NSƯT Minh Hòa: Có nỗ lực thì sẽ thành công
Vào vai Loan trong vở "Vòng xoáy" (Tác giả: Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, đạo diễn: NSND Doãn Hoàng Giang) Minh Hoà đã phải rủ vài người bạn đi "thực tế" đến những quán bar… rồi tập hút thuốc, uống rượu để diễn cho chân thực. Vai Loan sau đó mang về cho Minh Hoà 1 Huy chương vàng Hội diễn.
Cuối tháng 2 vừa qua, tại lễ trao giải phim truyền hình được yêu thích nhất của Đài TH Việt Nam, NSƯT Minh Hòa đã được vinh dự nhận giải thưởng Nữ diễn viên xuất sắc nhất trong phim "Cuồng phong” (đạo diễn Bùi Huy Thuần). Đây là lần thứ 2 sau giải A duy nhất dành cho nữ diễn viên kịch trong vở "Tình sử ngàn năm” (đạo diễn Doãn Hoàng Giang) do Hội Nghệ sĩ sân khấu trao tặng. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với NSƯT Minh Hòa khi chị nhận được "cú đúp” giải thưởng này.
- Thưa nghệ sĩ Minh Hòa, có lẽ phải nói rằng, vị thần may mắn lúc nào cũng nhớ đến chị. Năm 2011, chị đã bắt đầu với một loạt dự án phim mới, nhưng ngay những ngày tháng đầu năm, chị đã được xứng tên trên bục vinh danh hai giải thưởng lớn mà bất cứ người làm nghề nào cũng mơ ước. Chị muốn chia sẻ điều gì cùng với niềm vui này?
- Có được mọi thứ của ngày hôm nay, chắc chắn tôi phải biết ơn nhiều người. Những người thân, là bố mẹ, là chồng con và những người đồng nghiệp đã cùng chung sức để làm nên những vở kịch, những bộ phim hay để cống hiến cho khán giả.
Tôi vẫn còn nhớ cảm giác của mình khi được mời vào vai Hoàng hậu Thượng Dương trong vở kịch "Tình sử ngàn năm” của đạo diễn Doãn Hoàng Giang, một vai diễn mà trên sân khấu cải lương, chèo đều đã có những vai diễn thành công, đó là sự lo lắng. Vai diễn không quá dài, tôi chỉ là một vai phụ nhưng lại phải lột tả được những tính phản diện của một người phụ nữ có lòng tham, ích kỷ, tầm nhìn ngắn nhưng dựa vào giặc ngoại bang để hòng cướp ngôi khi đức vua băng hà. Áp lực của những vai diễn lịch sử cũng là một thách thức lớn đối với những nghệ sĩ chúng tôi.
Tuy vậy, khi được cả ê kíp của Đoàn kịch Hà Nội, rồi đạo diễn Doãn Hoàng Giang chỉ bảo, dàn dựng, cuối cùng thì tôi đã được xưng danh ở Hội Nghệ sĩ sân khấu. Thực sự không gì vui hơn vì bản thân một nghệ sĩ kịch mà được một Hội nghề nghiệp đánh giá cao thì đó là những phần thưởng lớn nhất của những người làm nghề như chúng tôi.
Còn với bộ phim "Cuồng phong” thì đạo diễn Bùi Huy Thuần đã cho tôi tiếp tục một vai diễn phản diện, một mẫu người phụ nữ bên ngoài thì hiền lành, chuyên đi làm từ thiện nhưng bên trong lại giúp chồng điều hành cả một đường dây buôn bán ma túy lớn. Giải khán giả bình chọn cũng đã khích lệ tôi rất nhiều.
- Thời điểm phim truyền hình dài tập chưa phải là một "món ăn” quen thuộc với số đông khán giả truyền hình thì chị đã được xuất hiện liên tục khi vào vai Lệ Xuân trong phim truyền hình dài tập "Ông cố vấn” (kịch bản: nhà văn Hữu Mai, đạo diễn: NSND Lê Dân), một Minh Hòa sắc sảo, thâm thúy và quyền thế. Hình như trong suốt thời kỳ ấy đến giờ, chị luôn vào vai phản diện, một trong những vai diễn dễ gây ấn tượng nhưng cũng dễ bị… ghét?
- Quả thật, vai Lệ Xuân là một dấu mốc quan trọng để khán giả nhớ tới một Minh Hòa sau này. Hồi đó, tôi là người được mời thử vai Lệ Xuân sau rất nhiều người khác và cũng rất lo mình… trượt. Những năm ấy, ngành truyền hình chưa nhiều phim như bây giờ, mà diễn viên giỏi thì không hiếm, bởi thế, để được "chọn mặt gửi vàng” tức là mình đã thành công. Rất may là khi hóa trang, phục trang thì tôi có ngoại hình trông rất giống bà Lệ Xuân ngoài đời. Hồi ấy, đạo diễn Lê Dân nhìn tôi còn tấm tắc bảo: "Lệ Xuân đây rồi chứ đâu!”.
Sau này, cứ có vai phản diện là nhiều đạo diễn nhớ tới tôi như trong các phim "Cổ vật”, "Gió đại ngàn”, "Con đường hạnh phúc”, "Cuồng phong”… Tôi thì chưa thấy mình bị ghét đến mức… ném cà chua thối chẳng hạn (cười!), nhưng ra đường thấy nhiều người khen: "Bên ngoài trông hiền và vui vẻ thế mà đóng toàn vai ác!”.
