Có tiền nên đầu tư hay gửi tiết kiệm?
Lãi suất tiền gửi cao nhất của một số ngân hàng hiện lên đến 8-8,2% một năm nên nhiều người vẫn chọn ngân hàng là nơi cất trữ tiền nhàn rỗi của mình.
Hiện nay, khách hàng gửi tiền tại Ngân hàng Bản Việt với kỳ hạn 18 tháng có thể nhận được mức lãi suất lên đến 8,2% một năm. Còn tại TPBank lãi suất gửi cao nhất 7,9% khi khách gửi 37 tháng, trong khi tại VPBank khách sẽ được hưởng 8% khi gửi trực tuyến kỳ hạn 36 tháng, còn kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng, lãi suất cũng dao động 5,5-7% một năm.
Chị Nhàn, nhân viên văn phòng một công ty du lịch ở quận 10, TP HCM cho biết, đầu tháng 9 vừa rồi, chị có mang một tỷ đồng đến chi nhánh ngân hàng cổ phần trên đường 3/2 gửi kỳ hạn 18 tháng, lãi suất hơn 7,5%.
Chị Nhàn chia sẻ, do tính chất công việc phải đi thường xuyên nên không thích hợp để kinh doanh. Mặt khác, các kênh đầu tư như chứng khoán, vàng, đặc biệt là bất động sản thì chị không dám tham gia vì ít am hiểu, lại ngại rủi ro. "Khi kinh tế trong tình trạng còn nhiều khó khăn như hiện nay thì gửi tiết kiệm là an toàn mà vẫn có lãi, ít ra là đủ bù đắp trượt giá. Do đó, tôi quyết định gửi tiết kiệm dài hạn", chị nói.
Lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng đang dao động ở mức tương đối cao nên cũng thu hút được khách gửi tiền. Ảnh: PV. |
Chị Thanh chia sẻ thêm, trước đây chị hay gửi ngắn hạn, nhưng nay thấy số tiền nhàn rỗi này chưa có kế hoạch sử dụng, trong khi lãi suất kỳ hạn dài lại cao hơn nhiều so với ngắn nên chị chuyển sang gửi dài hạn. Hiện nay kỳ hạn dưới 6 tháng tại nhà băng chị đang gửi là 6%, trong khi kỳ hạn 18 tháng tới 8%. Theo tính toán của chị, với số tiền 400 triệu đồng hiện tại, gửi kỳ hạn 18 tháng thì mỗi tháng chị có khoảng 2,7 triệu đồng tiền lãi, cao hơn gần 700.000 đồng so với kỳ hạn ngắn (2 triệu đồng của mức lãi 6%).Chị Thanh, nhà quận Bình Tân cũng tâm sự, năm rồi chị mang 500 triệu đồng đầu tư chứng khoán. Sau một năm, chị thua lỗ gần 100 triệu"Tuần rồi, tôi quyết định bán hết và mang đi gửi tiết kiệm", chị bộc bạch và cho rằng, so với chỉ số lạm phát hiện nay thì lãi suất tiền gửi vẫn tương đối cao, lại không sợ rủi ro mất vốn.
Một lãnh đạo của Ngân hàng Á Châu cho biết, 8 tháng đầu năm nay, lượng vốn huy động của ngân hàng khá khả quan, trong đó cơ cấu huy động theo kỳ hạn của ACB đang có xu hướng chuyển dịch sang kỳ hạn dài hơn.
Trao đổi với VnExpress, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh cũng thông tin, trong 8 tháng đầu năm nay, các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố đã huy động được 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 8,9% so với đầu năm, còn so với cùng kỳ, con số này tăng tới 20,2%.
Đánh giá vấn đề này, các chuyên gia cho rằng xu hướng nhiều người vẫn chọn gửi tiết kiệm là điều dễ hiểu. Bởi hiện nay thị trường vàng thì khá đìu hiu lại diễn biến khó lường, trong khi tích trữ ngoại tệ trong bối cảnh này cũng chưa thực sự có lợi vì giá đứng yên suốt thời gian dài. Riêng bất động sản, từ đầu năm đến nay cũng có khởi sắc, nhưng tùy phân khúc và đòi hỏi khách hàng phải có số vốn tương đối lớn.
Lãnh đạo Ngân hàng HSBC Việt Nam nhận định, lãi suất huy động sẽ không có nhiều biến động trong giai đoạn từ nay đến cuối năm. Do đó, việc gửi kỳ hạn dài cũng là điều mà nhiều người có thể cân nhắc.
Hoài Thu