Ghi ở Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân
Ở Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, Bình Thuận) - nơi Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đang vận hành - không chỉ có chính quyền, các tổ chức đoàn thể mà cả người dân cũng được tham gia vào việc giám sát môi trường trong quá trình hoạt động của nhà máy. Hơn 7.000 nhân khẩu trong xã, theo lời người dân nơi đây, chính là hơn 7.000 “thiết bị” giám sát hoạt động của nhà máy. Vấn đề môi trường của nhà máy vì thế luôn được “soi” ở cấp độ cao nhất, nguy cơ ô nhiễm môi trường cũng luôn ở mức thấp nhất.
Chỉ số môi trường đạt chuẩn
Vĩnh Tân những ngày trung tuần tháng 10 trời nắng gắt. Nắng cộng với gió chướng đầu mùa - thứ gió thổi mạnh, khô khốc - làm bầu không khí nơi đây trở nên ngột ngạt, khó thở. Cái bầu không khí khiến người lần đầu đặt chân đến Vĩnh Tân như tôi thấy có phần lo lắng cho môi trường, cuộc sống của người dân khi ở Vĩnh Tân đang có Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân - Trung tâm Nhiệt điện lớn nhất nước, trong đó Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã đi vào vận hành. Nhưng rồi cái cảm giác đó cũng nhanh chóng qua đi khi tôi được anh Thiên Thanh Sơn - Phó giám đốc Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân giới thiệu công tác kiểm tra, giám sát và xử lý môi trường của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và nghe chính quyền, người dân nơi đây nói về công tác môi trường của nhà máy.
Một góc Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 |
Đặt chân vào khuôn viên Vĩnh Tân 2 tôi thấy nhà máy rất “sạch”, cảm giác như đang “nghỉ”, đang tạm dừng hoạt động. Là nhà máy nhiệt điện với công suất 1.244MW, mỗi ngày ngốn hơn chục ngàn tấn than nhưng tuyệt nhiên tôi không thể tìm thấy ở đây một gợn khói đen hay quệt tay dính một mảng bụi. Vĩnh Tân 2 cũng gần như không có tiếng ồn phát ra từ máy móc, thiết bị.
Một điều khá ngạc nhiên, lạ lẫm với suy nghĩ ban đầu của tôi.
Như hiểu được điều đó Thiên Thanh Sơn bảo: Đối với nhà máy nhiệt điện thì khí thải, tro bụi là 2 vấn đề
Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân Thiên Thanh Sơn |
được người dân, chính quyền và các cơ quan quản lý Nhà nước “soi” nhiều nhất. Hiện ở Vĩnh Tân, 2 vấn đề này đang được công ty thực hiện và kiểm soát chặt theo các tiêu chuẩn đặt ra trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2. Báo cáo này đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt. Nhờ đó, sau hơn 1 năm chính thức đi vào vận hành thương mại, tại Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã không có bất kỳ sự cố môi trường nào xảy ra, các chỉ số môi trường của Vĩnh Tân 2 luôn đạt chuẩn và được chính quyền, người dân Vĩnh Tân đánh giá cao.
Hỏi “chuẩn về môi trường ở Vĩnh Tân được thực hiện như thế nào”, Thiên Thanh Sơn nói ngay: Với khí thải, nhà máy đã được lắp đặt hệ thống xử lý bụi, SO2 và NOx đảm bảo nồng độ các thông số phát thải về khí thải. Để kiểm soát điều này, nhà máy đã lắp đặt đầy đủ thiết bị quan trắc tự động liên tục các thông số khí thải trước khi ra khỏi ống khói như nồng độ bụi, NOx, SO2, CO, CO2, O2, lưu lượng, nhiệt độ. Hệ thống này cũng được Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra và cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình Bảo vệ môi trường. Đồng thời, theo yêu cầu trong giấy xác nhận hoàn thành công trình Bảo vệ môi trường, công ty đã thuê đơn vị chuyên ngành quan trắc khí thải nhà máy định kỳ 3 tháng/lần, quan trắc không khí xung quanh định kỳ 6 tháng/lần và báo cáo đến cơ quan chức năng đầy đủ quy định theo quy định. Kết quả quan trắc cho thấy nồng độ các thông số phát thải đều nằm trong giới hạn cho phép.
Để khắc phục triệt để vấn đề phát thải khói đen trong quá trình khởi động của nhà máy, công ty đã tổ chức nghiên cứu, thử nghiệm thành công và đã đưa hệ thống hút bụi tĩnh điện ESP vào vận hành sớm ở mức tải 50% công suất của tổ máy. Hiện nay, công ty đã ký kết hợp đồng với nhà thầu để cải tiến hệ thống ESP. Hiện tại nhà thầu đang vận chuyển vật tư thiết bị về công trường và chuẩn bị các điều kiện để lắp đặt trong tháng 11 và 12-2016.
