Nhớ tài năng mệnh bạc Lê Công Tuấn Anh
Anh là một trong những "ngôi sao" điện ảnh tài năng nhưng rất bạc mệnh. Vụt sáng trên bầu trời điện ảnh Việt Nam những năm 90 của thế kỷ trước, rồi bỗng dưng tắt lịm trong sự đau thương, luyến tiếc của người ái mộ và đồng nghiệp ở tuổi xuân 29 tràn trề những ước mơ, khi đang đứng trên đỉnh cao vinh quang của sự nghiệp.
Đám tang của Lê Công Tuấn Anh là một trong những đám tang lớn nhất ở TP HCM, đồng thời là đám tang lớn nhất của nghệ sĩ Việt Nam với hàng trăm ngàn người hâm mộ tự nguyện đến và đứng hai bên đường nơi di quan đến nghĩa trang để đưa tiễn. Cái chết của anh trở thành một sự kiện lớn và thu hút rất nhiều sự quan tâm của các hãng thông tấn, báo chí lớn nhất tại Việt Nam cũng như công chúng trong khắp cả nước.
Chỉ trong vòng một đêm sau cái chết của anh, mấy tờ nhật báo nổi tiếng nhất ở TP Hồ Chí Minh cạnh tranh nhau về quyền được phát hành về câu chuyện cuộc đời của diễn viên điện ảnh tài năng, bạc mệnh Lê Công cũng như nguyên nhân cái chết – tự tử của anh là vì đâu? Những thông tin cực kỳ hấp dẫn, lôi cuốn sự quan tâm, kéo theo đó là số lượng độc giả không ngừng tăng lên. Rất nhiều độc giả liên tục gửi thư yêu cầu và gọi điện thoại đến phòng tin tức của tòa soạn các báo hàng trăm cuộc mỗi ngày chỉ để mong muốn các phóng viên tiếp tục đưa tin về ngôi sao nổi tiếng nhưng bất hạnh.
Trong những ngày đó, có rất nhiều fans hâm mộ đổ xô về từ khắp các tỉnh thành, đã đứng chen chúc nhau xếp hàng chờ hàng giờ đồng hồ trước cổng chùa Xá Lợi – quận 3 – nơi tổ chức đám tang của Lê Công Tuấn Anh, để được vào thắp nhang và cũng như để bày tỏ lòng thành kính, thương yêu đối với thần tượng của mình. Ngày đưa tang, vì số lượng người hâm mộ đưa tiễn quá đông, đã gây nên tình trạng tắc nghẽn giao thông tại nhiều đường phố lớn của thành phố.
Trong cuốn sách "House of glass: culture, modernity, and the state in Southeast Asia” được xuất bản vào năm 2001, các nhà nghiên cứu về văn hóa châu Á Mandy Thomas và Russel H.-K.Heng đã bình luận rằng: “Cái chết của Lê Công Tuấn Anh đã thực sự biến anh từ một "ngôi sao” điện ảnh thành một biểu tượng nổi tiếng của Việt Nam”. Ngôi mộ của anh được bạn bè lập tại chùa Nghệ sĩ Gò Vấp – TP Hồ Chí Minh nơi yên nghĩ vĩnh hằng của nhiều nghệ sĩ tài danh phương Nam.
Tuổi thơ bất hạnh, cô đơn của "Quang Đông ki sốt”
Trong giới nghệ thuật, có rất nhiều nghệ sĩ, diễn viên tham gia rất nhiều vai diễn trong suốt cuộc đời làm nghệ thuật, nhưng điều đó không có nghĩa là khán giả hâm mộ biết đến danh tiếng của người nghệ sĩ đó.
