GS.TSKH Nguyễn Mại:
Làm công nghiệp hỗ trợ như “đi trên dây”
Không phải đến bây giờ vấn đề phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ mới được đặt ra.
Và thực tế thời gian qua, để thực hiện công nghiệp hỗ trợ các ngành như dệt may, cơ khí, ôtô hay điện tử, chúng ta đưa ra rất nhiều nghị định, nghị quyết, thông tư, chính sách ưu đãi vốn, đất, thuế thu nhập doanh nghiệp... và sắp tới Quốc hội sẽ thông qua Luật Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa nữa. Ở khía cạnh thực thi, từ bộ đến địa phương, thành lập rất nhiều trung tâm hỗ trợ.
Tuy nhiên,Việt Nam đã và đang thành lập quá nhiều trung tâm hỗ trợ công nghiệp hỗ trợ chung ở địa phương. Ngoài 2 trung tâm mà các chuyên gia Nhật Bản nêu ra thuộc trách nhiệm của Sở Khoa học và Đầu tư và Sở Công Thương các địa phương thì chúng ta còn có các trung tâm, dự án hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ; các hợp tác xã... Những trung tâm đó được lập ra với những nhiệm vụ quan trọng nhưng về cơ sở và con người thì chưa đáp ứng được nên đó là sự rất lãng phí.
Không nước nào có nhiều chính sách công nghiệp hỗ trợ như Việt Nam. Các nước không lập trung tâm tư vấn phát triển công nghiệp hỗ trợ chung cho các ngành như Việt Nam mà chỉ có công nghiệp hỗ trợ riêng cho từng ngành một. Địa phương nào, ngành nào có lợi thế công nghiệp hỗ trợ thì họ lập trước, những gai góc thì lập sau.
Các nước phát triển khi thực hiện công nghiệp hỗ trợ đều chọn cái “đinh” nhất, đó là cải cách các trung tâm hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Tại Nhật, họ lập hơn 600 trung tâm để trợ giúp các ngành nghề riêng. Trong khi đó, ở Việt Nam, các giải pháp đưa ra, cái nào cũng rất hay, nhưng không giải quyết được vấn đề. Nhìn lại Việt Nam, hiện các địa phương đều lập trung tâm hỗ trợ nhưng không đánh giá, kiểm tra khiến các hoạt động của các trung tâm này không hiệu quả. Có mô hình thành công nhưng không được nhân rộng, còn mô hình hạn chế thì không được cải thiện.
Vậy nên, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ chẳng khác nào “đi trên dây”, lơ lửng và dễ xảy chân.
Hải Anh