Về vấn đề tro xỉ, Vĩnh Tân 2 được thiết kế sử dụng than cám 6a.1 với khối lượng tiêu thụ khoảng 3,5 triệu tấn/năm, lượng tro xỉ thải ra vào khoảng 1,3 triệu tấn/năm, trong đó khoảng 90% là tro bay, còn lại là xỉ đáy lò. Tro bay phát sinh trong quá trình vận hành của 2 lò hơi được thu giữ và chứa vào 3 silo. Tại các silo, tro khô sẽ trộn với nước đạt độ ẩm tối đa đến 30% nhằm ngăn ngừa phát tán bụi tro bay, đổ vào xe chuyên dụng và vận chuyển ra lưu giữ tại bãi xỉ bằng đường vận hành riêng thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân. Quy trình này cũng đã được UBND tỉnh Bình Thuận có Văn bản số 1767/UBND-KTN ngày 26-5-2016 về việc thông qua “Quy trình thực hiện và giám sát việc thu gom, vận chuyển, xử lý tro xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2”.
Theo kết quả phân tích gần nhất, các mẫu tro xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 tại silo tro và bãi xỉ lấy ngày 7-6-2016 của Trung tâm Công nghệ Môi trường có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh, hàm lượng các kim loại nặng và các chất vô cơ nằm trong tro xỉ của nhà máy đều nằm trong giới hạn cho phép.
Có mặt tại khu vực bãi thải xỉ Hố Dừa của Vĩnh Tân 2, theo quan sát, bãi thải xỉ được thiết kế bao gồm 3 lớp gồm lớp đất bảo vệ, lớp màng chống thấp và lớp đất đệm. Xung quanh bãi xỉ đã thiết kế lắp đặt hệ thống phun nước mạch vòng, sẵn sàng cấp nước để kiểm soát bụi trong điều kiện thời tiết bất lợi. Quanh khu vực bãi xỉ có hơn 10 camera được bố trí để quan sát, thu nhận những thông tin, hình ảnh quan trắc được về môi trường hàng ngày, rồi từ đó truyền hình ảnh, số liệu online về thẳng Trung tâm điều khiển của nhà máy và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận.
Nước thải của các nguồn thải nhiễm than, nhiễm dầu, nước thải sinh hoạt từ nhà máy cũng được xử lý theo một quy trình nghiêm ngặt, được giám sát online 24/24, đảm bảo các yêu cầu của Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước về độ pH, nhiệt độ, Do... Công ty cũng đã tiến hành quan trắc nước thải công nghiệp và nước thải làm mát định kỳ 3 tháng/lần, quan trắc nước biển định kỳ 6 tháng/lần và báo cáo đến cơ quan chức năng đầy đủ quy định theo quy định. Các kết quả quan trắc đều cho thấy nồng độ các thông số phát thải của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đều nằm trong giới hạn cho phép.
Lòng dân đã thuận
Việc kiểm tra, giám sát công tác môi trường ở Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân không chỉ do nhà máy thực hiện, định kỳ báo cáo cơ quan chức năng mà còn có sự tham gia của chính quyền, các tổ chức đoàn thể và chính người dân Vĩnh Tân. Toàn bộ những chỉ số về môi trường, kết quả quan trắc môi trường quanh khu vực nhà không chỉ được truyền về trung tâm điều khiển của Vĩnh Tân 2 mà còn được truyền trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận. Điều này cũng được ông Nguyễn Trung Trực - Phó chủ tịch UBND huyện Tuy Phong khẳng định khi trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới.
Theo đó, ở Vĩnh Tân, công tác môi trường ở Vĩnh Tân 2 được kiểm tra, giám sát cũng được thực hiện qua 3 kênh. Kênh 1 là kênh giám sát của các cơ quan chức năng của tỉnh được thực hiện theo quy chế phối hợp giữa tỉnh, huyện, xã do UBND tỉnh ban hành. Kênh giám sát này đảm bảo 24/24 giờ/ngày luôn có người của chính quyền giám sát mọi hoạt động của nhà máy cũng như khu vực thải xỉ trên địa bàn Vĩnh Tân. Kênh 2 là kênh giám sát của nhân dân. Kênh này được thực hiện thông qua các tổ giám sát của các tổ chức chính trị, đoàn thể. Đây là kênh thông tin được Bình Thuận xác định là có vai trò rất quan trọng để giám sát, đối chiếu lại chính kết quả giám sát của các cơ quan Nhà nước. Và kênh thứ 3 chính là việc giám sát của nhà máy.