- Theo chị, vai Bạch Yến trong phim "Cuồng phong” tại sao lại nhận được sự yêu quý của khán giả?
- "Cuồng phong” là một bộ phim với đề tài chống tội phạm ma túy, một trong những đề tài luôn hấp dẫn những khán giả hiện đại. Ma túy đã hủy hoại tới đời sống của một thế hệ thanh thiếu nhiên trong xã hội và cuộc chiến chống lại tệ nạn đó đang vô cùng cam go, vất vả của nhiều tầng lớp xã hội. Tuy không phải là một đề tài mới nhưng "Cuồng phong” đã khai thác được những góc khuất của thế giới tội phạm về ma túy. Bộ phim cũng đã nói lên được sự vất vả của các chiến sĩ Công an trong quá trình phá án, tạo được cảm xúc lớn đối với người xem.
Bạch Yến xét cho cùng là một người "tát nước theo mưa”, "đâm lao thì phải theo lao” nhưng bản chất cũng là tham lam… Vai diễn ấy trải qua nhiều trạng huống khác nhau của cảm xúc, vui có, buồn có, nước mắt có, hoan lạc có, hưởng thụ có… nhưng cuối cùng, kết thúc cho một số phận đàn bà là cái chết bi thảm trong rừng sâu. Chết trong đói khát, bị rắn cắn, không có ai bên cạnh. Đó cũng là lẽ đương nhiên theo luật nhân quả, gây cái ác thì gặt lại cái ác.
Khi tôi xách làn ra chợ, nhiều người xem phim nhận ra tôi đều nói rằng, cảnh cuối cùng với lời kêu cứu của Bạch Yến: "Cứu em, cứu em!” trong phim "Cuồng phong” thực sự làm xúc động họ bởi đó là lời kêu cứu của một người đàn bà từ trong ngõ cụt của cuộc đời. Bản thân tôi, thú thật là cũng bị ám ảnh vì đã đầu tư quá nhiều tâm sức vào nhân vật Bạch Yến.
- Chị vốn là một diễn viên sân khấu nhưng dường như khán giả biết chị nhiều là qua những thành công mà chị gặt hái được trong lãnh địa phim truyền hình. Chị nghĩ thế nào khi thời buổi hiện nay, không mấy người yêu nghệ thuật sân khấu và bỏ tiền ra mua vé để xem nữa, và điều này có nên "tiên trách kỷ, hậu trách nhân”?
- Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Bố tôi từng là nhạc công của Quân khu 3, người em thứ 3 của tôi chơi kèn saxophone, anh chị họ đều là những nghệ sỹ được công chúng biết đến như saxophone Trần Mạnh Tuấn, ca sỹ hải ngoại Nguyễn Hưng, nghệ sỹ cải lương Phương Thanh… Từ khi còn nhỏ, tôi đã theo bố đi sơ tán cùng đoàn Văn công Quân khu 3, vì thế, ánh đèn màu sân khấu đã ngấm vào tôi như một lẽ tự nhiên. Tôi đã từng được Đoàn kịch Bộ Nội vụ (nay là đoàn kịch Công an nhân dân) xin về, nhưng cuối cùng, tôi lại neo đậu ở đoàn kịch Hà Nội cho đến tận hôm nay.
Tôi còn nhớ như in cảm giác của mình khi được những giải thưởng đầu tiên trên lĩnh vực sân khấu, đó là những bước đệm vững chắc đầu tiên mà mỗi người làm nghề như tôi đều ghi nhớ như một ký ức của đời mình. Chẳng hạn như hồi vào vai Loan trong vở "Vòng xoáy” (Tác giả: Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, đạo diễn: NSND Doãn Hoàng Giang) tôi vào vai một cô gái chơi bời, sa vào vòng xoáy của dục vọng, tiền bạc… tôi đã phải rủ vài người bạn đi "thực tế” đến những quán bar… rồi tập hút thuốc, uống rượu để diễn cho chân thực. Vai Loan sau đó đã đoạt Huy chương vàng trong Hội diễn Sân khấu về hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân.
Nói vậy để biết được sự công tâm của mình dành cho sân khấu là có thật. Cho nên sau này dù rất thành công khi tham gia điện ảnh, nhưng nếu phải chọn giữa sân khấu và điện ảnh, tôi sẽ chọn sân khấu. Và tôi tin rằng, không chỉ riêng tôi mà phần lớn những anh chị em đã gắn bó với sân khấu, đều yêu quý "ngôi nhà” của mình và có lẽ không có ai nghĩ tới việc bỏ nghề dù lúc đó thịnh hay suy.
Bản thân tôi hiện là trưởng đoàn 2 của Nhà hát kịch Hà Nội, nhưng có những thời điểm tôi phải đến nhiều nơi để mời mua vé ủng hộ cho đêm diễn của đoàn. Chúng tôi, những người đã yêu và trót đeo đuổi nghề nghiệp thì dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn chấp nhận và nỗ lực để mình sẽ hóa thân, tỏa sáng trên sân khấu.
- Xin cảm ơn chị!