Chính sách tiền tệ trước bài toán cân bằng các mục tiêu
NHNN đang đứng trước nhiều mục tiêu đan xen vừa hỗ trợ tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, lại vừa phải giữ mặt bằng lãi suất, tỷ giá ổn định.
Xoay xở trong thế lưỡng nan
Trong suốt những năm qua, CSTT luôn phải gánh vác nhiều mục tiêu: ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, hỗ trợ DN, thúc đẩy tăng trưởng... Năm 2016 cũng không ngoại lệ. Từ đầu năm đến nay, NHNN tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để ổn định thị trường tiền tệ, giữ ổn định mặt bằng lãi suất, tạo điều kiện cho các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hỗ trợ cho nền kinh tế.
Đến 31/8/2016, tín dụng toàn ngành tăng 9,67%, lãi suất cho vay giảm 0,5%/năm dù chịu rất nhiều sức ép…
Theo TS. Võ Trí Thành - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, thời gian qua, dường như CSTT có chút nới lỏng để đạt mục tiêu tăng trưởng của Quốc hội, Chính phủ đề ra. Dù đạt được kết quả tích cực, nhưng NHNN không nên chủ quan với công cụ điều hành và nhất là phải đảm bảo mục tiêu xuyên suốt là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát của mình.
Về lâu dài, để xử lý vấn đề bất cập chính sách đa mục tiêu, theo TS. Cấn Văn Lực phải làm rõ tính mục tiêu của NHNN |
Nếu chỉ đơn thuần với một mục tiêu ổn định kinh tế, kiểm soát lạm phát thì NHNN có thể điều chỉnh tăng lãi suất theo tín hiệu thị trường. Còn nếu để đạt được cả trọng trách hỗ trợ tăng trưởng thì NHNN không thể làm như vậy, mà ngược lại phải giảm lãi suất để thúc đẩy cung tín dụng tăng. Tín dụng tăng nhanh thì lại tác động ngược đến lạm phát.Một thành viên khác của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia nhìn nhận: NHNN đang nới lỏng CSTT nhưng trong thận trọng chứ không phải nới bung như giai đoạn 2001 - 2010 khi mà tín dụng tăng trưởng lên đến 30%. NHNN đang đứng trước nhiều mục tiêu đan xen vừa hỗ trợ tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, lại vừa phải giữ mặt bằng lãi suất, tỷ giá ổn định.
“Chính vì thế NHNN luôn bị đặt vào thế tiến thoái lưỡng nan vừa phải làm cái này nhưng vẫn phải làm cái kia mà không làm không được. Vì chính sách đa mục tiêu, nên NHNN phải linh hoạt trong điều hành, có những ứng biến, quyết sách hợp lý. Xét ở góc độ này, thời gian qua, NHNN đã vượt qua bài test của thị trường khá tốt”, vị chuyên gia trên nhận xét.
Cân bằng các mục tiêu
Ưu điểm của chính sách đa mục tiêu là tương đối linh hoạt, uyển chuyển nhưng các chuyên gia này cũng chỉ ra nhược điểm là NHNN không đạt mục tiêu lâu dài cũng như không tránh khỏi những “phản ứng” phụ. Ông lấy ví dụ, thời gian qua, NHNN đã sử dụng công cụ tín phiếu khá tốt qua thị trường mở, điều hòa lượng tiền cung ứng, giữ mặt bằng lãi suất ổn định, tăng dự trữ ngoại hối...
Song cũng không loại trừ khả năng có những thời điểm lượng tiền NHNN hút về không được như mong muốn. Vì thế, theo TS. Võ Trí Thành có ba lý do khiến chúng ta phải hết sức thận trọng trong việc kiểm soát cung tiền và tín dụng trong thời gian tới.
Thứ nhất, nguy cơ nợ xấu vẫn còn khá là hiện hữu. Cho nên vấn đề ở đây là mở rộng cung tín dụng nhưng chất lượng vẫn phải được kiểm soát tốt. Thứ hai là áp lực đối với tỷ giá, lãi suất giảm nhưng vẫn cần đề phòng những tháng cuối năm. Đơn cử, bà Janet Yellen, Chủ tịch FED đang phát đi khả năng FED tăng lãi suất dù mức điều chỉnh dự báo là không nhiều. Đây là yếu tố cũng phải tính toán trong bài toán tổng thể.
