Chống phân bón giả, kém chất lượng: Quy trách nhiệm người đứng đầu
“Phải quy trách nhiệm cho lãnh đạo các địa phương nếu để tình trạng cá nhân, tổ chức làm phân bón giả, kém chất lượng trên địa bàn” – ông Nguyễn Hạc Thúy – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam đưa kiến nghị.
Phân bón giả bị thu giữ tại Bình Định. |
Theo ông Thúy, tình hình phân bón giả, phân bón kém chất lượng luôn âm ỉ gây thiệt hại cho bà con nông dân. Gián tiếp gây lên tình trạng sản xuất thất thường, được mua thì mất giá và được giá thì lại mất mùa, thiên tai, dịch bệnh, ngập mặn, hạn hán, bão lụt... Lo ngại hơn, nó đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xây dựng thương hiệu trong nước cũng như quốc tế về nông sản.
Việt Nam đã xuất khẩu gạo được 20 năm nhưng vẫn chưa có thương hiệu quốc tế. Trong khi đó, Campuchia – một quốc gia đi sau Việt Nam – tại Hội chợ Thương mại Lương thực quốc tế 2014, gạo thơm Phka Romdoul (gạo lài Campuchia) đã được xếp hạng gạo ngon nhất thế giới. Đất Campuchia giống như đất Đồng bằng sông Cửu Long, chỉ cách nhau con sông nhưng họ vì sao họ đạt được điều đó, bởi vì Campuchia nghiêm túc thực hiện quy trình sử dụng phân bón hữu cơ khép kín và các quy chuẩn về phân bón hợp lý.
Ở ta, xác định tầm quan trọng của phân bón, nhà nước đã có nhiều Nghị định, Thông tư như Nghị định 113, 191, 15, 163, 185 và mới đây nhất là Nghị định 202... và các Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã ban hành 8 Thông tư liên quan đến vấn đề quản lý hoạt động sản xuất – kinh doanh phân bón. Tuy nhiên, có một thực tế hết sức đáng buồn là tình hình sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn tiềm ẩn, gây bức xúc và thiệt hại lớn cho không chỉ người nông dân mà cả nhà nước. Thủ đoạn làm phân bón giả, kém chất lượng thì cũng ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. Nó phát triển không chỉ trong cơ sở sản xuất, trong các đại lý kinh doanh phân bón mà cả các phòng kiểm nghiệm, kiểm định.
Diễn biến phức tạp là vậy nhưng việc xử lý cũng lại có không ít vấn đề, có dấu hiệu của bảo kê, lợi ích nhóm tham gia tiếp tay cho gian thương. Đây là những “quả bom nổ chậm” phá hoại Nghị định, Thông tư, bóp méo sự thật, bóp méo pháp luật, gây thiệt hại hàng cho hàng chục triệu nông dân và nền nông nghiệp Việt Nam nhiều năm qua. Như trường hợp Công ty CP Quốc tế Đông Trung (Lâm Đồng), đăng ký hàm lượng dinh dưỡng trên giấy phép, bao bì NPK là 53% nhưng kiểm tra chỉ đạt 8,2%. Hay như trường hợp Công ty Đông Hải (Đà Nẵng), hàm lượng đăng ký là 53%, kiểm định chỉ có gần 3%... Làm phân bón kiểu như vậy có khác nào đem bán đất cho người nông dân vì bản thân đất tự nhiên ở nước ta nhiều vùng đã có hàm lượng dinh dưỡng tương tự như phân bón giả nêu trên.
Vì sao lại có hiện tượng này? Đó là vì hệ thống sản xuất phân bón của Việt Nam là tự phát, chưa được quy hoạch cụ thể, chưa được kiện toàn. Các Nghị định, Thông tư về quản lý, tổ chức kiểm định phân bón chưa được hợp lý, chưa bám sát thị trường, nội dung, tiêu chí, chế tài chưa đủ mạnh để răn đe...
Từ thực tế trên, ông Thúy cho rằng cần phải sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định 202. Cụ thể: Quy trách nhiệm cho lãnh đạo các địa phương nếu để tình trạng cá nhân, tổ chức làm phân bón giả, kém chất lượng trên địa bàn. Tổ chức phân cấp nhà nước chỉ cần một bộ quản lý, hoặc là Bộ Công Thương, hoặc là Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chứ không thể để như hiện nay, Bộ Công Thương quản lý 90% phân vô cơ, Bộ Nông nghiệp phụ trách 10% phân hữu cơ. Tăng mức chế tài xử phạn đối với cơ sở, cá nhân sản xuất kinh doanh phân bón; các cá nhân, tổ chức, các trung tâm kiểm nghiệm, kiểm định; các cá nhân, tổ chức khi tác nghiệp tham gia lợi ích nhóm, bao che, bảo kê, đồng lõa cho gian thương vi phạm pháp luật về phân bón giả, kém chất lượng...
Thanh Ngọc