Ông Trần Đăng Tuấn: Công an Hà Nội không nên kỷ luật cán bộ ‘gạt tay vào má’ phóng viên
Nhà báo Trần Đăng Tuấn cho rằng Công an Hà Nội không nên kỷ luật chiến sỹ cảnh sát hình sự đã ‘gạt tay vào má’ phóng viên trên cầu Nhật Tân.
Chiều 29/9, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội đã trả lời về vụ việc phóng viên Trần Quang Thế - Báo Tuổi Trẻ bị hành hung trên cầu Nhật Tân.
Theo đó, ông Ngọc cho biết, cảnh sát hình sự huyện Đông Anh chỉ có hành vi "giơ tay gạt trúng má" và "giơ chân đá nhưng không trúng" vào người phóng viên Quang Thế.
Công an Hà Nội cho rằng đây chỉ là hành động giơ tay gạt trúng má chứ không phải đấm. |
“Căn cứ vào quy tắc ứng xử của lực lượng CAND, chúng tôi đã giao Ban Chỉ huy Công an huyện Đông Anh và Phòng Tổ chức cán bộ căn cứ vào các quy định cụ thể tổ chức kiểm điểm. Đến nay đã xử lý kỷ luật hình thức khiển trách đồng chí Hưng, còn đồng chí Thuyên chưa có hành động cụ thể gây ra các tác hại cụ thể chúng tôi đã yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm.
Đối với nhà báo Trần Quang Thế, căn cứ vào Nghị định 67 xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi đi vào khu vực hiện trường khi chưa được phép, tác nghiệp chụp ảnh tại hiện trường vụ án không được phép” - Đại tá Ngọc thông tin.
Bình luận về kết luận của công an Hà Nội về vụ việc trên, nhà báo Trần Đăng Tuấn - nguyên Phó Tổng giám đốc VTV- cho rằng không ai có thể chấp nhận được kết luận này.
“Tôi chưa nói đến chuyện đúng sai trong câu chuyện trên. Cứ cho rằng hành vi phóng viên Quang Thế của báo Tuổi Trẻ sai thì việc hành xử như vậy của cán bộ công an đang làm nhiệm vụ tại hiện trường cũng là không thể chấp nhận được,” ông Tuấn nói.
“Đó là hành xử côn đồ đường chợ. Cảnh sát có quyền cưỡng chế người vào khu vực bảo hiện trường, nhưng không phải bằng cách đấm đá thiếu văn hoá tối thiểu như vậy.”
| |
"Vụ việc đã rõ như ban ngày, đã được ghi lại bằng hình ảnh mà họ còn nói được như thế thì đối với những vụ việc không có hình ảnh nào chứng minh, thử hỏi ai sẽ tin vào kết luận của Công an Hà Nội? Nhà báo Trần Đăng Tuấn |
“Trong trường hợp phóng viên vào khu vực hiện trường được bảo vệ thì lực lượng công an có thể dùng các biện pháp để ngăn chặn nhưng cảnh sát cả thế thế giới họ không có nghiệp vụ đấm, đá, đuổi theo như thế. Tôi nghĩ không thể có điều gì biện hộ về điều này”, nhà báo Trần Đăng Tuấn bày tỏ quan điểm.
Theo ông Trần Đăng Tuấn, vụ việc phóng viên Quang Thế bị hành hung đã được ghi nhận bằng các hình ảnh, các đoạn clip rất rõ ràng. Trong khi đó, công an Hà Nội lại “định nghĩa lại hình ảnh”, cho rằng đây chỉ là hành động “gạt tay vào má”.
“Vụ việc đã rõ như ban ngày, đã được ghi lại bằng hình ảnh mà họ còn nói được như thế thì đối với những vụ việc không có hình ảnh nào chứng minh, thử hỏi ai sẽ tin vào kết luận của Công an Hà Nội?”, ông Tuấn đặt vấn đề.
Nhà báo Trần Đăng Tuấn cho rằng trong bất kỳ một xã hội nào cũng cần có sự bảo vệ hợp pháp của công an vì bình yên của cuộc sống. Tuy nhiên, những sự việc không hay vừa xảy ra đã khiến ông có nhiều suy nghĩ.
“Tôi thực sự thấy đau lòng vì những vụ việc như thế này ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín của ngành công an”, nhà báo Trần Đăng Tuấn bày tỏ.
Video: Cảnh sát hình sự xô xát với PV báo Tuổi trẻ trên cầu Nhật Tân (Nguồn: Thanh Niên)
Bình luận về biện pháp xử lý vụ việc của công an Hà Nội, ông Tuấn cho rằng “không cần và không nên xử lý kỷ luật” đối với cán bộ công an “gạt tay trúng má” phóng viên.
“Tôi nghĩ rằng nếu định nghĩa là ‘gạt tay trúng má, ‘hất tay', ‘đá không trúng’ như thế thì cũng không cần kỷ luật gì, kể cả khiển trách, kể cả phê bình. Nếu công an Hà Nội cho rằng đang làm đúng thì cũng không cần khiển trách, phê bình các chiến sỹ. Khiển trách làm sao được khi người ta chỉ ‘hất tay’, ‘gạt tay”, ông Tuấn nói.
Thông qua sự việc này, nhà báo Trần Đăng Tuấn đặt ra vấn đề lớn hơn là cách ứng xử của các cơ quan công an với nhà báo và với nhân dân.
“Cứ cho đây không phải là phóng viên, nhà báo mà là một công dân bình thường. Nếu là một người dân bình thường thì liệu có bị đối xử như thế không. Đó là điều rất nghiêm túc phải đặt ra”, ông Tuấn băn khoăn.
Qua sự việc này, nhà báo Trần Đăng Tuấn cho rằng khi tác nghiệp, phóng viên, nhà báo cũng cần có sự thận trọng.
“Không vì do nhiệt tình quá, do cách tác nghiệp mà gây cho mình nguy hiểm. Vì vậy, cũng cần có sự điềm tĩnh cần thiết trong cách tác nghiệp”, ông Tuấn chia sẻ.
Đối với Công an Hà Nội, ông Tuấn cho rằng sự việc này đã ảnh hưởng quá nhiều đến uy tín, niềm tin của nhân dân vào lực lượng công an. Nghiêm khắc với những sự việc như thế này là việc cần thiết.
“Lãnh đạo công an Hà Nội nên lắng nghe ý kiến của dư luận, của người dân và nên có nhìn nhận, xem xét cho hợp lý, hợp tình hơn” - Ông Tuấn nêu quan điểm.
“Tôi nghĩ rằng không chỉ công an Hà Nội mà ngành công an nói chung, các cấp có thẩm quyền chịu trách nhiệm về sự vững mạnh, trong sáng, uy tín của các lực lượng công an cũng phải xem xét một cách thỏa đáng của vụ việc này vì uy tín của ngành, vì lẽ phải mà chúng ta cần phải thượng tôn trong xã hội.”
Phạm Thịnh