“Gã khùng” bỏ phố lên rừng đào đường hầm xuyên đất
Một đại gia từ bỏ cuộc sống xa hoa ở thành phố Hồ Chí Minh tìm về vùng núi hẻo lánh Lâm Đồng để làm cho đất “biết nói”, đất trở mình thay da đổi thịt. Anh đã chứng minh được điều đó bằng công trình điêu khắc dài hơn 1,5km trong lòng đất.
Tác phẩm “quái dị” từ lòng đất
Trịnh Bá Dũng (SN 1972), được mọi người mệnh danh Dũng “khùng”. Anh thích cái biệt danh này bởi quan điểm làm nghệ thuật là phải “khùng” một chút. Anh giải thích, đó là vì nhiều người cứ thấy anh chuyên làm những việc chưa ai thấy hoặc làm ngược lại những gì người ta thường làm. Khi dùng bữa, người ăn cơm bằng muỗng còn anh thì ăn cơm bằng cán của cái muỗng, mọi người nhìn vào cứ tưởng anh bị “khùng” thật. Chính vì sự “khùng” này đã khiến anh làm cho cục đất mềm hơn lúc trước khi đào lên, rồi cứng đi xuyên suốt cả một con đường dưới mặt đất.
Khi Dũng có ý tưởng đào đường, tạc tượng sâu dưới mặt đất khiến nhiều người càng nghĩ anh “khùng” nhiều hơn. Cách đây gần 10 năm khi qua Thái Lan du lịch, anh ngẫm đến đất nước Thái Lan đã khéo léo dùng công nghệ tình dục như một “mồi nhử” để kéo khách du lịch về đất nước mình. Hàng loạt các loại hình dịch vụ khác ăn theo, cùng cộng sinh để phát triển. Từ khu nghỉ dưỡng, tắm biển đến các trại cá sấu, các show đều được hưởng từ nền “công nghệ tình dục”. Nhưng văn hóa Việt Nam không cho phép bắt chước, không thể áp dụng mô hình “tình dục” áp đặt một cách cứng nhắc.
Kiến trúc bên trong đường ngầm dưới mặt đất |
Một vài tháng sau, Dũng tiếp tục đi du lịch tại đảo quốc sư tử. Anh nhận xét, đất nước này biết tận dụng hòn đảo nhỏ để xây dựng những kiến trúc độc đáo trên đảo. Người dân ở đây còn dùng không khí trong lành và sử dụng tất cả những sản phẩm công nghệ mới nhất trên thế giới để kéo khách đến du lịch. Singapore còn hấp dẫn như một thiên đường mua sắm trong khu vực và trên thế giới. Hạ tầng cơ sở của Singapore quá tốt và vị trí địa lý của nước này đắc địa. Từ quốc đảo Sư Tử, Trịnh Bá Dũng lại quay sang Trung Quốc, đất nước này khai thác truyền thống Phật giáo và một nền văn hóa hơn 5.000 năm để thu hút khách du lịch.
Ngẫm lại từ những điều mắt thấy, tai nghe ở những đất nước châu Á, anh không thể mang những điều đó để áp dụng cho Việt Nam và cũng không thể có được điều này để phát triển du lịch. Nghĩ vậy, anh lại sang các nước châu Âu. Nơi đây có những kiến trúc từ 1.000 năm trở về trước. Những lâu đài của Pháp, kiến trúc Italia được giữ nguyên vẹn bởi họ đã bỏ ra hàng triệu triệu tỉ để bảo tồn.
