Đội tuyển karatedo Việt Nam: Chấn thương và nỗi buồn
Đội tuyển karatedo VN luôn là một trong những đội gánh trọng trách giành nhiều huy chương nhất cho TTVN tại các kỳ đại hội thể thao. Thế nhưng dường như sự quan tâm của ngành thể thao với môn võ này vẫn chưa thực sự tương xứng. Điều đó được thể hiện rõ nhất trong việc chạy chữa chấn thương, vốn đang trở thành “đại dịch” cho các tuyển thủ ở ĐT karatedo hiện nay...
Bỏ nghề mới mong hết chấn thương
Sau nhiều năm làm dẫn dắt học trò, HLV Lê Công cho rằng chấn thương bắt nguồn từ việc thể chất VĐV VN không tốt, việc tập luyện thiếu bài bản và đa số đều tập nặng từ bé nên khi vào đỉnh cao là “hỏng”. Ngoài ra điều kiện tập luyện tại VN cũng chưa tốt, hồi phục kém và đặc biệt là sự mất tập trung của các VĐV từ những tác động ngoại cảnh.
Thực tế thể thao thành tích cao khó tránh được chấn thương. Riêng karatedo, môn võ đòi hỏi sức mạnh và tốc độ, các VĐV thường chấn thương ở gối, cổ chân, khớp vai, mu bàn chân… Karatedo lại là môn đối kháng nên các VĐV cũng hay gặp những chấn thương liên quan đến quai hàm, ức ngực, đầu, mắt… Tất cả những dạng chấn thương này đều khó khắc phục bởi liên quan đến vận động hàng ngày.
Hiện tại theo HLV Lê Công, chấn thương của Vũ Nguyệt Ánh (HCV Asian Games 15, HCB Asian Games 16) là nặng nhất. Nặng là do sau hơn 10 năm theo nghiệp, Nguyệt Ánh “hội tụ” đủ những chấn thương kể trên. Trước Ánh, Hải Yến cũng bị chấn thương nặng phải giải nghệ. Gần đây Hoàng Ngân phải sang Nhật để phẫu thuật và vẫn chưa bình phục hoàn toàn. Dưới thời HLV Lê Công, ông không thể đếm hết có bao nhiêu trường hợp chấn thương rồi sau đó giải nghệ. Ngay cả năm nay ĐT đa phần là VĐV trẻ nhưng hầu như VĐV nào cũng “mang theo” chấn thương lên tuyển. Trường hợp của Nguyệt Ánh thường xuyên phải tiêm thuốc giảm đau nhưng theo HLV Lê Công thì cách chữa trị này như con dao 2 lưỡi và ông đã khuyên Ánh nghỉ thi đấu nhiều lần. Chỉ có nghỉ may ra mới hy vọng ít ra chấn thương sẽ không nặng hơn.
Vẫn còn biện pháp nữa là can thiệp bằng phẫu thuật. Tuy nhiên đã nhiều lần ông Công đề xuất cho Ánh đi phẫu thuật nước ngoài (Đức) mà vẫn chưa được giải quyết. Mấy chục năm qua ĐT karatedo mới chỉ có 5-6 trường hợp được nhà nước cho đi phẫu thuật, đa số đều thực hiện tạ các bệnh viện trong nước. Không còn cách nào khác, thầy trò HLV Lê Công phải tự điều chỉnh bằng phương pháp nội công và các bài thuốc dân tộc nhưng cũng chỉ mang tính cầm cự.
Chuyện của Nguyệt Ánh
“Tôi cũng chỉ xác định cố thi đấu hết SEA Games năm nay là sẽ giải nghệ. Trong thời gian từ nay đến đó, tôi mong được phẫu thuật dứt điểm chứ khi mình nghỉ rồi khó xin lắm. Thể thao khắc nghiệt thế anh ạ.”, những tâm sự buồn của Nguyệt Ánh nói lên thực trạng hiện nay của thể thao nước nhà. Với các VĐV, khi còn cống hiến thì còn mong được nhà nước hỗ trợ. Chứ khi đã nghỉ, sẽ rất khó khăn.
Xót học trò, HLV Lê Công đã tự bỏ tiền chữa chạy cho Nguyệt Ánh nhiều lần và ông cũng không ít lần khuyên Ánh nghỉ. Tuy nhiên ngoài lý do mà Ánh nếu ra ở trên thì VĐV người Hải Phòng này vẫn muốn ở lại ĐT là để dẫn dắt đàn em hết SEA Games cuối năm nay.
Chấn thương là chuyện đa số VĐV chấp nhận bởi tất cả đã xác định từ đầu rằng theo thể thao là phải biết hy sinh. VĐV nhận thức được điều đó nhưng ngành thể thao cũng cần có những hỗ trợ đúng mức. “Thực tế, trong hoàn cảnh khó khăn chung của đất nước, lãnh đạo ngành cũng đã quan tâm nhiều nhưng cần quan tâm sâu sát hơn, nhanh hơn. Cụ thể trường hợp của Ánh rất cần được phẫu thuật ở nước ngoài để đảm bảo cho tương lai sau này của em”, HLV Lê Công trăn trở.