Cần chế tài bảo vệ người... gây tai nạn?
Đã có quá nhiều vụ việc người đi đường hùa nhau đánh lái xe gây tai nạn gây hậu quả đau lòng.
Vừa qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến vụ việc người đàn ông lái xe máy bỏ chạy và dùng dao, kéo cắt cổ tự sát sau khi gây tai nạn trên quốc lộ 5 (Mỹ Hào, Hưng Yên).
Tiếp xúc với PV, anh Trương Quang Trung chứng kiến tai nạn kể, xe máy do người đàn ông khoảng hơn 30 tuổi điều khiển lưu thông hướng Hải Phòng đi Hà Nội. Đến gần cầu vượt, người này đột ngột chuyển làn sang trái để qua đường khiến xe đầu kéo phía sau phanh gấp và đánh lái để tránh.
Cú phanh làm đầu xe kéo quay ngang, đuôi xe chững lại. Lúc này, xe tải lưu thông cùng chiều phía sau đâm mạnh vào đuôi chiếc đầu kéo. Hậu quả khiến tài xế chấn thương nặng, chân bị kẹp nát.
Ảnh đánh người gây tai nạn |
Thấy vậy, nhiều người dân bức xúc xông vào dọa đánh người lái xe máy gây tai nạn khiến anh này hoảng sợ bỏ lại phương tiện rồi chạy vào căn nhà ven đường. Bất ngờ, anh này vội lấy con dao trong nhà dân để cắt tay rồi tiếp tục lấy kéo đâm liên tiếp vào đầu mình tự sát. Rất may, lực lượng công an nhanh chóng có mặt để đưa nạn nhân đi cấp cứu.
Nhiều ý kiến cho rằng đa phần các vụ va chạm giao thông là ngoài ý muốn, do vậy, người dân không thể xông vào đánh người có lỗi một cách vô thức như thế. Theo đó, thẩm quyền xử lý thuộc về pháp luật chứ không được hành xử theo “luật rừng” của người dân…
Đáng buồn thay, không hiếm người hùa nhau đánh lái xe gây tai nạn, nhưng lại thờ ơ hoặc chẳng dám đuổi bắt khi gặp trộm cướp trên đường. Thậm chí, ngay chốn đông người vậy mà vẫn có những vụ cướp tạo tợn và những ánh mắt thờ ơ làm ngơ vì chỉ sợ vạ lây.
Thiết nghĩ, cần lắm một chế tài pháp luật để bảo vệ lái xe gây tai nạn…
Thực tế đã cho thấy rất nhiều trường hợp lái xe chọn cách bỏ chạy khỏi hiện trường sau khi gây ra tai nạn.
Dưới góc độ tâm lý thì đây là biểu hiện của trạng thái tinh thần hoảng loạn khi gặp những sự cố nằm ngoài tầm kiểm soát, còn dưới góc độ pháp luật, thì thông thường các trường hợp lái xe gây tai nạn rồi bỏ trốn là do quá sợ hãi và muốn trốn tránh trách nhiệm pháp lý từ hành vi gây tai nạn của mình một phần vì nếu ở lại hiện trường thì rất có thể sẽ bị người dân hoặc người thân của nạn nhân hành hung hoặc có hành động quá khích.
Theo quy định tại Khoản 17 Điều 8 Luật giao thông đường bộ quy định về các hành vi bị nghiêm cấm cũng nêu rõ việc bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm là một hành vi bị ngăn cấm.
Tuy nhiên như đã phân tích ở trên, có nhiều trường hợp sau khi gây ra tai nạn giao thông, bản thân người điều khiển phương tiện ý thức được trách nhiệm của mình đối với người bị thiệt hại nhưng do vì những lý do khách quan như là nếu ở lại hiện trường thì rất có thể sẽ bị người dân hoặc người thân của nạn nhân hành hung hoặc có hành động quá khích.
Trong những trường hợp này, pháp luật cho phép người điều khiển phương tiện giao thông có liên quan trực tiếp tới vụ tai nạn được phép rời khỏi hiện trường. Nhưng việc rời khỏi chỉ là tạm thời và sau đó phải đến trình báo với cơ quan công an nơi gần nhất, còn việc bỏ trốn khỏi hiện trường và trốn tránh luôn cả trách nhiệm là hành vi vi phạm pháp luật.
Thảo Phượng