Sự cố Formosa khiến hàng chục ngàn người mất việc
“Sự cố Formosa đã ảnh hưởng đến 22.780 hộ, làm hơn 24.000 người mất việc…” – bà Nguyễn Thị Xuân Mai, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) thông tin.
Ảnh minh họa. |
Trao đổi với báo chí tại buổi họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng 2016 của Tổng cục Thống kê, bà Nguyễn Thị Xuân Mai cho hay, 9 tháng năm 2016, cả nước ghi nhận số người thất nghiệp tăng gần 40.000 người, trong khi đó, con số này của 9 tháng 2015 chỉ là 2015.
Bình luận về hiện tượng này, bà Mai cho rằng, một nguyên nhân không nhỏ khiến số lượng người thất nghiệp trong 9 tháng 2016 là do sự cố ở Formosa. Sự cố này đã ảnh hưởng đến một bộ phận không nhỏ người lao động. Và thực tế, theo đánh giá của Tổng cục Thống kê thì sự cố môi trường do Formosa Hà Tĩnh còn tác động mạnh đến kinh tế - xã hội 4 tỉnh miền Trung. Ví như tại Hà Tĩnh, sự cố Formosa đã ảnh hưởng đến 22.780 hộ, làm hơn 24.000 người mất việc; Thừa Thiên Huế có hơn 30.000 người bị ảnh hưởng trực tiếp; Quảng Bình thất nghiệp tăng 1,1%...
Khẳng định sự cố Formosa chắc chắn ảnh hưởng đến tỉ lệ thất nghiệp, số lao động thiếu việc làm… nhưng theo Tổng cục Thống kê, số lượng người thất nghiệp đã giảm nhẹ nhờ vào chính sách hỗ trợ đưa người đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…
Cùng đề cập đến sự cố môi trường ở biền miền Trung, ông Nguyễn Bích Lâm khẳng định: Chúng tôi đã có đánh giá tác động của sự cố Formosa đến các tỉnh như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Phần lớn các tỉnh đều bị giảm 20% sản lượng thủy sản. Cụ thể, 9 tháng khai thác thủy sản Hà Tĩnh giảm 14,4%. Quảng Trị giảm 27,1%. Huế giảm 23-24%, Quảng Bình cũng bị giảm mạnh.
“Khai thác thủy sản 4 tỉnh này không lớn nhưng có ảnh hưởng đến đời sống và tăng trưởng kinh tế khu vực Bắc Trung Bộ cũng như toàn nền kinh tế” - ông Nguyễn Bích Lâm cho hay.
Được biết, để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng sự cố môi trường do Formosa gây ra, ngày 29/9, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1880/QĐ-TTg ban hành định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế bị thiệt hại do sự cố môi trường biển. Theo đó, sẽ có 7 nhóm đối tượng là khai thác hải sản; nuôi trồng thủy sản; sản xuất muối; hoạt động kinh doanh thủy sản ven biển; dịch vụ hậu cần nghề cá; dịch vụ du lịch, thương mại ven biển; thu mua, tạm giữ thủy sản.
Quyết định nêu rõ: Với chủ tàu/thuyền không lắp máy bị thiệt hại do nằm bờ thì định mức bồi thường là 5,83 triệu đồng/tàu/tháng; chủ tàu lắp máy dưới 20 CV thiệt hại do nằm bờ thì định mức bồi thường là 10,67 triệu đồng/tàu/tháng; tàu lắp máy công suất từ 20 CV đến dưới 50 CV thiệt hại do nằm bờ thì định mức bồi thường là 15,2 triệu đồng/tàu/tháng; chủ tàu lắp máy công suất từ 800 CV trở lên thiệt hại do giá thì định mức bồi thường là 37,48 triệu đồng/tàu/tháng...
Đối tượng lao động trên tàu/thuyền không lắp máy thiệt hại do nằm bờ thì định mức bồi thường là 3,69 triệu đồng/người/tháng; định mức bồi thường là 5,96 triệu đồng/người/tháng với đối tượng lao động trên tàu lắp máy dưới 20 CV thiệt hại do nằm bờ; đối tượng lao động trên tàu lắp máy công suất từ 20 CV đến dưới 50 CV thiệt hại do nằm bờ thì định mức bồi thường là 7,65 triệu đồng/người/tháng; định mức bồi thường là 8,79 triệu đồng/người/tháng với đối tượng lao động trên tàu lắp máy công suất từ 50 CV đến dưới 90 CV thiệt hại do nằm bờ.
Thiệt hại nghề muối định mức bồi thường là 39,37 triệu đồng/ha/tháng. Thiệt hại nghề muối trả 1 lần. Người lao động bị mất thu nhập định mức bồi thường là 2,91 triệu đồng/người/tháng.
Riêng 3 đối tượng khai thác thủy sản trên tàu có công suất máy chính từ 90 CV trở lên; nuôi trồng thủy sản (thủy sản chết), sản xuất muối; thu nhập bị mất của người lao động làm thuê được tính chung trong định mức bồi thường thiệt hại của chủ tàu hoặc chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối thì: Căn cứ định mức bồi thường thiệt hại, UBND tỉnh hướng dẫn các chủ tàu hoặc chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối thống kê danh sách những lao động làm thuê trên tàu, trong cơ sở nuôi trồng thủy sản, cơ sở sản xuất muối và mức bồi thường đối với mỗi lao động cho phù hợp, đảm bảo đồng thuận, có xác nhận của từng người lao động. Trên cơ sở đó thực hiện bồi thường thiệt hại cho chủ tàu, chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối để cấp cho từng người lao động theo danh sách đã thống kê trên.
Căn cứ đối tượng thiệt hại được xác định bồi thường do sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và định mức bồi thường thiệt hại, UBND tỉnh thực hiện kiểm tra, rà soát, xác định tổng mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng thuộc địa phương quản lý gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính tổng hợp trước ngày 5/10/2016. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thẩm tra, xác định kinh phí bồi thường của từng địa phương gửi Bộ Tài chính tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 10/10/2016.
Thanh Ngọc