm lực kinh tế, lại không thu hút được đầu tư, nên cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu. Ở không ít địa phương, tình trạng “chặt chém” liên tục xảy ra, làm xấu môi trường du lịch. Tổ chức du lịch trên sông biển chưa bảo đảm an toàn, còn để xảy ra những vụ tai nạn thương tâm… tất cả những điều “chưa được” này đã làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch nói chung, du lịch biển đảo nói riêng. Trong sâu thẳm của người dân Việt Nam, rất muốn ngành du lịch nói chung, các địa phương nói riêng cần sớm nghiên cứu mở các tour đến hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; các quần đảo, đảo xa bờ…
Du lịch đến các địa danh này không chỉ mang lại sự mới mẻ cho du khách, mà thông qua đó còn giúp cho du khách, nhất là khách quốc tế hiểu thêm về hành trình khai phá, chinh phục và làm chủ biển đảo của tiền nhân. Là cách giáo dục tốt nhất về tình yêu quê hương đất nước, yêu biển đảo quê hương. Đây là loại hình du lịch đặc thù, cần có sự nghiên cứu và triển khai hết sức đồng bộ. Dù khó, dù mới cũng phải kiên quyết triển khai, có như vậy Đề án “Phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020” mới trọn vẹn.
Đặng Trung Hội