Xưa bên Trung Quốc đời Đường, từng có Thôi Hiệu (704 -754) người Biện Châu (nay là huyện Khai Phong, tỉnh Hà Nam), đậu tiến sĩ niên hiệu Khai Nguyên (725, đời Đường Huyền Tông), làm đến chức tư huân viên ngoại lang. Thi sĩ Thôi Hiệu có bản tính lãng mạn, nhiều lần kết hôn và ly dị, cùng thời với Vương Duy, ông gia nhập nhóm văn đoàn Kỳ Vương Lý Phạm. Thơ Thôi Hiệu phóng khoáng, tao nhã. Hai bài nổi tiếng của ông là khúc nhạc phủ Trường Can Hành và bài thơ “Hoàng Hạc Lâu” đã đưa ông lên đỉnh cao sáng chói của nghệ thuật thơ Đường.
Hoàng Hạc Lâu (Lầu Hạc Vàng) ở đầu cầu Vũ Xương, phía Tây Bắc phủ Vũ Xương, tỉnh Hồ Bắc, bên sông Trường Giang. Tương truyền rằng, đại thụ thi nhân thời Đường là Lý Bạch khi đến Hoàng Hạc Lâu định làm thơ, đã thấy thơ Thôi Hiệu đề trên vách, đọc xong, vứt bút, ngửa mặt than rằng:
Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc
Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu…
Dịch nghĩa:
Trước mắt thấy cảnh không tả được
Vì Thôi Hiệu đã đề thơ trên đầu.
Nền điện ảnh cách mạng Việt Nam cũng từng có vai trung úy Phương phim "Nổi gió” do NSND Thế Anh đóng, người hâm mộ chỉ nhớ trung úy Phương nổi tiếng, rất ít người biết diễn viên Thế Anh. Hay như NSND Trà Giang, biết bao phim do cô diễn, nhưng người hâm mộ chị nhớ vai diễn nổi tiếng mang tên nhân vật chị Tư Hậu. Sài Gòn trước 1975, nữ diễn viên điện ảnh Thẩm Thúy Hằng đã ngự trị trong trái tim tất cả người hâm mộ với vai diễn đầu tiên Tam Nương trong phim “Người đẹp Bình Dương”. Nghệ danh của cô luôn gắn với tên phim “Người đẹp Bình Dương” cho đến nay.
Lê Công Tuấn Anh trên phim trường được khán giả hâm mộ vào thập niên 1990 với vai diễn bác sĩ Quang “Đông Ki Sốt” nổi đình nổi đám trong bộ phim nhựa “Vị đắng tình yêu” tập I của cố đạo diễn Lê Xuân Hoàng, do Hãng phim Giải phóng thực hiện. Tên tuổi Lê Công Tuấn Anh bắt đầu tỏa sáng trên phim trường từ đó. Cũng từ đó, Quang “Đông Ky Sốt” thành nghệ danh của Lê Công Tuấn Anh với bạn bè và khán giả hâm mộ.
Lê Công Tuấn Anh chào đời vào ngày 2 tháng 2 năm 1967, tại thành phố Sài Gòn. Tên thường gọi của anh là Lê Công, được ghép từ họ Lê của ba anh và họ Công Huyền của mẹ anh là một người thuộc dòng dõi quý tộc của Huế. Ít khi nào bạn bè nghe Lê Công kể về bên ngoại, mặc dù đối với nhiều người khác sự khoe khoang về dòng họ hoàng gia được xem như tấm bùa hộ mệnh để bước vào con đường nghệ thuật thứ bảy.
Lê Công có lý do rất riêng và cũng rất cay đắng, bất hạnh của tuổi thơ. Ngay từ khi còn rất nhỏ, ba mẹ của Lê Công Tuấn Anh đã chia tay nhau. Những cuộc chia ly của người lớn với muôn vàn lý do, nhưng người mất mát thiệt thòi nhiều nhất là con trẻ. Nhưng người lớn không phải bao giờ ai cũng quan tâm đến điều này. Cá tính một đứa trẻ hình thành và phát triển thường bị chi phối rất nhiều bởi nguyên nhân cha mẹ ly dị nhau.
Nhà thơ Vương Trọng có bài viết rất cảm động về cô chị dỗ dành đứa em bé nhỏ với điệp khúc “nín đi em…” bố mẹ sắp ra Tòa, người đọc nghe nhói tim gan:
“Nó biết đâu cha mẹ nó ra tòa
Là cầm cưa xẻ ngang tình đoàn tụ
Đứa còn mẹ thì thôi, mất bố.
