Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam
Bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia
Mục tiêu lớn nhất của Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 là phải đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Điều đó khẳng định vai trò của ngành than cho mục tiêu này hết sức quan trọng, ngành than thực hiện tốt nhiệm vụ hay không còn tùy thuộc vào rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết trước mắt.
Chủ động xoay nguồn vốn “khủng”
Sau nhiều lần điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030, buổi công bố Quy hoạch do Bộ Công Thương chủ trì ngày 31-8 mới đây đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, các câu hỏi lớn hầu hết được tập trung vào Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng Bộ Công Thương Nguyễn Khắc Thọ. Đầu tiên là việc ngành than tập trung cho mục tiêu khai thác hiệu quả phục vụ tốt nhu cầu trong nước với sản lượng than thương phẩm sản xuất toàn ngành nêu rõ trong quy hoạch ở nhiều giai đoạn đạt khoảng 41-44 triệu tấn vào năm 2016; 47-50 triệu tấn vào năm 2020; 51-54 triệu tấn vào năm 2025 và 55-57 triệu tấn vào năm 2030.
Theo Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho ngành than đến năm 2030 lên đến hơn 269.000 tỉ đồng. Với nguồn vốn khổng lồ trên, dự kiến sẽ thu xếp từ vốn tự có, vốn thương mại, vay ưu đãi, huy động qua thị trường chứng khoán và các nguồn vốn hợp pháp khác. Dư luận cũng đặt câu hỏi về “mục tiêu phát triển ngành than bền vững” được thể hiện như thế nào trong quy hoạch, trong khi thực trạng của ngành than hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ông Nguyễn Khắc Thọ, hiện ngành than đối mặt với rất nhiều khó khăn. Trước hết, ngày càng khai thác xuống sâu dưới lòng đất, vận tải ngày càng xa nên chi phí cho ngành sẽ rất lớn.
“Chúng tôi đã chỉ đạo ngành than phải giảm chi phí, hội nhập sâu với thị trường cạnh tranh khốc liệt. Chúng tôi cũng đang xây dựng một cơ chế đặc thù để làm sao bảo đảm đủ điều kiện về khai thác, thăm dò, môi trường và cả giá để ngành than thực hiện quy hoạch này. Thực hiện quy hoạch này thì mới thực hiện được nhiệm vụ cơ bản, trọng yếu của ngành là đáp ứng tối đa nhu cầu than cho phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng tiêu thụ trong nước, đặc biệt là cho nhiệt điện, bảo đảm an ninh năng lượng” - ông Thọ nói.
Hiện tại ngành Than đang khai thác trong điều kiện khó khăn, dù toàn ngành đã và đang thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí, cũng như nâng cao quản trị doanh nghiệp để tiết kiệm tối đa. Mặt khác, những năm gần đây ngành than bị ảnh hưởng bởi giá than thế giới giảm sâu và kéo dài, trực tiếp là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã phải có những thay đổi trong điều hành sản xuất, kinh doanh để vừa đảm bảo phát triển ngành than, vừa sử dụng hiệu quả vốn đầu tư, đảm bảo việc làm cho cán bộ, công nhân mỏ.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng Nguyễn Khắc Thọ trả lời các câu hỏi liên quan đến quy hoạch ngành than |
Tạo cơ chế đặc thù cho ngành
Trong khi đó, theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), từ nay đến năm 2020, công suất nhiệt điện than tăng từ 33,4% lên 42,7% tổng công suất nguồn. Mặc dù đã giảm 5,3% so với Quy hoạch điện VII, nhưng nhiệt điện than trong quy hoạch điều chỉnh vẫn chiếm tỉ trọng đáng kể. Như vậy, nhiệt điện than trong giai đoạn từ nay đến 2030 vẫn là giải pháp cơ bản để đảm bảo an ninh năng lượng, nên việc xây dựng và ban hành quy hoạch than mới là vô cùng quan trọng. Năm 2017, dự kiến sẽ nhập khẩu 4 triệu tấn than cho nội địa và tăng dần đến năm 2030. Tuy nhiên, giá than trên thị trường vẫn lúc lên, lúc xuống, trong khi chi phí khai thác than thì ngày càng tăng do ngày càng xuống sâu, điều kiện vận tải ngày càng xa.
