Festival Huế 2012: Di sản văn hóa gắn với hội nhập phát triển
Có hai điểm đáng chú ý của Festival Huế 2012 là: khai mạc không mưa và số các quốc gia đăng ký tham gia đạt mức kỷ lục.
18h ngày 7/4, trời vẫn mưa khá nặng hạt. Người dân Huế từ bác chạy xe ôm trước cổng các khách sạn cho đến quan chức, đều than thở: cực chi cực lạ, năm mô khai mạc cũng mưa hết.
19h, trong dòng người ken cứng đổ về Quảng trường Ngọ Môn (TP.Huế, Thừa Thiên – Huế), có không ít người trong tay vẫn cầm theo… áo mưa.
Gần đến giờ khai mạc, trời vẫn se gió, khá lạnh, nhưng 20h thì đã không còn hạt mưa nào. Nếu mưa thuận, thì đây sẽ là một Festival đầu tiên không mưa trong lịch sử 7 kỳ Festival Huế.
Trả lời phỏng vấn của Petrotimes trước giờ khai mạc, ông Phan Công Tuyên, Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết đây là một Festival có số đoàn khách tham gia đông nhất từ trước đến nay: 40 đoàn quốc tế, 25 đoàn trong nước đến từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ khắp 5 châu lục.
Điều đó cho thấy, Festival Huế nói riêng, Huế nói chung, đã dần trở thành “nơi gặp gỡ của các thành phố lịch sử”, là lễ hội ấn tượng và hấp dẫn với hàng trăm chương trình văn hóa – du lịch đặc sắc, nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa độc đáo của các nước trên thế giới.
Chủ đề chính của Festival năm nay là “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển – nơi gặp gỡ của các thành phố lịch sử”, chủ đề chính của đêm khai mạc là “Di sản văn hóa và hội nhập phát triển”, Festival Huế sẽ là điểm bắt đầu và đáng chú ý nhất của Năm quốc gia du lịch duyên hải miền Trung. Bảo tồn, phát huy di sản trong điều kiện hội nhập đã trở thành vấn đề cấp bách của chúng ta. Di sản gắn với hội nhập và phát triển sẽ đem đến thành phố Huế nói chung, các kỳ Festival Huế nói riêng diện mạo mới mẻ hơn, sáng tạo hơn, dịch vụ tốt hơn, thân thiện hơn, trên nền tảng bền vững và lâu bền của văn hóa truyền thống. Nếu nói tất cả sự chuẩn bị của Huế, và của Ban tổ chức Festival hằng năm và cả năm nay đều chu đáo, hoàn hảo, là chủ quan.
Đó đây, trong ghi nhận của phóng viên thì vẫn còn những bất cập, ví dụ quá tải phòng nghỉ, hay du khách không đặt được vé máy bay phải bắt xe đò từ Hà Nội vào, tắc đường, nghẽn taxi; hay những lúng túng trong cách giải quyết tình huống bất thường xảy ra liên quan đến vấn đề sinh hoạt hằng ngày của du khách của đội ngũ tiếp tân, phục vụ; các chương trình nghệ thuật diễn ra trong đêm khai mạc dường như vẫn đang đi theo một lối mòn, thiếu sáng tạo. Nhưng cơ bản, qua các kỳ tổ chức, Festival Huế đã ngày càng chuyên nghiệp hơn, hấp dẫn hơn. Và theo đó, Huế cũng đã trở thành điểm đến thu hút của du khách thập phương, đóng góp lớn cho sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam, góp phần quảng bá cho di sản, văn hóa dân tộc Việt Nam ra thế giới, khắc sâu thêm niềm tự hào về bản sắc dân tộc trong lòng của người Việt Nam.
Các lễ hội chính của Festival gồm: Lễ tế Giao vào 20h ngày 8/4; chương trình Thiên hạ thái bình, 20h ngày 12/4; Đêm phương Đông, vào 20h ngày 8, 10, 12, 13 và 14/4, tại sân điện Thái Hòa; chương trình Đêm Hoàng cung, 19h30 các ngày 10 và 13/4, tại Hoàng cung Huế. Ngoài ra, tại Festival còn có các lễ hội đường phố sôi động, hấp dẫn sẽ diễn ra vào mỗi buổi chiều của các nghệ sĩ đến từ các quốc gia Ðông Á, Mỹ la-tinh.
Ngoài ra, Festival lần này có một điểm khá độc đáo là Ban tổ chức sẽ sắp xếp để các đoàn nghệ thuật biểu diễn phục vụ người bệnh tại các bệnh viện trung ương Huế, phục vụ công nhân, phục vụ cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang…
Thành Lê