Hai chị em rồi sẽ mất nhau.
Nín đi em… !
- Em khản giọng khóc gào
Chị mếu máo, đầm đìa nước mắt.
Những cha mẹ bên bờ chia cắt,
Phút giây thôi, hãy nghe tiếng con mình”
Như trong hoàn cảnh ấy, Lê Công Tuấn Anh theo mẹ vì còn quá nhỏ, nhưng không lâu sau đó, anh bị bỏ rơi vì mẹ anh tái giá. Sau cú sốc gia đình đổ vỡ, cuộc sống của Lê Công Tuấn Anh trở thành những ngày tháng tối tăm nhất trong cuộc đời của anh. Dấu ấn về sự đỗ vỡ hạnh phúc gia đình luôn ám ảnh trong tâm hồn bé bỏng của anh vốn rất mỏng manh, dễ vỡ như bọt nước mưa làm cho “bong bóng phập phồng” bên mái hiên nhà trong ca dao viết ‘trời mưa bóng bóng phập phồng/ Mẹ đi lấy chồng con ở với ai?”.
Từ đó, Lê Công Tuấn Anh bắt đầu cuộc sống mồ côi của một đứa trẻ bụi đời, lang thang, vất vưởng trong thăm thẳm ký ức buồn tủi. Và cũng từ đó, tuổi thơ của anh bị gặm nhấm bởi sức bào mòn của kiếp sống thừa. Đêm đêm trên hè phố, ngày ngày nuốt nước bọt nhìn người ta ăn ngon, no say cười hả hê hạnh phúc. Ai từng có tuổi thơ không cửa, không nhà, không tình thương, mái ấm tình người mới thấm hiểu hết nỗi buồn tủi, giày vò nát tuổi thơ mà Lê Công từng trải qua.
Hết những ngày sống với bụi đường hè phố và cuộc sống vô cùng vất vả, đến tuổi thiếu niên, Lê Công được đưa vào cô trường giáo dục thiếu niên lang thang cơ nhỡ. Đó là những ngôi nhà chung dành cho cô nhi không nơi nương tựa, một nơi giành giật những giá trị sống con người cho tuổi thơ bất hạnh. Một nơi có cơ hội cho trẻ lang thang trở thành người tốt, thành đạt nhưng cũng có thể là một nơi cầm giữ sự tự do, phóng túng của trẻ không ngoan.
Sau đó, Lê Công Tuấn Anh được một người cô ruột rước về sống cùng gia đình. Chính từ tình thương và bao bọc của người cô, đã làm thay đổi toàn bộ số phận của Lê Công. Một bước ngoặc lịch sử cuộc đời đã vớt một tâm hồn cậu bé Lê Công từ dưới lớp bùn dưới đáy xã hội lên. Từ một đứa trẻ bụi đời, lang thang, Lê Công được cô cho đi học trở lại.
Tuy gia đình người cô không mấy khá giả, nhưng Lê Công được nuôi dưỡng và bao bọc trong mái ấm tình thân đã làm thay đổi rất nhiều sau nghĩ, hành động ngang tàng, chán nản hình thành trong nhân cách tuổi thơ những ngày lang bạt kiếm sống trên hè phố. Hàng ngày, Lê Công đi học một buổi, còn một buổi đi làm thêm để phụ giúp cô góp tiền chợ trong nhà và cũng có thêm tiền tiêu vặt.
Dấn thân vào con đường nghệ thuật
Tạo hóa luôn công bằng, không bao giờ cũng ngược đãi những số phận đầy bất hạnh, bi kịch đến chỗ bần cùng mà không dành cho con người một con đường để thoát. Sự cùng cực, trần ai cay nghiệt nhất của một con người luôn tiềm ẩn sự sống mới được nuôi dưỡng bằng chính những gian truân, đọa đày ấy, chỉ chờ có cơ hội thì lập tức phát quang, thăng lo.