Về mặt quản lý Nhà nước, trên cơ sở xây dựng quy hoạch than này, chúng tôi cũng đã lường đến bối cảnh giá than trên thị trường lúc lên, lúc xuống. Ngoài ra, là mức thuế, phí tài nguyên mới tăng gần đây cũng là trở ngại không nhỏ. Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đang xây dựng một cơ chế đặc thù, đảm bảo đủ điều kiện cho ngành than phát triển theo quy hoạch, bởi chỉ khi đảm bảo quy hoạch này mới có thể cơ bản đảm bảo nhu cầu than cho phát triển kinh tế, xã hội. Bộ Công Thương cũng đã có chỉ đạo để TKV có những giải pháp giảm được chi phí sản xuất xuống mức thấp nhất, cạnh tranh được trên thị trường.
Nâng cao năng lực khai thác
Một khi đã nói về đảm bảo an ninh năng lượng thì phải đi trước một bước. Bởi vậy, việc gia tăng sản lượng khai thác là tín hiệu tốt cho nền kinh tế, nhất là khi nhu cầu cung ứng than cho các nhà máy nhiệt điện sẽ tăng vọt đã được nêu trong quy hoạch. Nhưng vấn đề đặt ra là các mục tiêu sản lượng nêu ra trong bản quy hoạch này có khả thi hay không; hiệu quả kinh tế ra sao và nó có tương xứng cái giá phải trả về môi trường cũng như đất canh tác nông nghiệp?
Hiện nay những mỏ than có thể khai thác lộ thiên hầu như không còn, nên việc tăng sản lượng khai thác trong những năm tới chủ yếu trông chờ vào hoạt động khai thác hầm lò. Đây là công nghệ khai thác đặc biệt khó khăn, phức tạp và không thể cho sản lượng cao như khai thác lộ thiên. Mặt khác, khai thác hầm lò đòi hỏi phải khảo sát, thăm dò kỹ lưỡng, rồi mới xây dựng mỏ và khai thác. Đấy cả là một quy trình tốn nhiều thời gian, công sức và tiền của. Trên thực tế, năng lực khai thác của ngành than có hạn cho nên sản lượng trong bản quy hoạch này được cân đối trên cơ sở phát triển bền vững. Không riêng ngành than mà tất cả các ngành khác cũng đang tập trung cho đầu tư công nghệ. Đầu tư công nghệ mang nhiều ý nghĩa, nhưng đối với ngành than, việc đầu tư sẽ giúp nâng cao sản lượng và có điều kiện điều chỉnh nguồn nhiệt điện than trong cơ cấu năng lượng quốc gia và đây là điểm mới của quy hoạch than lần này. Trước đây, trong quy hoạch không có mục tiêu sản xuất than, nhưng Quy quy hoạch mới có đưa thêm nội dung này, bởi tài nguyên than ngày càng cạn kiệt, khai thác ngày càng xuống sâu, nên một trong những giải pháp là đảm bảo nguồn để khai thác tối đa. Đây cũng là giải pháp đảm bảo môi trường, nâng cao hiệu suất lao động, nâng cao hệ số an toàn cho người lao động trong quá trình khai thác. Một điểm nữa, quy hoạch than mới cũng xem xét đến hiệu quả tổng thể, đảm bảo phát triển hài hòa kinh tế, xã hội ở địa phương.
Về tổn thất than, phấn đấu đến 2020 giảm tỷ lệ tổn thất than khai thác bằng phương pháp hầm lò xuống khoảng 20% và dưới 20% sau năm 2020; tỷ lệ tổn thất than khai thác bằng phương pháp lộ thiên xuống khoảng 5% và dưới 5% sau năm 2020. Quan điểm phát triển tại quy hoạch này là khai thác đáp ứng tối đa cho tiêu thụ trong nước, chế biến, sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm nguồn tài nguyên than của đất nước; đóng góp tích cực vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; ưu tiên đáp ứng nhu cầu trong nước; đảm bảo xuất nhập khẩu hợp lý theo hướng giảm dần xuất khẩu và chỉ xuất khẩu các chủng loại than trong nước chưa có nhu cầu sử dụng.
Mục tiêu của quy hoạch nhằm xây dựng ngành than Việt Nam trở thành ngành công nghiệp phát triển; có sức cạnh tranh cao; có trình độ công nghệ tiên tiến so với khu vực ở tất cả các khâu thăm dò, khai thác, sàng tuyển, chế biến, sử dụng than; đáp ứng đủ than cho nhu cầu sử dụng trong nước, đặc biệt là than cho sản xuất điện.
Nguyễn Kiên