Thấy gì qua vụ truy nã quốc tế Trịnh Xuân Thanh?
Ngày 16/9/2016, Bộ Công an đã khởi tố, truy nã và đề nghị truy nã quốc tế Interpol với đối tượng Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang.
Trịnh Xuân Thanh, sinh ngày 13/2/1966, bị cáo buộc chịu trách nhiệm để xảy ra thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng tại PVC thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Từ 2007 đến 2013 ông Thanh đứng đầu PVC và Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc, Ban Kiểm soát Tổng Công ty đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, điều hành, thiếu kiểm tra, đôn đốc, giám sát dẫn đến nhiều sai phạm để thua lỗ khổng lồ và rơi vào tình trạng nợ nần.
Ông Thanh bị khởi tố với tội danh: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật Hình sự.
Sự việc được hé lộ vào tháng 6/2016, khi ông Thanh là Phó Chủ tịch Hậu Giang đã có một loạt các sai phạm. Mặc dù, yếu kém trong quản lý, lãnh đạo ở Tổng Công ty PVC, nơi ông Thanh từng giữ chức vụ chủ chốt mà ông Thanh vẫn liên tục được đề bạt đến chức Phó Chủ tịch tỉnh.
Qua công tác kiểm tra, thanh tra đã xác định những sai phạm của ông Thanh là nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, niềm tin của nhân dân, tạo ra dư luận xấu trong xã hội. Ông Thanh đã bị khai trừ ra khỏi Đảng. Tuy nhiên sự vắng mặt của ông Thanh đã gây ra nhiều khó khăn trong công tác điều tra.
Ông Trịnh Xuân Thanh khi đương chức. |
Hiện tại, cũng chưa rõ ông Thanh ở đâu, nhưng ông Thanh được cho là rời Việt Nam vào cuối tháng 7/2016. Trước đó ông Thanh có gửi đơn đến Tỉnh ủy Hậu Giang 2 lần để xin đi nước ngoài chữa bệnh, nhưng chưa được sự đồng ý và không rõ ông ta đi đâu kể từ lúc đó.
Những vụ việc tương tự như ông Trịnh Xuân Thanh trước đó cũng đã xảy ra nhiều, mới đây có vụ ông Dương Chí Dũng có lệnh bắt với tội danh: Tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và bị truy nã quốc tế Interpol. Nhưng ông Dũng đã “cao chạy” trước đó. Cũng rất kịp thời, Interpol Việt Nam đã phối hợp tốt với Cảnh sát Mỹ, nên đối tượng bị đẩy ra khỏi Mỹ khi nhập cảnh và đối tượng bị bắt tại Campuchia.
Vụ án nổi đình nổi đám năm 2011 mang tên: “Dự án trang trại phường Đồng Tâm” xảy ra tại TP Vĩnh Yên, liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của Nguyễn Anh Quân, chủ mưu, cầm đầu các đối tượng lừa đảo. Việc khởi tố để điều tra Nguyễn Anh Quân cũng quá muộn. Quân được xác định vô can cho tới khi có đến 7 đối tượng bị khởi tố trong vụ án.
Ngày 20/12/2011, quyết định khởi tố Nguyễn Anh Quân, Cơ quan Cảnh sát điều tra không xác định được đối tượng đang ở đâu, nên không lấy được lời khai của đối tượng. Quân được xác định cầm đầu vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản nghiêm trọng với số tiền 500 tỷ đồng. Quân được coi là có một cuộc đào thoát hoàn hảo.
Qua phối hợp trao đổi thông tin với cảnh sát Mỹ, được biết vào ngày 23/2/2012 Nguyễn Anh Quân đã bị bắt tại sân bay quốc tế Dulles, Washington, Mỹ theo lệnh truy nã quốc tế của Ban Tổng thư ký Interpol.
Mặc dù, cảnh sát Mỹ biết Quân bị cảnh sát Việt Nam truy nã, song trong đơn xin nhập cảnh Mỹ, Quân đã che giấu điều đó. Cũng vì giữa Việt nam và Mỹ cũng chưa ký Hiệp định tương trợ hình sự nên cũng không được dẫn độ song phương. Quân không được giao cho cảnh sát Việt Nam mặc dù đã bắt được đối tượng.
Tờ báo Washington Examiner còn cho biết Quân đến Mỹ từ Berlin, Đức, còn kịp làm chủ một dự án lớn tại Đức. Hiện tại, Nguyễn Anh Quân vẫn đang sống tại Mỹ mà vẫn chưa đưa được về Việt Nam chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Trên thế giới hiện nay, lưới trời lồng lộng việc xác định đối tượng hiện đang ở đâu thì không khó, thông qua hệ thống truy nã quốc tế của Interpol gồm trên 190 nước trên thế giới đối tượng sớm muộn cũng bị phát hiện. Nhưng để dẫn giải một đối tượng về nước quả là vấn đề nan giải.
Việt Nam hiện mới ký Hiệp định tương trợ tư pháp song phương (trong đó có tương trợ dẫn độ song phương) với hơn 20 nước trên thế giới. Nhưng với những nước có đông người Việt Nam sinh sống thì hiện nay vẫn chưa ký được hiệp định tương trợ tư pháp hình sự.
Thêm nữa, những vấn đề Interpol truy nã là phải bị kết án tù từ 6 tháng trở lên và bị từ chối truy nã quốc tế là những đối tượng phạm tội liên quan đến tôn giáo, chính trị, quân sự và gần đây nhất là các đối tượng bị kết án tử hình.
Truy nã quốc tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác hợp tác cảnh sát quốc tế chống tội phạm, tuy nhiên để thực hiện được nhiệm vụ trao trả còn phụ thuộc rất nhiều vào luật pháp của từng nước
Với những khó khăn trong công tác truy nã quốc tế như vậy, thiết nghĩ công tác giám sát các đối tượng cần được quan tâm đặc biệt của các lực lượng chức năng để tránh rơi vào tình trạng “thả gà ra đuổi”.
Thu Hòa