Số phận anh chàng Lê Công Tuấn Anh rất đúng với điều này cuả tạo hóa. Vượt qua ngưỡng đời tuổi thơ đắng cay, buồn tủi, Lê Công bước vào con đường nghệ thuật khá yên bình, thành đạt rất nhanh. Tất nhiên không phải là con đường rải đầy hoa hồng. Sự thành đạt nhanh như chính định mệnh cuộc đời ngắn ngủi của anh. Trong cõi nghệ thuật, dường như mỗi con người đều có số mệnh dành riêng như có bàn tay sắp đặt của tạo hóa.
Người dân miền Nam ai cũng mến mộ cải lương thì không một ai không biết giọng ca độc nhất vượt thời gian của nghệ sĩ Minh Cảnh. Rồi thì ai cũng nhận ra một điều, Minh Cảnh sinh ra là để hóa thân vào những nhân vật buồn, lụy, bi thảm, đáng thương chứ không thể như những nghệ sĩ Minh Phụng, Diệp Lang, Nam Hùng, Mỹ Châu, Bạch Tuyết…bao giờ cũng hóa thân thành Vua Chúa, Hoàng tử, tướng quân, quan lại.
Vai Minh Cảnh diễn, nhân vật Minh Cảnh hóa thân là những kẻ ăn mày cao thượng, những kẻ bất hạnh, hàm oan, trung liệt, nghĩa dũng, tu hành. Chính từ nỗi đau đớn, oan nghiệt ấy, Minh Cảnh như một con tằm rút ruột nhã ra những sợi tơ vàng cho cải lương để đời. Lê Công Tuấn Anh cũng giống như vậy, những nhân vật phù hợp với khuôn mặt buồn buồn, say say thậm chí lờ khờ, ngây ngô của anh luôn đầy trắc ẩn, bất hạnh, xấu số.
Con đường nghệ thuật của Lê Công bắt đầu khá tình cờ khi anh nhận lời làm phụ diễn cho người bạn vào lúc đoàn kịch nói Kim Cương tổ chức thi tuyển diễn viên. Điều bất ngờ là anh được chọn, còn bạn anh thì rớt. May mắn của số phận lần đầu tiên trong đời anh đã mỉm cười nhưng liền sau đó, Lê Công buồn vật vã vì anh bạn thân tạo điều kiện giúp mình đã không may mắn.
Như một lẽ thường tình trong cuộc sống, phàm người nào luôn bận tâm hay dằn vặt với chuyện được, mất hoặc vì cả nể thì mãi mãi đó là những người rất khổ tâm. Điều này xem chừng rất phù hợp với cá tính và tấm lòng của Lê Công. Lúc Lê Công đang thời “nổi tiếng” nhất, tình cờ gặp nhau tại nhà người mẫu Minh Anh, Lê Công rất vui vẻ, chân tình hẹn: “Mai mốt em nhắn, anh em mình cà phê nha…”.
Bẵng đi một dạo, gặp nhau trong quán, anh vò đầu bứt tai rất tội nghiệp phân trần : “Anh xin lỗi… anh có lỗi vì hẹn em mà chưa thực hiện…”. Chuyện nhỏ vậy, thế mà Lê Công tỏ ra rất ăn năn, hối hận rất thật lòng như là lỡ làm một việc gì tày đình không bằng. Cho thấy sự chân tình, chân thật trong con người Lê Công không hề giả tạo hay “diễn” chút nào cả.
Trong những năm tháng ở đoàn kịch Kim Cương, Lê Công chỉ toàn là đảm nhận những vai diễn viên quần chúng, diễn viên phụ trong các vở diễn như : Nhân danh công lý, Hoàng Tử và Con gái lão chăn cừu, Vực thẳm chiều cao (vai bảo vệ Đông, người yêu cô Lan), Trà Hoa Nữ, Lôi Vũ (vai Chu Xung – đóng thế vai cho nam diễn viên Lâm Hùng). Sau này hết diễn phụ, trở thành diễn viên độc lập, Lê Công tham gia trong các vở diễn như: Đời lận anh hùng, Đèn không hắt bóng, Bước qua lời nguyền, Tôi ơi ! Đừng tuyệt vọng.
