Công trình y học đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh
Cứu sống nhiều bệnh nhân ung thư
Thực sự là tin vui khi cụm công trình chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý khác của nhóm tác giả, mà trong đó người đứng đầu là GS.TS Mai Trọng Khoa, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu đã được Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học Công nghệ năm 2016. Điều đáng vui hơn là phương pháp chẩn đoán, điều trị ung thư của cụm công trình này đã cứu sống nhiều bệnh nhân kể cả ở giai đoạn cuối, làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong bệnh nhân ung thư. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với GS.TS Mai Trọng Khoa về cụm công trình được Giải thưởng Hồ Chí Minh này.
PV: Trước hết, xin chúc mừng GS và các cộng sự đã được Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng cao quý nhất về khoa học công nghệ.
GS.TS Mai Trọng Khoa: Cảm ơn bạn về niềm vui chung đối với chúng tôi. Và đây là vinh dự rất lớn của nhóm nghiên cứu thuộc Bệnh viện Bạch Mai, là phần thưởng cho sự lao động nghiêm túc, nhiệt huyết của những người làm ngành y chúng tôi. Đây là phương pháp chúng tôi đang thực hiện mỗi ngày, sau khi điều trị cho bệnh nhân, lại cố gắng tìm tòi, học tập cập nhật những kỹ thuật mới để làm sao đạt mục đích cao nhất của điều trị. Vì vậy, khi được tin đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh thật là bất ngờ và hạnh phúc cho chúng tôi.
GS.TS Mai Trọng Khoa |
PV: Thưa GS, ông cho biết cụ thể về cụm công trình này?
GS.TS Mai Trọng Khoa: Đây là cụm gồm 5 công trình tập hợp các kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng vào thực tiễn chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý khác tại Việt Nam theo phương pháp bức xạ ion hóa. Tên công trình là “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa trong chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý khác”. Công trình thứ nhất là nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật chụp cắt lớp phát bức xạ (PET/CT) để chẩn đoán ung thư và bệnh sa sút trí tuệ. Công trình thứ 2: Nghiên cứu ứng dụng một số kỹ thuật xạ trị (Radiotherapy) tiên tiến để điều trị ung thư. Công trình thứ 3: Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật xạ phẫu (radiosurgery) bằng dao gamma quay để điều trị u não và một số bệnh lý sọ não. Công trình thứ 4: Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật xạ trị trong chọn lọc, cấy hạt phóng xạ, điều trị miễn dịch phóng xạ và xạ trị áp sát trong điều trị ung thư. Công trình cuối cùng là nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật miễn dịch phóng xạ và thuốc phóng xạ để chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh nội tiết.
Tổng số sản phẩm khoa học của cụm công trình này bao gồm 154 bài báo trong nước, 13 bài báo quốc tế, 11 báo cáo tại Hội nghị quốc tế, 14 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp (cấp Nhà nước, cấp Bộ, cơ sở), 10 quyển sách đồng thời đào tạo 13 tiến sĩ và 8 thạc sĩ, xác nhận chuyển giao ứng dụng tại 18 bệnh viện trong cả nước. Hội đồng xem xét Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước đã đánh giá cụm công trình này là: Sử dụng năng lượng nguyên tử cho mục đích hòa bình hiệu quả và an toàn.
PV: Với các phương pháp này, thưa GS, việc chẩn đoán, điều trị sẽ được thực hiện như thế nào đối với bệnh nhân?
GS.TS Mai Trọng Khoa: Để hình dung một cách cụ thể, tôi có thể lấy ví dụ trực tiếp là bệnh nhân đồng thời là đồng nghiệp của tôi là PGS.TS Đỗ Quốc Hùng, Viện Tim mạch Quốc gia. Từ năm 2012, bác sĩ Đỗ Quốc Hùng được phát hiện mắc bệnh ung thư phổi đã di căn toàn bộ tủy xương và lên não. Từ tháng 5-2012, bác sĩ Hùng được đưa vào điều trị hóa chất tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu. Tại đây, các bác sĩ đã ứng dụng kỹ thuật chụp PET/CT nhằm chẩn đoán chính xác giai đoạn bệnh và nhìn rõ hình ảnh khối u. Trên cơ sở đó mô phỏng lập kế hoạch xạ trị rồi hướng chùm tia phóng xạ vào đúng khối u và vùng có tế bào ác tính để tiêu diệt. Nhưng điều đáng nói của phương pháp này chính là ở chỗ diệt tế bào ác tính, song các tổ chức xung quanh vẫn được bảo vệ an toàn. Chứ không như phương pháp cũ là diệt cả tế bào ác tính thì đồng thời các tế bào khỏe mạnh xung quanh cũng bị triệt. Với phương pháp điều trị này, bác sĩ Hùng đã khỏi bệnh hoàn toàn và hiện nay thể trạng như một người bình thường.