“Họ làm thế nào, vận hành như thế nào, vận chuyển ra sao, đổ thải có đúng quy trình không đều được người dân giám sát chặt. Tóm lại, bên trong nhà máy hay ngoài bãi thải của các nhà máy nhiệt điện, nhất cử nhất động trong công tác vận hành, phát thải... đều được các địa phương phối hợp chặt với chủ đầu tư kiểm soát suốt ngày, đêm để hạn chế tối đa những tác động xấu có thể gây ra đối với môi trường” - ông Trực nhấn mạnh.
Phòng điều khiển trung tâm của nhiệt điện Vĩnh Tân 2 |
Để kiểm chứng những gì đã chứng kiến tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 cũng như lời của ông Phó chủ tịch UBND huyện Tuy Phong, tôi tìm về thôn Vĩnh Hưng (xã Vĩnh Tân, Tuy Phong, Bình Thuận). Thôn chỉ cách nhà độ hơn 1km với gần 300 nóc nhà, khoảng 1.000 nhân khẩu. Hồi tháng 4-2015, trong sự cố phát tái tro bụi của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, người dân thôn Vĩnh Hưng chính là một trong những người phản ứng gay gắt nhất hoạt động của nhà máy. Vậy nên để nói về những nguy cơ của nhiệt điện đối với môi trường, cuộc sống và sức khỏe con người, họ là những người trải nghiệm rõ nhất. Đánh giá của họ về môi trường khu vực quanh Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân cũng là chính xác nhất.
Trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới xung quanh câu chuyện môi trường, bác Nguyễn Thị Tráng - Trưởng ban công tác mặt trận thôn Vĩnh Hưng nói: Vĩnh Tân vốn là vùng đất khắc nghiệt bậc nhất của Bình Thuận. Mùa mưa thì thường có lũ quét, dễ sạt lở. Mùa khô thì nắng, gió rất khủng khiếp. Chuyện làm ăn của người dân vì thế không ổn định, bấp bênh, chỉ có một khu vực làm tôm giống. Nhưng từ khi có các nhà máy nhiệt điện đặt ở đây, người dân về làm đông, công nhân tập trung đông, hoạt động nhà hàng, dịch vụ, khách sạn… đã phát triển mạnh mẽ, cuộc sống của người dân vì thế được cải thiện nhiều. Cuộc sống của bà con năm qua đã có nhiều thay đổi so với trước. Với tư cách vừa là người dân vừa là đại diện cho các tổ chức ở cơ sở, tôi nhiều lần có mặt trong các đoàn kiểm tra, giám sát việc bảo vệ môi trường ở nhà máy và bãi thải xỉ Hố Dừa, thì nhận thấy không còn bụi bặm như trước nữa”.
Còn bác Đặng Thị Liên thì bảo rằng: Đúng là khi Nhà máy Vĩnh Tân 2 trong quá trình thi công có phát sinh vấn đề môi trường. Nhưng ngay sau khi xảy ra sự cố, nhà máy rất có trách nhiệm với không chỉ với cơ quan quản lý mà với cả người dân sống trong vùng. Và từ đó đến nay, vấn đề này đã không còn xảy ra. Cuộc sống của người dân Vĩnh Tân cũng nhờ đó có chuyển biến mạnh mẽ. Nếu như trước đây, cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn vì thiếu đất canh tác, nước ngọt khan hiếm nhưng lại không hệ thống thủy lợi. Cả xã chỉ có một diện tích nhỏ có thể dùng để nuôi tôm giống. Thiếu đất canh tác, người dân Vĩnh Tân phải vào Sài Gòn làm thuê kiếm sống nhưng cuộc sống cũng chẳng cải thiện là bao. Nhưng từ khi có Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, tình hình kinh tế - xã hội ở Vĩnh Tân đã chuyển đổi mạnh mẽ. Những hộ được đền bù, giải tỏa đã kiếm được nghề mưu sinh mới. Con em trong xã sau khi học xong Phổ thông trung học chưa có việc làm, gia đình khó khăn đều được nhà máy đưa đi đào tạo và khi học xong thì vào nhà máy làm việc.
“Người dân Vĩnh Tân giờ biết ơn nhà máy nhiều lắm. Nhà máy không chỉ cho con em trong xã, trong huyện có việc làm mà còn làm đường, đường bê tông vào tận nhà cho dân. Các hộ nghèo, khó khăn trong xã cũng được nhà máy hỗ trợ như xây nhà, lo chuyện ăn học cho các cháu…” - bà Liên nói.
