Festival Huế 2012 hứa hẹn nhiều hấp dẫn
Phóng viên Petrotimes đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Duy Hiền, Giám đốc Trung tâm Festival Huế về những nét mới của Festival lần này.
Năm nay, Huế vinh dự được chọn là tâm điểm của “Năm Du lịch quốc gia” 2012 tại vùng Duyên hải Bắc Trung Bộ. Chủ đề của Festival Huế lần này là: "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển – Nơi gặp gỡ các thành phố lịch sử”, hứa hẹn sẽ là một mùa lễ hội với nhiều chương trình hoạt động đặc sắc, mới lạ và hấp dẫn mang dấu ấn rất riêng của đất cố đô. Nhân dịp này, phóng viên Petrotimes đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Duy Hiền, Giám đốc Trung tâm Festival Huế về những nét mới của Festival lần này.
PV: Xin ông cho biết về công tác chuẩn bị cho Festival Huế lần này được thực hiện như thế nào? Việc thực hiện có gặp khó khăn gì không, thưa ông?
Ông Nguyễn Duy Hiền: Festival Huế năm nay khai mạc sớm hơn bình thường 2 tháng (từ 7-15/4). Việc kết nối các quốc gia và các đoàn nghệ thuật cũng như công tác chuẩn bị cơ sở vật chất và vận động tài trợ đều triển khai khẩn trương, đến nay về cơ bản đã tạm ổn. Dĩ nhiên trong quá trình chuẩn bị, cũng gặp những ảnh hưởng nhất định, vì Tết âm lịch xong là chỉ còn 2 tháng. Và hiện nay chúng tôi đang tiếp tục, nỗ lực đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành kịp một số cơ sở hạ tầng kịp ngày khai mạc. Festival Huế 2012 là điểm nhấn quan trọng của Năm Du lịch quốc gia Bắc Trung Bộ, hy vọng rằng mọi việc sẽ diễn ra như mong muốn.
PV: Festival Huế 2012 có nét gì mới so với những kỳ Festival trước, thưa ông?
Ông Nguyễn Duy Hiền: Festival Huế là một lễ hội văn hóa nghệ thuật mang tính tổng hợp. Cấu trúc của nó bao giờ cũng gồm các phần: Các chương trình nghệ thuật có chất lượng cao của các đoàn, nhóm nghệ thuật quốc tế và trong nước; Các lễ hội cung đình được tái hiện, phục dựng và các lễ hội mới; Các chương trình nghệ thuật đường phố và hoạt động văn hóa cộng đồng; Các lễ hội ở các địa phương trong tỉnh; Các hoạt động hội chợ thương mại du lịch và hội thảo khoa học về kinh tế, du lịch và văn hóa; ngoài ra, còn nhiều hoạt động hưởng ứng trong thời gian diễn ra Festival như triển lãm, ẩm thực… Nếu nhìn trên cấu trúc ấy thì quả thật các kỳ Festival đều diễn ra như thế, tuy nhiên, mỗi kỳ đều giới thiệu những đơn vị nghệ thuật, các thể loại nghệ thuật và quốc gia mới, ngay trong từng quốc gia mỗi lần tham gia đều là những đơn vị hoàn toàn mới.
Đối với các đoàn nghệ thuật trong nước cũng vậy, các lễ hội thì trừ lễ hội cung đình được phục dựng, các lễ hội khác mỗi kỳ đều có lễ hội mới, ngay lễ hội đặc trưng mà kỳ nào cũng có như “Lễ hội Áo dài” thì đều thay đổi chủ đề, nhà thiết kế, chất liệu thiết kế và không gian biểu diễn. Festival Huế 2012 cũng như vậy, với trên 40 đoàn nghệ thuật đến từ 28 quốc gia, trong đó nhiều quốc gia Mỹ Latinh lần đầu tiên tham gia với những chương trình sôi động, các lễ hội và sân khấu hóa mới như “Thiên hạ thái bình” diễn ra trên sông Hương, Lễ hội trống và nhạc cụ gõ “Âm vang hào khí Việt”, các chương trình nghệ thuật đường phố sôi động hấp dẫn, các hoạt động cộng đồng mới lạ, phong phú nhất định sẽ mang lại không khí nghệ thuật mới đầy màu sắc cho công chúng và du khách.
PV: Như mọi năm phố tranh Lê Ngô Cát được đầu tư khá lớn để phục vụ Festival. Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, cũng như theo phản ánh người dân và du khách thì sức hút phố tranh này dường như rất hạn chế. Vậy Festival Huế 2012 này, BTC có còn tiếp tục mở phố tranh nữa hay không? Nếu có thì sẽ làm thế nào để khắc phục những khuyết điểm kỳ Festival trước, thưa ông?
