Ý Lan: Viên mãn rồi vẫn nhiều đêm ướt gối
Cuộc sống của nữ danh ca hải ngoại thật nhiều ẩn tình, khó đoán. Viên mãn rồi, nhưng vẫn nhiều đêm người đẹp vẫn gối lệ ướt đầm...
Ý Lan sinh ra trong một gia đình nổi tiếng về ca hát. Từ thưở ấu thơ, xung quanh cô là những giọng ca được nhiều người mến mộ như Tuấn Ngọc, Thái Thanh, Thái Hằng, Thái Hiền, NS Phạm Duy…. có thể nói, người phụ nữ xinh đẹp này đã có một đời sống viên mãn về nghệ thuật.
Thế nhưng, như người ta thường nói, cuộc sống của các ca sĩ hải ngoại có nhiều ẩn tình khó đoán. Ý Lan trở về Việt Nam từ những năm 1998, âm thầm một thân một mình vác bị đi về quê hương giúp đỡ cho các trẻ em mồ côi, bị tàn tật và cảm nhận niềm hạnh phúc… trong lúc cuộc hôn nhân đầu tiên của chị đã đổ vỡ.
Lần lượt qua nhiều năm đi về như con thoi, tháng 5/2011, lần đầu tiên Ý Lan được đứng trên sân khấu thủ đô, và lại là Nhà Hát Lớn, nơi bố và mẹ chị đã “chạm mắt” nhau lần đầu tiên. Ý Lan bồi hồi xúc động nhớ về kỉ niệm nơi danh ca Thái Thanh – thời bấy giờ đã nổi tiếng và có nhiều lựa chọn – đã chọn anh chàng sinh viên Lê Quỳnh – chàng trai nghèo không có đủ tiền mua vé vào Nhà Hát Lớn.
Phóng viên: Trở về thủ đô lần này, nghe như chị sẽ trở thành một phiên bản của mẹ – danh ca Thái Thanh – trên sân khấu Nhà hát lớn?
Ý Lan: Tôi nghĩ là chỉ mang lại một chút hình ảnh của mẹ thôi, chứ làm sao mà so sánh được.
Chị thần tượng mẹ nhiều vậy sao?
Thật vậy. Tôi nghĩ rằng không chỉ một mình tôi mà rất nhiều khán giả Việt Nam đã yêu mẹ, yêu mến tiếng hát của mẹ tôi qua nhiều thế hệ rồi. Nó phải có một lý do nào đấy chứ!
Danh ca Thái Thanh trên sân khấu vốn là một nghệ sĩ nổi tiếng, nhưng thật lạ lẫm khi nghe chị nhắc đến mẹ trong những lời dặn dò, lo lắng cho con gái khi chị bắt đầu yêu hay lúc bước chân về nhà chồng. Vậy hình ảnh của mẹ chị trong vai trò “nội tướng”như thế nào?
Mẹ tôi là một người rất mềm mại, tình cảm, nhưng cũng rất cứng rắn. Có lẽ đó là vì trọng trách của người mẹ, người duy nhất trong nhà thay thế bố nuôi cả một đàn con, cho nên mẹ phải có mềm, có cứng, giữ khuôn khổ trong gia đình để dạy dỗ các con.
Mẹ đã “cứng” với chị khi nào?
Nhiều lắm. Mẹ rất kỉ luật với tôi. Đơn cử như về giờ giấc chẳng hạn. Buổi sáng tôi đi học, mẹ sắp sẵn người đưa đón đúng giờ. Về nhà nghỉ trưa một chút, đến chiều thì tôi đi đến Hội thể dục thể thao ở SG. Tôi bơi từ năm 3 tuổi, bơi chuyên nghiệp để lấy cúp, rồi đánh vũ cầu. Đây là đời sống thứ hai của tôi.
Hết giờ đi về thì ăn cơm tối với mẹ, rồi đến giờ học tư, sau đó mẹ con sum vầy với nhau, nói chuyện một chút rồi đi ngủ. Đời sống cứ tuần hoàn như vậy. Hôm nào nhằm ngày cuối tuần xin phép đi chơi với bạn thì phải về đúng giờ. Muộn một chút là sợ lắm, mẹ “dữ” lắm! (cười)
Lúc đó mẹ chị đã thay bố để dạy dỗ chị?
Đó là lúc mẹ tôi chịu nhiều áp lực trong đời sống, mẹ luôn quát mắng. Bây giờ nghĩ lại thấy thương mẹ phải sống một mình, chịu cực chịu khổ trong những tháng ngày đó. Cũng giống như tôi, hơn 30 tuổi mới gặp anh Tuấn, trước đó cũng một mình nuôi các con nên rất lo lắng, phải gánh vác nhiều trách nhiệm.
Chị giống mẹ ở nhiều điểm, là một người phụ nữ tài sắc, một ca sĩ nổi tiếng, có những giờ phút phải một mình chèo chống cả gia đình, chăm lo cho một đàn con không có người đàn ông bên cạnh. Những điều này càng khiến chị đồng cảm hơn với mẹ.
Tôi cũng nghĩ như thế. Hoàn cảnh, nó đưa con người ta đến gần nhau hơn, chưa kể tôi lại là con cả trong gia đình nên tôi lại càng gần gũi hơn với mẹ.
Từng là một đứa trẻ sống trong sự chia ly của bố mẹ, điều này đã ảnh hưởng đến tâm tư của chị như thế nào? Khi lớn lên, gặp những vấn đề khó khăn, xung đột trong cuộc sống, gia đình, chị có cảm thấy tủi thân?
Cho đến bây giờ, có những đêm tôi ngủ dậy thấy chiếc gối mình nằm đã ướt hết nước mắt. Tôi hiểu được sự mất mát, sự thiếu thốn của một mái ấm gia đình không toàn vẹn. Nó để lại một vết hằn khó sửa chữa. Tôi rất đau, mỗi khi nghĩ đến điều này cho các con. Chỉ biết cố gắng hết sức những gì mình làm được, hy sinh hết mức những gì có thể, và tiếp tục cố gắng.
Trong album “Khi tôi về” hát nhạc Phạm Duy, Ý Lan được tác giả khen ngợi là thế hệ tiếp nối thể hiện thành công các sáng tác của ông, sau nữ danh ca Thái Thanh”. Chị nghĩ gì về nhận xét của bác mình?
Tôi vui, vui vì được bác khen. Nhưng tôi nghĩ việc mình lựa chọn dòng nhạc đó để hát không phải vì điều gì khác, mà vì đó là dòng nhạc tôi nghe khi tôi lớn lên, và tôi yêu nó. Mình là một ca sĩ, chỉ có thể diễn tả một bài hát bằng tột đỉnh cảm xúc của mình, vì vậy người ca sĩ phải được hát những bài mà mình yêu thích.
Thời gian gần đây chị đã phải vượt qua nhiều sóng gió, đặc biệt là vừa vượt qua bạo bệnh ung thư… Chị đã tự cân bằng thế nào trước những biến cố, xáo trộn của cuộc sống?
Âm nhạc và gia đình. Người đi thì đã đi nhưng vẫn còn người ở. Tôi lại càng quý trọng hơn những sự hiện hữu của mẹ, của các em, của các con các cháu…, ngay cả em nữa, một người xa lạ. Tôi ngồi đây nhìn ra cửa sổ thấy sương mù mịt, giống như cuộc đời vậy. Không biết ngày mai sẽ thế nào, không biết khi nào sẽ được gặp lại nhau. Để chia sẻ với nhau những giờ phút như thế này, cũng không có nhiều cơ hội đâu.
Cảm ơn những chia sẻ chân thành của chị!