Dù trên sân khấu kịch nghệ, Lê Công chỉ tham gia và được diễn những vai nho nhỏ, hình bóng nhạt nhòa, không lưu lại trong ký ức người xem như thể anh là người không có duyện với sân khấu kịch trường. Và hình như sân khấu kịch chỉ là nơi anh tự thử thách, khám phá bản thân mình, tập làm quen và làm cơ sở xuất phát sau này. Khác hẳn những bậc thầy sân khấu như Kim Cương, Thanh Nga…vừa biết nói đã biết diễn trên sân khấu.
Nhưng cũng chính tại sân khấu này, cơ duyên đã đến với Lê Công một cách bất ngờ. Vượt qua những sự e dè về tâm lý, mặc cảm về bản thân, thiếu tự tin để thể hiện mình, Lê Công nhìn thấy tình cờ cuộc tuyển chọn diễn viên cho bộ phim “Tìm vàng” của đạo diễn Lê Xuân Hoàng, anh mạnh dạn đến ghi danh và xin thử vai.
Kể chuyện về Lê Công Tuấn Anh những ngày đầu tiên tham gia đóng phim, đạo diễn Trọng Hải là người bạn, người anh thân thiết, đồng thời chính là người đầu tiên phát hiện ra khả năng diễn xuất của Lê Công Tuấn Anh. "Năm 1989, Trọng Hải làm phó đạo diễn cho đạo diễn Lê Xuân Hoàng thực hiện chùm phim ngắn thể nghiệm loại hình video thời kì đầu. Chùm phim do ban sáng tác trẻ gồm: Việt Linh, Vinh Sơn, Đào Bá Sơn, Hồ Ngọc Xum, Lê Hoàng… thực hiện.
Lê Công khi ấy đang tham gia một số vai diễn quân sĩ “tốt đen, tốt đỏ” ở đoàn kịch kim cương đã tìm đến đoàn làm phim "Tìm vàng” xin thử vai. Lần đầu tiên đứng trước máy, Lê Công run thấy rõ. Khi nghe Hải truyền đạt lời nhận xét của anh Hoàng là chỉ đạt 70% thôi, thiết tưởng Công sẽ rất buồn, ai dè anh ôm chặt Hải reo hò như một đứa trẻ.
Khi thu dọn máy móc ra về, không ngờ Công vẫn ngồi đó lặng lẽ quan sát mọi người làm việc, sau đó anh mới nhỏ nhẹ nói với Hải: “Nếu có cơ hội cho bộ phim nào anh nhớ gọi cho em với”. Đó là buổi đầu gặp gỡ làm nên nhân duyên của nhóm anh em kết nghĩa gồm: Xuân Hoàng, Trọng Hải, Lâm Thế Thành, Nguyễn Thành Công và em út Lê Công Tuấn Anh”.
Từ bộ phim tham gia đầu tiên, Lê Công Tuấn Anh đã thật sự bén duyên với điện ảnh, cũng chính điện ảnh đã làm thay đổi cuộc đời anh. Mang đến cho anh những vinh quang tột đỉnh, những mối tình tuyệt đẹp và sự kết liễu cuộc đời bằng cách tự tử trong căn phòng trọ trong con hẽm nhỏ đường Tô Hiến Thành, quận 10 vào ngày 17/10/1996.
"Vị đắng tình yêu” bệ phóng thăng hoa nghệ thuật
Phải thành thật công nhận, Lê Công được trời ban cho khuôn mặt sáng, điển trai, hiền lành với ánh mắt buồn buồn đượm nhiều chất suy tư, sâu lắng nhưng cũng cực kỳ quyến rũ. Lê Công Tuấn Anh đã chinh phục trái tim người xem trong hầu hết các phim anh tham gia vai chính sau đó như : Vị đắng tình yêu, Tuổi thơ dữ dội, Em còn nhớ hay em đã quên, Anh chỉ có mình em, Sao Phượng còn buồn, Hoa Quỳnh nở muộn, Bên bờ ảo vọng, Tình biển, Ngọt ngào và man trá.