Ông Nguyễn Duy Hiền: Phố tranh Lê Ngô Cát là một sáng kiến của nhóm họa sĩ từ Câu lạc bộ Họa sĩ trẻ phối hợp với Zero Studio nhằm hưởng ứng Festival Huế từ năm 2010. Đây cũng là một trong nhiều hoạt động văn hóa cộng đồng có tính xã hội hóa diễn ra trong các kỳ Festival gần đây. Năm nay, nhóm họa sĩ trên vẫn tiếp tục tổ chức “Phố tranh Festival 2012”. Theo dự kiến của các bạn trẻ, phố tranh năm nay rút kinh nghiệm 2010 sẽ được tổ chức tốt hơn, thu hút đông đảo sự tham gia của các họa sĩ nhiều nơi, kể cả các hoạt động tương tác với công chúng và các em học sinh địa phương. Hy vọng sẽ tạo thêm sự thú vị và thu hút công chúng nhiều hơn.
PV: Như chúng tôi được biết một tổ chức của Nhật Bản năm trước đã khẳng định sẽ đưa làng cổ Phước Tích trở thành một nơi thu hút khách du lịch trong Festival lần này. Điều này có không, thưa ông? Nếu có thì ông cho biết công việc chuẩn bị được tiến hành cụ thể ra sao? Và ngoài làng cổ Phước Tích còn có những địa điểm nào nằm ngoài khu vực thành phố Huế được đầu tư phục vụ Festival Huế 2012, thưa ông?
Ông Nguyễn Duy Hiền: Đúng như thông tin đó, tổ chức JICA Nhật bản có một dự án du lịch cộng đồng 3 năm ở Phước Tích. Trong tháng 8, 9 năm 2011 họ đã có một hoạt động thử nghiệm về nung lò gốm và ẩm thực ở làng cổ Phước Tích với sự tham gia của nhiều chuyên gia đến từ Nhật. Festival 2012 dự án này sẽ được tiếp tục, phía các bạn Nhật vẫn sẽ hỗ trợ đốt 2 lò gốm, 1 lò để có sản phẩm trước khi khai mạc lễ hội Hương xưa làng cổ, và 1 lò đốt trong những ngày từ 9 – 11/4 để du khách dự lễ hội chứng kiến và tham gia, các hoạt động ẩm thực cũng sẽ được thực hiện. Ngoài Phước Tích thì lễ hội “Chợ quê ngày hội” ở Cầu ngói Thanh Toàn cũng sẽ được tổ chức với những nội dung mới hơn bằng những nỗ lực và rút kinh nghiệm của thị xã Hương Thủy sau nhiều năm tổ chức. Các huyện và thị xã khác đều phối hợp tích cực với Ban tổ chức để đưa các đoàn nghệ thuật và các hoạt động Festival về với địa phương mình, Festival Huế sẽ mở rộng đến những vùng xa của Thừa Thiên – Huế.
PV: Năm nay, Huế vinh dự được chọn là đại diện tâm điểm của năm Du lịch quốc gia 2012, với nhiều sự kiện mang tính kết nối. Vậy Huế đã có những hoạt động chuẩn bị gì để phát huy tiềm năng, thế mạnh thu hút các nhà đầu tư du lịch trong vùng tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, thưa ông?
Ông Nguyễn Duy Hiền: Là địa phương đăng cai và được chọn tổ chức Năm Du lịch quốc gia với chủ đề “Du lịch di sản”, Thừa Thiên – Huế tập trung xây dựng một số sản phẩm du lịch có thương hiệu quốc gia, trong đó ngoài việc phát huy lợi thế của một địa phương đậm đặc di sản, sẽ chú ý phát triển các sản phẩm nhằm kết nối tuyến các kinh đô cổ Việt Nam, các tỉnh trong khu vực Trung Bộ, kết nối các điểm đến trong nước và khu vực có lượng khách quốc tế lớn; xem đây là cơ hội để quảng bá di sản văn hóa và thúc đẩy phát triển du lịch dịch vụ – ngành kinh tế được xác định là mũi nhọn của địa phương.
Những năm qua, hoạt động văn hóa của tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có những chuyển biến tích cực. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn được quan tâm cả chiều sâu lẫn chiều rộng. Tỉnh đã từng bước gắn kết chặt chẽ giữa di sản với văn hóa và du lịch, qua đó thúc đẩy ngành du lịch phát triển nhanh với nhịp độ tăng doanh thu hàng năm từ 20-25%. Trước mắt nghiên cứu và tìm các giải pháp nhằm thúc đẩy tốt hơn nữa công việc bảo tồn, phát huy và phát triển các giá trị di sản văn hoá trên địa bàn trong mối quan hệ hài hoà với phát triển đô thị; phát huy lợi thế văn hóa Huế hướng tới xây dựng thương hiệu văn hóa Huế; tiếp tục phát triển các sản phẩm du lịch mang thương hiệu Huế; tăng cường công tác quảng bá và xúc tiến du lịch; đầu tư hạ tầng đồng bộ nhằm khai thác tiềm năng về văn hóa để phát triển du lịch.
PV: Xin cảm ơn ông!
Thảo Nguyên – Lợi Nguyễn (thực hiện)