'Sài Gòn thất thủ' và hội chứng... 'nhìn là biết'
“Nhìn là biết” đang là một trạng thái có xu hướng trở thành một “căn bệnh” của nhiều người trong cuộc sống hôm nay!
Hai trận mưa lớn trong chiều ngày 26 và 27/09 vừa qua đã tạo nên hai trận ngập lụt được gọi là “lịch sử” tại TP.HCM. Có lẽ không cần thiết phải dùng từ ngữ để diễn tả lại hai trận ngập lụt này, bởi đã có rất nhiều hình ảnh, video về nó được đăng tải và lan truyền như vũ bão trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội ngay sau đó rồi!
Tất nhiên, sẽ có rất nhiều trạng thái cảm xúc với những ai là nạn nhân trực tiếp của trận ngập lụt đó của thành phố; thậm chí chỉ là người biết thông tin qua kênh báo chí và mạng xã hội facebook thôi cũng sẽ không khỏi có những những băn khoăn.
Sài Gòn ngập nặng sau mưa (Ảnh: Z) |
Không thấy băn khoăn sao được khi thành phố hoa lệ nhất nước lại nhanh chóng “thất thủ” sau một cơn mưa; không thể không băn khoăn khi sau bao nỗ lực chống ngập của chính quyền thì thành phố giờ đây chỉ còn ngập một điểm duy nhất thôi: toàn thành phố; và người ta cũng cảm thấy băn khoăn khi rất nhiều tỷ đồng cho chương trình chống ngập thành phố đã triển khai nhưng vì sao chưa hiệu quả như mong muốn…
Những băn khoăn đó là điều dễ hiểu với những ai đang sống và quan tâm thật sự đến bộ mặt của thành phố này.
Nhưng, phần đông không chỉ có những băn khoăn như vậy mà họ tỏ ra vô cùng thất vọng, bức xúc và thậm chí lớn tiếng chỉ trích, lên án về công tác chống ngập của chính quyền thành phố. Tất cả những trạng thái cảm xúc này bao trùm trên mạng xã hội facebook hai ngày qua; nó tạo ra không khí xã hội âm u không khác gì bầu trời Sài Gòn trong chiều mưa bão.
“Ôi cuộc sống của tôi sao trở nên thế này?”, “Các ông chống ngập kiểu làm sao…hay là các ông…?”. Đúng là, nếu chỉ nhìn qua hiện tượng: “trời mưa” và kết quả “ngập” thì người ta sẽ rất dễ dàng buông ra những lời ca thán, thất vọng, bức xúc hoặc lên án như những gì đang bày ra trên facebook. Người ta nói, “Sài Gòn thất thủ” sau mưa, nhưng ở đây thật ra thì lòng người mới thất thủ!
Bất cứ việc gì cũng vậy, nếu chỉ nhìn qua hiện tượng mà lập tức phán xét thì rất “con nít”. Song dường như giờ đây, việc “nhìn là biết tuốt” rồi “ném đá” như vậy đã trở thành một thói quen trên mạng xã hội rồi.
Việc TP.HCM ngập sẽ có những nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, nhưng nếu không chỉ “nhìn là biết”, hẳn người ta đã hiểu rằng sẽ không riêng gì TP.HCM mà có thể nhiều thành phố khác trên thế giới này đều chắc chắn sẽ ngập nếu như có một cơn mưa kéo dài, vũ lượng rất lớn, kết hợp với đỉnh triều cường như trường hợp tại TP.HCM hai ngày vừa qua.
Bằng chứng là theo đo đạc của Trung tâm chống ngập thì những cơn mưa vừa qua đều có vũ lượng vượt gấp 2-3 lần so với công suất thiết kế của hệ thống thoát nước hiện tại của thành phố; cơn mưa lại kéo dài cả hàng giờ đồng hồ. Thế thì quả thật là ông trời có xuống cứu, thành phố cũng sẽ không thể tránh khỏi chuyện ngập!
Khi hiểu vấn đề như vậy, có lẽ sẽ chẳng có mấy ai mang một trạng thái cảm xúc tiêu cực thái quá về chuyện thành phố ngập như hai ngày qua.
Người ta hẳn cũng chưa quên chuyện đám đông cư dân mạng đã sỉ vả cô gái chạy ra từ đám cháy quán karaoke ở Hà Nội với chiếc áo lót trên tay như thế nào. Đó là ngập tràn hai chữ “cave”, cùng những lời khinh bỉ đáng sợ nhất dành cho cô gái. Đến mức cô gái ấy đã phải thốt lên đầy đau đớn rằng: “Có lẽ nào tôi chết trong đám cháy ấy còn tốt hơn là may mắn sống đến bây giờ để nhận những lời miệt thị từ các bạn?”
Hình ảnh này khiến cô gái vừa thoát chết bị mỉa mai |
Vì sao một cô gái vừa thoát chết lại bị người đời đối xử như vậy? Dễ hiểu là với cách “nhìn là biết” thì hình ảnh một cô gái quần áo xộc xệch chạy ra từ quán karaoke, trên tay lại còn áo ngực úp mũi thì người ta chắc chắn đó là “gái hư”.
Nhưng rồi sau đó, không biết những người đã mỉa mai cay nghiệt với cô gái kia có cảm thấy ngượng ngùng, xấu hổ gì không khi chợt biết ra rằng, hóa ra cô gái ấy đã quá thông minh thoát khỏi đám cháy với cái áo lót trên tay.
Nhắc lại câu chuyện này để thấy rằng, việc “nhìn là biết” và “ném đá” dường như đã trở thành một thói quen trong đời sống hôm nay. Mà khi “nhìn” kiểu đấy, người ta rất dễ sẽ đi lạc đường, té ngã dù Sài Gòn có “thất thủ”, đường có chìm trong nước hay không!
Trúc Vân