Ấn tượng nhất là khi đến Hà Lan, Dũng dừng chân ở vườn hoa Keukenhof và cảm thấy thích thú với khuôn viên chỉ rộng chừng 30 héc-ta nhưng được thế giới công nhận đẹp nhất thế giới. Anh tỉ mỉ nghiên cứu cách làm du lịch nơi đây. Một năm, vườn hoa Keukenhof chỉ mở cửa từ tháng 4 đến tháng 7 nhưng đón được 10 triệu lượt khách. Anh “bật” ra được nhiều vấn đề. Người chủ của miếng đất đã nghiên cứu thiết kế vườn hoa tulip có đặc trưng nhiều màu. Ông chủ vườn hoa cất công đi đến tất cả các trang trại để đặt từng loại hàng. Mỗi một héc-ta, chủ vườn hoa dành cho 1 loại tulip riêng biệt với các màu: hồng, xanh và tím…
Hằng năm, cứ vào ngày 20-3, tất cả trang trại được đặt bán hoa tulip đều phải nở hết và chở đến vườn hoa Keukenhof. Ông chủ vườn hoa thiết kế từ những ống cống, nhà vệ sinh, trên cây cổ thụ và ngôi biệt thự đều đặt tràn ngập sắc hoa tulip. Ngay sau đó, vườn hoa Keukenhof được mở cửa để du khách vào tham quan khiến họ choáng ngợp trước những sắc hoa tulip được phủ kín. Người tham quan chưa bao giờ thấy được cảnh tượng hoa tulip nhiều đến như vậy. Mỗi năm, ông chủ vườn hoa lại đổi một chủ đề khác để không làm nhàm chán du khách. Chủ vườn hoa Keukenhof quá khôn khéo khi sử dụng sức mạnh của địa phương, tức là những trang trại mà có cả trăm năm kinh nghiệm trồng hoa này.
Trở về Việt Nam, Dũng rà soát tất cả những tiềm năng của Đà Lạt chưa bị “đánh thức” để có thể áp dụng theo kiểu vườn hoa Keukenhof. Năm 2007, anh đến Đà Lạt để tìm hiểu văn hóa và đời sống của người dân. Anh đi dạo trên các con đường và quan sát thấy nhiều ta-luy, bờ nghiêng rơi vào tình trạng cứ mưa là bị sói mòn, gây ra cảnh tượng bùn sình, thiếu mỹ quan. Dũng nghĩ đến màu đỏ của đất mang nét đặc trưng và phủ cả thành phố Đà Lạt. Một ý tưởng chợt lóe lên, tại sao không “đóng rắn” những ta-luy, bờ nghiêng ấy. Nói đến công nghệ “đóng rắn” được đất là việc làm không tưởng. Việt Nam có đến hàng chục người có thể đóng rắn được đất đỏ nhưng tất cả đều ở trong phòng thí nghiệm.
Anh Trịnh Bá Dũng |
Khi đóng rắn được cục đất thì dễ nhưng cần 10 triệu viên gạch để xây thì đó là cả một bài toán công nghiệp chứ không còn là chuyện thủ công nữa. Từ đây Dũng tiếp tục mày mò nghiên cứu công nghệ đóng rắn thành từng thỏi đất rồi lại chuyển sang nghiên cứu đóng rắn đất trên diện tích bề mặt lớn. Sau khi đóng rắn được trên diện tích bề mặt đất lớn, anh lại nghiên cứu việc sơn phết để mang lại tính thẩm mỹ cho những khối đất. Tất cả được nghiên cứu và gói gọn trong một quy trình từ A-Z. Vật liệu đặc trưng được sử dụng là đất đỏ để biến thành đường ngầm giống như ý tưởng của ông chủ vườn hoa Keukenhof đã dùng hoa tulip để làm vật liệu chính.
Đất biết nói, trở mình và thay da đổi thịt
Năm 2010, Dũng bắt tay vào “nhào nặn” đứa con tinh thần của mình. Anh hủy luôn dự án làm khu nghỉ dưỡng để dành trọn khuôn viên cho công trình điêu khắc dưới mặt đất. Thời tiết Đà Lạt như muốn “trêu ngươi”, anh luôn gặp cản trở bởi những cơn mưa của xứ sở sương mù. Ban đầu, anh nắm toàn bộ công nghệ làm rắn đất và sau đó chuyển giao công nghệ cho tất cả công nhân từ đội làm thô, làm tinh rồi đến đội làm sơn. Để triển khai thi công, anh tiếp tục đi vay tiền, huy động xe cơ giới để thực hiện dự án… Một khối lượng công việc khổng lồ khiến 1 ngày 24 tiếng là không đủ và anh muốn thời gian phải dài ra thêm nữa để có thể sắp xếp mọi thứ. Ngày anh đến khu du lịch này còn chưa có cơ sở hạ tầng, muốn vào được bên trong phải đi bằng ghe và cách vị trí khu du lịch hiện tại khoảng 5km. Lối đi độc nhất bằng đường thủy từ Thiền Viện Trúc Lâm.