Còn nhớ bộ phim “Vị đắng tình yêu” của đạo diễn Lê Xuân Hoàng được xem như bệ phóng đầu tiên của sự nghiệp điện ảnh Lê Công Tuấn Anh thăng hoa và gặt gái những mùa vàng đầu tay làm nổi danh. Được khởi chiếu vào đầu năm 1990, Vị đắng tình yêu đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả bởi chất mộc mạc, nhẹ nhàng, xúc động và nó được xem như bản tình ca lãng mạn nhất một thời của điện ảnh Việt Nam về đề tài tình yêu đôi lứa.
Câu chuyện phim "Vị đắng tình yêu”, mở đầu bằng cảnh bữa tiệc sinh nhật của Phương (Thủy Tiên đóng) một nghệ sĩ dương cầm. Cô đang chơi một bản nhạc cho quan khách dự tiệc nghe. Lúc này, bên ngoài cánh cổng, một người đàn ông gầy gò, giản dị đến quê mùa, đeo kính trắng với một nửa khuôn mặt sần sùi do bom napal cũng đang như nuốt từng nốt nhạc của cô. Đó là Quang (do Lê Công Tuấn Anh đóng), một bác sĩ, một người vẫn thầm yêu Phương nhưng âm thầm đơn phương.
Đột nhiên, tiếng đàn tắt phụt, căn phòng nhốn nháo vì Phương bỗng gục xuống bên phím đàn. Trong khi mọi người đang hốt hoảng, thì Quang bước vào, thăm khám và giúp đưa Phương tới bệnh viện. Bên giường bệnh của Phương, kí ức của 10 năm trước chợt ùa về .
Ngày ấy, Quang là một chàng sinh viên nghèo ở trường Y. còn Phương là sinh viên Nhạc viện, ở nhà riêng có một thầy dạy nhạc tên Bình (Lê Tuấn Anh đóng) theo đuổi. Một lần tình cờ, Quang cứu Phương thoát khỏi bọn du côn và bị một trận đòn no nhừ. Nhờ quen Quang, Phương biết được thế nào là cuộc sống sinh viên kí túc xá, tuy nghèo, vất vả và phải tự mưu sinh, nhưng lại luôn tràn ngập tiếng cười.
Sinh nhật Phương mời nhưng Quang đắn đo, tần ngần vì chiếc áo đang mặc quá cũ còn chiếc khác đã giặt. “Một người vì sáu người – Sáu người vì một người” các bạn sinh viên trong phòng mỗi người giúp chàng một thứ để đến dự sinh nhật nàng: một chiếc áo, một đôi dày, một cái quần dài.
Trong bữa tiệc, chàng biết được điều mà nàng mong muốn nhất: không phải một ông chồng đẹp trai hay một ngôi nhà đẹp, mà điều nàng mong muốn nhất là vào một đêm mưa gió, khi nàng đang đánh đàn bên cửa sổ sẽ có một chàng trai xuất hiện bên cửa sổ, cầm bó hoa trên tay và nói: "Tôi là khách qua đường, xin em hãy nhận lấy”!. Quang quyết tâm thực hiện mong ước đó của Phương và nhận ra mình đã yêu Phương nhưng cố dằn lòng. Anh biết mình là sinh viên nghèo, phải bơm vá xe kiếm sống.
20 năm trước, Phương đã bị một mảnh bom rất nhỏ găm vào đầu có thể giết chết Phương. Bác sĩ khuyên Phương nên từ bỏ con đường âm nhạc, tránh xúc động để giữ lấy mạng sống của mình. Tình yêu trong sáng, tha thiết và mãnh liệt của Quang đã giúp Phương quên đi mảnh bom trong đầu để tiếp tục bước đi trên con đường nghệ thuật.
Bình đã dùng thủ đoạn đê hèn, lợi dụng ảnh hưởng của bố mình, để đưa Quang ra chiến trường. Ngày Phương bước lên xe hoa về nhà chồng trong tiếng pháo, tiệc tùng thì Quang phải đối diện với bom rơi đạn nổ ngoài chiến trường.
