Ấn tượng Festival Huế 2012
Festival Huế 2012 ngoài những yếu tố thừa hưởng từ các lần tổ chức trước, còn có nhiều hoạt động lễ hội mới lạ, độc đáo, được dàn dựng hoành tráng, chất lượng chương trình được nâng cao hơn mọi năm.
Chỉ trong 3 ngày đầu diễn ra Festival Huế 2012 đã có hơn 6 vạn du khách đến Huế, số liệu do Ban Tổ chức (BTC) Festival Huế 2012 công bố trong buổi họp báo giữa kỳ (10/4), cho thấy sức hút từ các chương trình lễ hội trong dịp Festival lần thứ 7 được tổ chức không hề giảm.
Cùng với các lễ hội chính, các chương trình nghệ thuật trong nước và quốc tế đã được diễn ra trên 15 sân khấu tại thành phố và 10 địa điểm khác ở các huyện thị xã, các địa điểm công cộng, với sự tham gia biểu diễn của 25 đoàn nghệ thuật quốc tế đến từ 5 Châu, thu hút hàng vạn khán giả trong và ngoài nước tham gia.
Hàng loạt các chương trình hưởng ứng Festival, các hoạt động văn hóa cộng đồng, hội chợ, triển lãm, ẩm thực… đã diễn ra sôi động, hòa hứng, tạo không khí lễ hội vui tươi, lan tỏa rộng khắp.
Những lễ hội “đinh” trong dịp Festival
Lễ khai mạc Festival Huế 2012 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển – Nơi gặp gỡ các thành phố lịch sử” diễn ra long trọng vào tối 7/4 (tại Ngọ Môn, TP Huế). Chương trình đã diễn ra với không gian sắc màu rực rỡ, tôn vinh những giá trị truyền thống và sự giao lưu tỏa sáng của các nền văn hóa khác nhau đến từ 5 châu lục.
Chương trình nghệ thuật khắc họa đậm nét một vùng quê di sản, với thủ pháp kết cấu mới lạ, ngôn ngữ tạo hình độc đáo, âm nhạc phong phú, được trình diễn với nền sân khấu được dàn dựng công phu hoành tránh, kết hợp giữa nghệ thuật biểu diễn sân khấu, nghệ thuật pháo hoa độc đáo của nghệ sĩ pháo hoa quốc tế Pierre Alain Hubert và nghệ thuật sắp đặt lửa tinh tế của Đoàn Carabosse danh tiếng Cộng hòa Pháp.
Sau cơn mưa kéo dài suốt buổi chiều (7/4) vốn là “đặc sản” xứ Huế, không khí trở nên trong lành, mát mẻ làm cho sức hút của đêm khai mạc Festival Huế 2012 tăng lên bội phần.
Điểm mới đêm khai mạc Festival Huế 2012 là sân khấu được thiết kết hoành tráng ngay trước Hoàng thành. Chương trình diễn ra với những màn trình diễn được dàn dựng công phu đầy màu sắc văn hóa đến từ khắp 5 châu lục. Những địa danh du lịch Bắc Trung bộ được sân khấu hóa chuyên nghiệp mang đến cái nhìn tổng thể về nét đẹp và tiềm năng du lịch nước nhà.
Tiếp nối những kết quả của các kỳ tổ chức lễ hội Nam Giao trong các lỳ Festival lễ tế giao năm nay diễn ra hai 2 phần: Khác với các Festival trước, Lễ tế giao năm nay diễn ra trong không khí hết sức trang nghiêm, thành kín. Phần lễ trước lễ bài vị từ Trai cung sang đàn tế và lễ tế tại Đàn Nam Giao. Lần tế lễ những hình thức có tính điển chế đã được phục dựng bài bản và giản đơn hơn mọi năm.
Lễ tế tại đàn diễn ra gồm ba phần: Nghênh thần tại Phương đàn, Tế tai Viên đàn và Tông thần tại phương đàn. Đặc biệt năm nay có sự góp mặt của bộ nhạc cụ Bác chung, Đặc khánh vừa được phục chế nhờ trung tâm nghiên cứu nghệ thuật biểu diễn truyền thống quốc gia Hàn Quốc. Tất cả quy trình chuẩn bị đến diễn ra Lễ tế giao được tiến hành theo một quy chuẩn nghiêm ngặt đảm bảo tính chính xác, uy linh.
Một sự kiện đáng chú ý nằm trong khung chương trình Festival Huế 2012 lần đầu tiên diễn ra đó là Lễ hội trống và nhạc cụ gõ “Âm vang hòa khi Việt”. Chiều 10/4, tại Nghinh Lương Đình lễ hội trống đã diển ra trong âm khí hào hùng. Chương trình hội tụ tinh hoa của nghệ thuật âm nhạc qua những màn biểu diễn Trống và nhạc cụ gõ mang âm hưởng hào hùng của truyền thống dân tộc, từ âm hưởng tiếng Trống đồng thời Hùng Vương dựng nước, tiếng trống trận ào hùng theo bước chân quân Tây Sơn, đến những âm hưởng dân gian mang đặc trưng vùng miền dân tộc như tiếng trống Cồng chiêng Tây Nguyên, tiếng khèn, tù và, âm thanh tí tách độc đáo của tiếng đàn đá. Đây là lần đầu tiên Công ty Lê Quý Dương đứng ra tổ chức và thực hiện lễ hội “Âm vang hào khí Việt” vào hai ngày (10 và 14/4) với hy vọng đây sẽ là “nốt dạo đầu” cho các kỳ Festival sau.