PV: Là một người trực tiếp làm chuyên môn, GS đánh giá như thế nào về ý nghĩa của kỹ thuật mới trong phương pháp sử dụng bức xạ ion hóa?
GS.TS Mai Trọng Khoa: Việc điều trị ung thư thực tế ở nước ta gặp nhiều khó khăn như chi phí điều trị tăng cao, hiệu quả điều trị lại thấp, tỷ lệ tái phát, tử vong cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong điều trị ung thư thường phải phối hợp nhiều phương pháp phẫu thuật, hóa chất, xạ trị, điều trị trúng đích... Mà trong đó có hơn 50% số bệnh nhân ung thư ở nước ta có chỉ định sử dụng bức xạ ion hóa để chẩn đoán và đặc biệt để điều trị với các kỹ thuật xạ trị chiếu ngoài, chiếu trong, xạ phẫu... Quá trình thực tiễn với kinh nghiệm tích lũy được cùng với các kiến thức cơ bản và kiến thức nâng cao được học tập tại trường ĐH và tại các quốc gia có ngành y học phát triển, chúng tôi đã chủ động, tìm tòi, chọn lọc đưa về ứng dụng tại Việt Nam một số kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa. Nhưng những phương pháp này thích nghi với điều kiện thực tế ở Việt Nam.
PV: Thưa GS, hiệu quả của các phương pháp này có thể đánh giá như thế nào?
GS.TS Mai Trọng Khoa: Đến nay chúng tôi đã thực hiện được hơn 60.000 mẫu xét nghiệm bằng kỹ thuật miễn dịch phóng xạ; hơn 60.000 bệnh nhân ung thư các loại được chẩn đoán bằng kỹ thuật PET/CT, khoảng 3.400 bệnh nhân u não và một số bệnh lý sọ não được điều trị bằng dao gamma quay, 6.200 bệnh nhân ung thư được điều trị bằng máy xạ trị gia tốc tuyến tính với kỹ thuật xạ trị điều biến liều… Kết quả cho thấy tỷ lệ phát hiện sớm, chính xác bệnh ung thư tăng và tăng rõ tỷ lệ điều trị thành công. Từ đó tỷ lệ tử vong trong số bệnh nhân ung thư đến khám và điều trị tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu và các cơ sở y tế khác do trung tâm đào tạo và hỗ trợ giảm rõ rệt.
PV: Thế nhưng thưa ông, nếu nói về chi phí thì phương pháp này có "tiền nào của nấy không"?
GS.TS Mai Trọng Khoa: Hoàn toàn là không. Ngược lại còn giảm chi phí cho các bệnh nhân ung thư và chi phí xã hội. Ví như tổng số tiền tiết kiệm được khi ứng dụng các kỹ thuật của cụm công trình này là 88,45 triệu USD, tương đương với 1.945,9 tỉ đồng. Cụ thể đối với kỹ thuật chụp PET/CT: Với 8.475 BN ung thư được chụp PET/CT tại trung tâm của chúng tôi đã tiết kiệm được tổng số tiền chênh lệch là 8,475 triệu USD, tương đương 186,45 tỉ đồng nếu so sánh với kỹ thuật PET/CT tương tự được chụp tại Singapore (chụp PET/CT tại Singapore với giá thành là 2.200 USD/lần, tại Việt Nam là 1.200 USD/lần);
Một đợt xạ trị điều biến liều tại Singapore là 10.00USD, tại Việt Nam là 2.000USD, tại trung tâm đã xạ trị điều biến liều được mô phỏng bằng hình ảnh PET/CT cho hơn 150 bệnh nhân ung thư, tổng số tiền chênh lệch là 1,2 triệu USD, tương đương 26,4 tỉ đồng Việt Nam; Một lần xạ phẫu bằng dao gamma quay tại Mỹ là 25.000USD, tại VN là 2.000USD, với hơn 3.425 ca u não, tổng số tiền chênh lệch là: 78,775 triệu USD, tương đương 1.733 tỉ đồng. Nhiều bệnh nhân nước ngoài ở châu Á bị mắc ung thư và một số bệnh lý khác đã đến điều trị thành công tại Việt Nam.
PV: Cảm ơn GS về cuộc trao đổi này!
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ mắc bệnh ung thư cao nhất trên thế giới. Hằng năm, số người mới mắc bệnh không ngừng tăng lên và một tỷ lệ rất lớn trong số đó đã tử vong. Một trong những nguyên nhân làm tỷ lệ tử vong vì ung thư tăng là do công tác chẩn đoán, phát hiện bệnh thường ở giai đoạn muộn đã di căn và biến chứng. |
Tú Anh