Mười năm trôi qua, lúc này Phương và Bình đã có một bé gái xinh xắn, còn Quang trở về với khuôn mặt đầy sẹo do bom napal và trở thành bác sĩ phẫu thuật giỏi nhất bệnh viện. Nhưng Quang vẫn không thể bỏ được thói quen đứng nhìn cửa sổ nhà Phương mỗi ngày và cũng vì tình yêu với Phương, chính anh sẽ thực hiện ca mổ để lấy ra mảnh đạn trong đầu Phương, để những cơn đau không còn hành hạ nàng nữa.
Cảnh phim đẹp nhất có lẽ là cảnh Quang đội mưa, trèo rào vào công viên hái trộm hoa rồi đứng ở cửa nhà nàng trong bộ dạng ướt lướt thướt, áo rách tay, một chân dép một chân không nhưng khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc, tặng hoa cho Phương và nói: Tôi là khách qua đường, xin em hãy nhận lấy! gieo vào lòng người như một điệp khúc đẹp nhất vang lên về thông điệp tình yêu. Vừa giống như Trương Chi- Mỵ Nương, vừa giống Romeo-Juliet hai nhân vật biểu tượng của tình yêu trong vở kịch bất hủ của văn hào William Shakespeare.
Còn bài thơ do nhóm bạn sinh viên, cùng ở chung phòng trong ký túc xá với Quang đã sáng tác và đọc tặng các bạn trong một buổi tối giao lưu văn nghệ trước khi Phương lên sân khấu thể hiện bản nhạc “Khi mùa thu đến”, một bản nhạc nền đã góp phần không nhỏ vào sự thành công của phim "Vị đắng tình yêu”.
"Anh nhìn em qua kính hiển vi
Phút gặp nhau chẳng nói được gì
Trán toát mồ hôi, chân lập cập
Đến chỗ hẹn hò như đến phòng thi
Anh đã vì em mượn đôi giày
Và một sơ mi xanh khói mây
Chỉ có trái tim là không mượn
Bởi có mình anh biết đắm say
Anh chẳng sợ đâu chẳng ngại đâu
Trộm hoa cho có phải leo rào
Tặng hoa cho dù anh té ngã
Nếu có bể đầu… anh tự khâu”.
"Vị đắng tình yêu” không những là một tác phẩm kinh điển về đề tài tình yêu tuy vẫn còn thoi thóp trong mô típ tình yêu-bi kịch- chiến tranh có nhiều khúc gượng gạo, những sự lãng mạn của tình yêu chân chính, đích thực đã thật sự đọng lại trong lòng nhiều khán giả truyền hình đến nay. Nhưng ngày ấy, dường như đã làm cú đấm trúng tâm lý khán giả gây nên cơn sốt về lãng mạn tình yêu tuổi trẻ.
Đặc biệt là vai diễn bác sĩ Quang của chàng Đông Ki Sốt – Lê Công Tuấn Anh vừa ngơ ngác, rất si tình và say đắm với tình yêu đầu trong sáng trở thành vai diễn để đời và giúp anh trở thành thần tượng của giới trẻ thập niên 90. Cũng chính bộ phim mang về cho Lê Công Tuấn Anh giải nam diễn viên chính xuất sắc nhất trong liên hoan phim truyện toàn quốc lần thứ X năm 1993.
Sau thành công rực rỡ của "Vị đắng tình yêu”, tên tuổi của Lê Công Tuấn Anh nổi tiếng khắp cả nước, liên tiếp các hãng phim mời anh ký hợp đồng. Theo ước tính của bạn bè, trung bình một năm Lê Công Tuấn Anh đóng đến 20 bộ phim, nhiều khi anh phải thức trắng đêm để hoàn thành vai diễn của mình trong 4 ngày, thậm chí 2 ngày, chưa kể có những kịch bản anh phải từ chối vì quá bận rộn vì không còn thời gian ra Bắc, vào Nam.