Festival Huế 2012 không chỉ quyến rũ du khách bởi quy mô tổ chức hoành tráng chuyên nghiệp mà còn ở yếu tố lại hóa, và mang đậm tính dân tộc, tôn vinh nhiều giá trị văn hóa các vùng miền, nhiều quốc gia khác nhau. Lễ hội Áo dài tiếp tục hướng đến hình tượng thanh tao của Việt Nam thông qua chủ đề” Hoa sen trong hội”. Một loài hoa đã trở thành Quốc hoa – biểu tượng cho dân tộc Việt Nam qua bàn tay khéo léo, niềm đam mê, sự nổ lực sáng tạo của 17 nhà thiết kế đã mang đến đêm hội hơn 300 mẫu Áo dài đầy ấn tượng, độc đáo, mới lạ. Âm thanh, ánh sáng sân khấu được thiết kế ngay (Bia Quốc học) bên bờ sông Hương thơ mộng, không gian tô điểm thêm vẻ đẹp của những tà áo dài tung bay thướt tha.
Đêm phương Đông, một chương trình lễ hội đặc sắc nhiều yếu tố mới lạ được xem là sự hội tụ bản sắc châu Á tại Festival.
Tham gia đêm hội gồm có 9 nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Mông Cổ, Thái Lan, Lào, Campuchia, Philippines và Việt Nam. Các bộ trang truyền thống đặc trưng các nước đã cho khán giả những cảm nhận khó quên bởi sự huyền bí cuốn hút đầy triết lý sống vững mạnh, sâu sắc phảng phất nét tâm linh kỳ bí của mỗi dân tộc.
Hai bộ sưu tập Áo dài cách điệu của 2 nhà thiết kế Sỹ Hoành và Minh Hạnh, với những sáng tạo táo bạo, độc đáo nhưng không làm mất đi nét đẹp truyền thống của áo dài đã mang đến làn gió mới trong đêm hội. Đêm phương Đông diễn ra liên tục các ngày (8, 9, 12, 13& 14/4) tại Điện Thái Hòa.
Festival Huế 2012, lần đầu tiên BTC quyết định đưa không khí lễ hội vào bệnh viện vào ngày 8, 12/4. Nhiều ban nhạc nổi tiếng trong vào ngoài nước đã có hai buổi biểu diễn gần gủi với các bệnh nhân Bệnh viện Trung ương Huế, đồng thời là khán giả chính của chương trình. Một hoạt động khác không kém phần nổi bật là Lễ hội đường phố. Bằng những màn trình diễn ấn tượng đã làm xua đi không khí trầm mặc xứ Huế, thu hút hàng ngàn khán giả theo dõi, reo hò cổ vũ trong những vũ điệu, diễn trò của các nghệ sĩ đường phố.
Không khí Festival Huế 2012 trở nên sôi động hơn với hoạt động trình diễn máy bay, mô tô, tàu thủy mô hình trên sông Hương lớn nhất từ trước đến nay. Các CLB đến từ Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP HCM, Cần Thơ, Cà Mau…có dịp tranh tài đầy ấn tượng (vào ngày 7, 10/4).
Ngoài ra, Nhiều lễ hội ở khắp các địa phương trong tỉnh cũng diễn ra liên tục phục vụ du khách như “Hương xưa làng cổ Phước Tích”,”Chợ quê ngày hội”…Ngày 8/4 kết hợp giữa việc tái hiện những phiên chợ quê ngày hội ở Cầu Ngói Thanh Toàn, Hương Thủy là lễ phát hành hành bộ Tem đặc biệt về Cầu Mái Ngói. Bộ tem cầu mái ngói gồm 3 mẫu tem giới thiệu về hình ảnh của 3 cây cầu mái ngói duy nhất tại Việt Nam như: Cầu ngói Kim Sơn (Ninh Bình), Cầu ngói Hải Hậu (Nam Định) và Cầu ngói Thanh Toàn (Thừa Thiên Huế). Bộ tem dự kiến cũng sẽ được in biểu trưng tại Triển lãm tem thế giới Sing-pex 2012.
Ngoài ra, không khí lễ hội còn được tô điểm thêm bằng một số triển lãm nghệ thuật như: Duyên Sen – Đời sen 15 của Nhiếp ảnh gia Trần Bích, Tranh Sơn mài của Họa sĩ Trương Bé, triễn lãm Mỹ Thuật của nhóm Họa sĩ Hà Nội – Sài Gòn, Festival thơ Huế, Con đường tranh với 2012 bức tranh…được tổ chức với quy mô lớn, thu hút người dân địa phương cùng du khách trong ngoài nước tham gia.
Tuấn Anh