Nói về những đổi thay ở Vĩnh Tân, ông Trực cho hay: Thời kỳ đầu, người dân do chưa hiểu hoặc chưa được thông tin đầy đủ về nhiệt điện, tiếp đó lại xảy ra sự cố ở bãi thải xỉ nên có sự bất bình. Nhưng sau đó, khi đã được giải thích rõ, cộng với nỗ lực từ phía Công ty Nhiệt điện Vinh Tân trong kiểm soát môi trường, cùng với những lợi ích mà dự án đã mang lại cho địa phương - khiến người dân ở đây dần đồng thuận. Đến thời điểm này, đa phần họ đã ủng hộ việc vận hành nhà máy. Tỷ lệ hộ nghèo ở Vĩnh Tân và những xã lân cận vì thế cũng giảm mạnh, từ chỗ 13% trước năm 2015 theo chuẩn cũ thì giờ chỉ còn 7% theo chuẩn mới. Thu nhập bình quân đầu người cũng ở mức cao, khoảng 30 triệu đồng/người/năm. Thu ngân sách trên địa bàn vì thế cũng tăng cao, chỉ riêng khu vực doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp nước ngoài trên địa bàn Tuy Phong đã đạt khoảng 1.000 tỉ đồng, chiếm ít nhất 1/3 thu ngân sách của Bình Thuận.
Thay lời kết
Những năm qua, vấn đề phát triển các dự án nhiệt điện đang nổi lên là vấn đề “nóng” với nhiều lo ngại như đúng tên gọi của nó. Tuy nhiên, phải thấy rằng, không chỉ ở Việt Nam mà tại các nước phát triển trên thế giới, nhiệt điện được xác định là cấu phần quan trọng trong cơ cấu nguồn năng lượng để đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng quốc gia - nền tảng phát triển bền vững của mọi quốc gia, vùng lãnh thổ. Và thực tế, tại Vĩnh Tân 2 cho thấy một điều, việc triển khai và phát triển các dự án nhiệt điện nhưng vẫn đảm bảo các yếu tố về môi trường, cuộc sống của người dân là hoàn toàn có thể.
Xin nhắc lại một sự kiện ở Vĩnh Tân 2 cách đây hơn 1 năm - thời điểm vấn đề môi trường ở Nhiệt điện Vĩnh Tân được dư luận đặc biệt quan tâm. Khi đó, có ý kiến cho rằng, nước thải từ trong nhà máy chảy ra ngoài môi trường nóng và có nguy ảnh hưởng đến môi trường biển - vùng nuôi trồng thủy sản lớn của Bình Thuận, ông Phó chủ tịch huyện Tuy Phong Nguyễn Trung Trực đã nhảy xuống biển - tại vị trí gần với nơi nguồn nước thải thoát ra ngoài để tắm, nhằm chứng minh cho nhân dân trong vùng biết rằng, nước làm mát của nhiệt điện Vĩnh Tân đổ ra biển không nóng, không gây ô nhiễm biển như một số ý kiến kiến từng lo ngại!
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đặt tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận và là một trong những dự án cấp bách cấp điện cho miền Nam từ năm 2015 trở đi. Nhà máy có 2 tổ máy với tổng công suất là 1.244MW sử dụng lò hơi công nghệ đốt than phun (PC), là công nghệ đang áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới hiện nay. Trong năm 2015 sản lượng điện đạt 5,55 tỉ kWh; sản lượng điện năm 2016 tính đến ngày 7-10 đạt 6,014 tỉ kWh đã góp phần vô cùng quan trọng đảm bảo cấp điện cho miền Nam trong mùa khô năm 2015, 2016 và các năm tiếp theo. Đặc biệt, trong đợt ngừng cung cấp khí Nam Côn Sơn năm 2016 để bảo dưỡng định kỳ 5 năm/lần từ ngày 9 đến 20-9-2016, mỗi ngày Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 sản xuất trên 27,4 triệu kWh đã góp phần rất lớn vào việc đảm bảo cung ứng đủ điện cho hệ thống điện quốc gia để phục vụ phát triển kinh tế xã hội và đặt biệt là cho miền Nam. Ngoài ra, việc đưa Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 vào hoạt động kịp thời còn góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp năng lượng của tỉnh Bình Thuận, tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho người dân địa phương, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Tính riêng 10 tháng 2016, nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã nộp ngân sách 146 tỉ đồng và dự kiến đến hết năm 2016 sẽ là 200 tỉ đồng. |
Thanh Ngọc