Có thời điểm, công nhân ở công trường lên đến hơn 200 người. Công trình ngày đầu khởi công như “bãi chiến trường”. Có những lúc, nước ngập hơn 2/3 đường hầm. Những xe đào vào đường hầm bị ngập nước và hỏng nên phải dùng xe cẩu xúc ra. Những trận mưa xối xả kéo dài. Nước từ trên núi cứ thấm dần vào lòng đất. Tác phẩm chưa điêu khắc xong thì bị lở, buộc phải phá đi làm lại. Chi phí của mùa mưa đã bị đội giá lên gấp 5 lần. Dự kiến tổng thể toàn khu phải có diện tích hơn 15 héc-ta và chi phí đầu tư đến lúc hoàn thiện khoảng 300 tỉ đồng. Làm du lịch phải xác định đầu tư lâu dài và dự án thực hiện tốt thì không sợ mất vốn. Dũng tự tin nói: “Du lịch hoàn toàn khác với những ngành nghề khác, làm không tốt thì chẳng bao giờ có thể thu hồi được vốn”.
Công trình được thiết kế theo kiến trúc hình tròn. Khách tham quan phải đi vào rừng, qua vườn thông và đi vào bên trái, lối ra ở bên phải. Tổng thể công trình có 3 giai đoạn kể lại sự hình thành và phát triển của TP Đà Lạt. Bước vào cổng, khách tham quan sẽ thấy ngay cảnh Đà Lạt từ thuở còn hoang sơ, có đá và nước, có rồng thiêng… “gã khùng” đã lồng hình ảnh của bầy khỉ 1.000 năm xưa vào triết lý “Tam không” của nhà Phật. Sau thời gian dài, loài người tiến hóa và người dân tộc, người bản địa xuất hiện. Những bộ tộc người Cho, Chu-Ru, Xờ-Ri… cùng sinh sống trên mảnh đất Đà Lạt.
Khách tham quan tiếp tục được chiêm ngưỡng lịch sử hình thành Đà Lạt bằng ngôn ngữ điêu khắc. Một không gian sống, cuộc sống của cư dân được tái hiện gắn liền với đỉnh LangBiang, thác, suối rừng, cây cổ thụ, với đàn voi, đàn kiến, đàn rùa, rắn độc…
Thế rồi nhà điêu khắc tiếp tục dựng lại toàn bộ giai đoạn có sự xuất hiện của người Pháp lần đầu tiên đặt chân đến Đà Lạt. Người Pháp đã xây dựng Đà Lạt với những kiến trúc mang đậm nét châu Âu. Những công trình kiến trúc nổi tiếng của Đà Lạt như một cuốn từ điển giới thiệu với mọi người về thành phố trong sương. Có những kiến trúc gì và văn hóa được lồng ghép xuyên suốt con đường. Đà Lạt xuất hiện xe Pơ-giô, Véc-pa, trống, kèn trom-pét, xắc-xô-phôn và kể cả điện thoại cổ…
Kế đến, giai đoạn người Mỹ đặt chân đến đã để lại cho Đà Lạt một lò phản ứng hạt nhân. Giai đoạn thứ 3, tức sau năm 1975, Nhà nước đã xây dựng Đà Lạt là một thành phố du lịch nổi tiếng trên toàn quốc với nền nông nghiệp có công nghệ cao. Hình tượng điêu khắc máy bay cất cánh trên bầu trời cũng chính là điểm nhấn của một sân bay Liên Khương được vận hành.
