Joachim Loew, người thay đổi bộ mặt tuyển Đức
Thật ra, Klinsmann mới là người đầu tiên mang đến cho đội tuyển Đức một làn gió mới. Nhưng cuộc cách mạng của một danh thủ bóng đá Đức ở World Cup 2006 vẫn chưa xóa nhòa được lối chơi khô cứng của “xe tăng” Đức. Chỉ đến khi Klinsmann nhường lại cương vị HLV trưởng cho người trợ lý Joachim Loew, bộ mặt tuyển Đức mới thực sự thay đổi với triết lý bóng đá tấn công đầy phóng khoáng.
Xét về mặt thành tích ở đỉnh cao bóng đá thế giới, HLV Loew chỉ ngang bằng với người tiền nhiệm Klinsmann. Thế nhưng, chiếc huy chương đồng mà Loew mang về cho bóng đá Đức từ Nam Phi lấp lánh hơn so với màu đồng mà Klinsmann và các học trò đã đoạt được tại kỳ World Cup 2006 trên sân nhà. Lấp lánh hơn với những nhân tố mới trẻ trung và tài năng như Ozil, Khedira, Muller và lấp lánh hơn với một lối chơi đầy tính gắn kết nhưng rất linh hoạt cả trong tấn công lẫn phòng ngự. Hay nói cách khác, lấp lánh hơn về một tương lai tươi sáng cho tuyển Đức. Và cho đến thời điểm hiện nay, tuyển Đức đang tận hưởng một tương lai tươi sáng từ thành quả mà HLV Loew đã gầy dựng ở Nam Phi một năm về trước.
Chiến thắng 3-1 trước Azerbaijan vào rạng sáng qua là chiến thắng thứ 7 liên tiếp của tuyển Đức trong khuôn khổ vòng loại Euro 2012 ở bảng A. Với 21 điểm tuyệt đối sau 7 vòng đấu, đội bóng của Loew đang bỏ xa đội nhì bảng (Bỉ) đến 10 điểm. Và với một HLV luôn tìm tòi những nhân tố mới cũng như những ý tưởng về mặt chiến thuật để lối chơi của tuyển Đức luôn tươi mới, thì những vòng đấu còn lại ở vòng loại Euro 2012 là dịp không thể tốt hơn cho những cuộc thử nghiệm của Loew. Nên nhiều khả năng, những cái tên còn xa lạ trong màu áo tuyển Đức như tiền vệ Toni Kroos, Mario Gotze, hay tiền đạo A.Schurrle sẽ được biết đến nhiều hơn ở Ba Lan và Ukraina vào mùa hè năm sau như những Ozil, Muller và Khedira ở Nam Phi một năm về trước.
Song cái hay của Loew không chỉ dừng lại trong việc luôn tìm tòi những ý tưởng mới về mặt con người và lối chơi để thay đổi hình ảnh cũ kỹ của đội tuyển, mà ông biết duy trì và phát huy một trong những vốn quý không thể thay đổi của tuyển Đức. Đó là kỷ luật chiến thuật. Chính việc duy trì và phát huy tính kỷ luật chiến thuật vốn có của người Đức, mà những ý đồ chiến thuật tươi mới của Loew đã được các học trò thể hiện một cách hoàn hảo. Điển hình như vai trò trung phong ảo mà Muller đã thể hiện ở Nam Phi. Sự thoắt ẩn thoắt hiện quá hoàn hảo của Muller trong các bài toán tấn công là minh chứng rõ nét nhất cho một lối chơi như được lập trình sẵn của HLV Loew.
Theo Báo CATPHCM