Áp lực sẽ lại càng lớn nếu nhà điều hành vẫn theo hướng nới lỏng chính sách. Vấn đề thứ ba, theo phân tích của TS. Thành cũng khá quan trọng là trong bối cảnh ngân sách hết sức khó khăn, nới lỏng tiền tệ có thể tạo ra một kỳ vọng tâm lý không tốt về khả năng ổn định kinh tế vĩ mô.
Do đó bên cạnh việc hỗ trợ tăng trưởng NHNN vẫn phải đảm bảo các mục tiêu ổn định vĩ mô. Quan trọng nữa đó là phải cho thị trường thấy được tính kỷ luật của ngân sách được củng cố nhanh, mạnh và rõ ràng. Nếu không thị trường sẽ mất lòng tin. Vì thế, vị này hy vọng, NHNN tiếp tục kiên định trong việc duy trì điều hành CSTT linh hoạt, đảm bảo hỗ trợ tăng trưởng về chất lượng thay vì số lượng.
“Thiếu lòng tin vào sự ổn định, trước mắt cũng như trong trung hạn, điều đó là không tốt”, TS. Thành cảnh báo. Cùng chung quan điểm, khối nghiên cứu của HSBC cũng đã khuyến nghị nên thận trọng khi sử dụng các chính sách khuyến khích kinh tế, nhất là khi hiệu quả công cụ chính sách tài khóa của Chính phủ vẫn còn hạn chế.
Về lâu dài, để xử lý vấn đề bất cập chính sách đa mục tiêu, theo TS. Cấn Văn Lực phải làm rõ tính mục tiêu của NHNN, đồng thời phân vai Bộ Tài chính phải cụ thể hơn. Như hiện nay, NHNN đang gánh vai cả cho chính sách tài khóa.
Còn để giữ được mục tiêu trước mắt, từ nay đến cuối năm, ông Lực cho rằng, trong điều hành CSTT không chủ quan với lạm phát. Muốn làm việc đó NHNN phải bám sát diễn biến tình hình thị trường cả trong nước và quốc tế, nhất là theo dõi sát khả năng FED tăng lãi suất cũng như việc điều chỉnh tỷ giá của những nước có quan hệ thương mại đầu tư lớn với Việt Nam.
Câu chuyện phối hợp chính sách đặc biệt với chính sách tài khóa, chính sách kiểm soát giá cả phải tiếp tục được thực hiện tốt hơn. Đối với tín dụng, quan điểm của TS. Lực là nên kiểm soát ở mức tăng trưởng 16 - 18% là phù hợp với dự kiến tăng GDP 6,1 – 6,3%. Sử dụng nhiều công cụ để giữ ổn định mặt bằng lãi suất, kể cả trong bối cảnh áp lực lạm phát có thể bị tăng lên, là đề xuất của TS. Lực để tránh xáo trộn về tâm lý thị trường.
Mặt khác, NHNN cần phải khẩn trương hoàn thiện Đề án tái cơ cấu các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn II. Đây là một trong những vấn đề hết sức quan trọng trong câu chuyện tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế giai đoạn II cũng như là tầm quan trọng việc thúc đẩy tiến trình xử lý nợ xấu.
Có thể nói, trong 5 năm qua, các công cụ CSTT được sử dụng rất thận trọng. Mặc dù có những thời điểm tăng trưởng thấp và gặp nhiều khó khăn nhưng NHNN vẫn duy trì sự cẩn trọng này để đảm bảo mục tiêu xuyên suốt ổn định kinh tế vĩ mô.
Đến thời điểm này, các chuyên gia cũng như thị trường vẫn kỳ vọng chính sách này tiếp tục được duy trì trong những năm tới. Bởi, việc sử dụng mô hình nới lỏng CSTT để thúc đẩy tăng trưởng sẽ gặp rất nhiều rủi ro nhất là đối với các nước đang phát triển nền tảng kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc.
Hà Thành