Anh Dũng nói với chất giọng đầy tự hào: “Trong ngành điêu khắc thế giới, đây là công trình được xem là đặc sắc, vì toàn bộ công trình điêu khắc dưới lòng đất, rất dài. Công trình đã dùng ngôn ngữ điêu khắc để kể về câu chuyện nhiều trang, khác với những tác phẩm điêu khắc khác. Tôi đã thử sức, viết một trang sử về Đà Lạt dưới lòng đất của ngàn năm qua”.
Những quyết định không thể ngờ
Anh Trịnh Bá Dũng là con trai cả trong gia đình có 3 người con và tất cả đều đã có chỗ đứng vững chắc trong xã hội. Tuổi thơ của anh gắn liền với ruộng đồng ở Thanh Hóa. Năm anh 4 tuổi, gia đình anh chuyển đến huyện Nhà Bè (TP HCM) để sinh sống. Môi trường mới, hàng xóm mới và dĩ nhiên bạn bè đều mới. Ngôi trường mà Dũng học được lợp lá và nhiều lúc đang ngồi học, rắn bò ngang chân. Sau mỗi buổi đến trường, anh cùng bạn bè ra ruộng bắt còng, bắt cua, tắm sông.
Lối vào đường ngầm điêu khắc dưới mặt đất |
Đến năm học cấp 3, anh chuyển về quận 5 và từ đây cuộc sống của anh lại gắn liền với đô thị. Quá khứ về tuổi thơ của hồn nhiên với bạn bè đã khiến cho anh có cuộc sống phóng khoáng đến tận hôm nay. Sau khi tốt nghiệp ngành quản trị, Khoa Kinh tế Biển của Trường Đại học Hàng hải, anh tiếp tục đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài hơn 3 năm. Trong quãng thời gian đó, anh chẳng nề hà làm các loại công việc như bỏ báo, bồi bàn, sơn nước… và anh chẳng bao giờ cảm thấy xấu hổ khi nhắc đến việc đã từng đã trải qua.
Học xong, anh gạt bỏ tất cả những lời mời ở lại nước ngoài để về Việt Nam kinh doanh. Anh bắt đầu kinh doanh với Nhà hàng Mùa Vàng (đường Thành Thái, quận 10, TP HCM) mang lại thành công rực rỡ. Anh đã suy nghĩ làm sao đầu tư ít tiền nhưng được nhiều người tìm đến. Anh với nhóm bạn đã dày công tìm cách để làm nhà hàng trở nên nổi tiếng. Các bạn tin tưởng đã bầu anh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Nhà hàng Mùa Vàng đầu tư với số vốn thấp nên anh nghĩ đến sự khác biệt và đã dồn tiền vào để xây toilet.
Lúc đó, các cổ đông đã phản ứng. Nhưng sau 9 tháng, Nhà hàng Mùa Vàng đã thu hồi được vốn và mỗi tháng thu lời gần 500 triệu đồng. Anh thành công bởi vì một câu chuyện rất đời thường từng trải qua. Khi mới về nước, gia đình anh đã rủ nhau đi ăn nhà hàng chỉ để coi cái toilet 5 sao. Thời điểm đó, toilet 5 sao rất xa lạ, nhưng bây giờ đã là bình thường với người dân. Cái toilet có đèn chụp, máy lạnh lúc nào cũng 260, cửa gỗ đẹp và mùi xả xông ra lúc nào cũng thơm ngát.
Anh mang ý tưởng đó về áp dụng cho Nhà hàng Mùa Vàng. Trong khi những nhà hàng đối thủ cạnh tranh ở sát bên có đến cả chục tỉ để đầu tư thì nhà hàng của anh chỉ cần một nửa số vốn trên. Nhờ đầu tư đúng thị hiếu của người dân nên Nhà hàng Mùa Vàng chiếm được cảm tình của mọi người và lúc nào cũng đông khách. Tiêu chí hàng đầu của Dũng đặt ra trong làm ăn kinh tế: “Làm thế nào đầu tư chỉ ít tiền nhưng có hiệu quả cao”.
Sau một thời gian gắn bó với công việc kinh doanh nhà hàng, anh đã tạm dừng để tìm đến một niềm đam mê mới. Dũng luôn nhìn nhận vẻ đẹp của cánh đồng quê hơn nhiều lần so với tòa nhà cao tầng. Anh đứng ở góc độ về đời sống, khí hậu, về mặt hưởng thụ thật sự. Con người lại đang có xu hướng trở về với thiên nhiên nên anh đã quyết định đến vùng sâu vùng xa của TP Đà Lạt để đầu tư.
“Đại gia” không có cuộc sống… xa hoa
Trịnh Bá Dũng nhận ra một điều, nếu đầu tư du lịch ở mảnh đất khu trung tâm vẫn có thể làm được nhưng quá nhỏ, không đủ diện tích để thể hiện, để chuyển tải câu chuyện đến với người xem. Anh chia sẻ: “Những cái mình thích, mình có cảm tình, cảm nhận cá nhân. Nếu không có cảm nhận đó, ai cũng muốn tận hưởng cảnh phố thị thì mảnh đất tôi làm khu du lịch này sẽ bị bỏ hoang và không có người tìm đến để đầu tư”.
Anh đưa ra ý tưởng, bàn việc với gia đình và đều được mọi người đồng tình ủng hộ. Anh biết kiếm tiền từ lúc nhỏ, nhưng chưa thể kiếm được nhiều tiền. “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, cần làm một việc thật tốt để có thể kiếm nhiều tiền chứ làm nhiều nghề chưa chắc đã kiếm được nhiều tiền. Với cha, mẹ, anh, chị em trong gia đình thấy anh làm nhiều nghề để kiếm tiền chứ chưa bao giờ thấy làm 1 nghề để kiếm nhiều tiền.
Nếu so sánh về cuộc sống “an phận” ở TP HCM, anh có thể tìm cho bản thân sự bình yên hơn Đà Lạt. Những ngày đầu, muốn có điện phải dùng máy phát và chỉ một mình anh đơn độc. Sau đó, người thân, bạn bè động viên tinh thần khiến anh phấn khích hẳn.
Khi Nhà nước làm đường vào đến khu du lịch cũng là lúc anh bắt đầu khởi động dự án để làm. Hồi đó, chọn dự án ở một nơi heo hút đã là “khùng” lại còn nghĩ đến chuyện làm đất hóa cứng, trang trí trên đất thì chẳng ai nghĩ đến. Mọi người đều cười khẩy. Nhiều người còn nghĩ anh đi nghiên cứu chuyện không có thật để “lòe” thiên hạ.
Mặc “gã khùng” theo đuổi dự án không do một tập đoàn nào đó tài trợ hay công ty tài chính nào đó khỏe mạnh vung tiền để theo đuổi công trình chưa biết có thành hay không. Anh bắt tay vào công trình đường ngầm điêu khắc dưới mặt đất với niềm tin mãnh liệt vào sự trải nghiệm đã qua, thậm chí có thể cùng cộng sự làm rác rừng, tro trấu thành những củi sạch xanh để xuất khẩu. Hoàn thành công việc đã là một chuyện, nhưng việc đặc biệt vô cùng khó là gây dựng thương hiệu trong thời gian ngắn lại là quá khó.
Thời buổi bây giờ là thời buổi Internet, thông tin truyền hình, báo chí và tất cả các facebook là quan trọng để có thể để mọi người biết đến đường hầm điêu khắc. Cứ thế, “hữu xạ tự nhiên hương”, mọi người đã đổ về để tham quan đường hầm “độc nhất vô nhị” trên thế giới. Chỉ một cá nhân có thể chia sẻ với nhiều bạn bè trên facebook, các công ty du lịch lại cần những điểm đến mới và tự động du khách sẽ tìm tới.
Trịnh Bá Dũng luôn tâm niệm, làm thật tốt để rồi du khách sẽ tìm đến đường hầm điêu khắc tham quan. Nếu làm không tốt thì đương nhiên phải dùng tiền mua danh tiếng. Suốt từ lúc mở cửa đến nay, nhiều bạn bè và người quen đã đến tham quan để ủng hộ cho công trình. Tất cả những gì anh trải qua vốn không suôn sẻ ấy là cả một hành trình… 20 năm
Hưng Long