Việt Nam nên tiếp tục phát triển ngành công nghiệp ô tô
Tại hội thảo Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực ô tô Việt Nam tổ chức tại TP HCM ngày 7/9, các chuyên gia khẳng định ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển mặc dù qua hơn 25 năm ngành này vẫn loay hoay chưa tìm được lối ra.
Báo cáo kết quả nghiên cứu về ngành công nghiệp ô tô Việt Nam do Viện Nghiên cứu Công nghiệp sản xuất linh phụ kiện ô tô – Đại học Waseda (Nhật Bản) thực hiện, GS. Kobayashi Hideo - Giáo sư danh dự của Đại học Waseda cho biết, trong 5 nước khu vực ASEAN có ngành công nghiệp ô tô gồm: Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Philippines thì Việt Nam có lượng xe sản xuất và tiêu thụ đều ở vị trí thấp nhất.
Dẫn đầu khu vực ASEAN là Thái Lan với năng lực sản xuất mỗi năm hơn 1,9 triệu chiếc, thứ hai là Indonesia sản xuất hơn 1 triệu chiếc mỗi năm và đứng thứ 3 là Malaysia với khả năng sản xuất 800.000 chiếc/năm. Philippines và Việt nam gần như tương đồng nhau, đang ở trong giai đoạn bắt đầu có sự phát triển với lượng xe xuất xưởng khoảng 250.000 chiếc/năm.
Việt Nam đang tụt hậu trong ngành công nghiệp ô tô |
Sự tụt hậu của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam được đánh giá do lịch sử phát triển còn ngắn, chỉ mới bắt đầu từ những năm 1990. Trong khi đó, những năm 1990 là thời kỳ toàn bộ ASEAN chuyển đổi từ “công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu” sang “công nghiệp hóa hướng tới xuất khẩu” không có dư địa cho phát triển ngành sản xuất linh phụ kiện phục vụ cho công nghiệp ô tô. Hơn nữa, ngành công nghiệp ô tô phát triển trong bối cảnh vừa sản xuất trong nước vừa phải cạnh tranh với các nước trong khu vực nên gặp áp lực cạnh tranh rất lớn.
Theo GS. Kobayashi, để phát triển ngành công nghiệp ô tô trước hết phải có quy mô thị trường và phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho sự phát triển của ngành.
Về quy mô thị trường, Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng rất tốt bởi với dân số 90 triệu dân, tầng lớp trung lưu tăng, thu nhập bình quân đầu người ngày càng được nâng cao, ở mức 2.111 USD năm 2015 và dự kiến sẽ đạt 3.000 USD vào năm 2020… Việt Nam là một thị trường tiêu thụ tiềm năng. Cộng với đó là tiềm năng xuất khẩu với thị trường các đối tác FTAs (AEC, TPP, EVFTA).
Về phát triển ngành sản xuất linh phụ kiện ô tô, tiềm năng của Việt nam cũng được đánh giá cao bởi có năng lực kỹ thuật tích lũy được trong việc là nhà sản xuất linh kiện xe máy. Các nhà sản xuất phụ tùng, động cơ xe máy có thể chuyển đổi sang sản xuất phụ tùng, động cơ ô tô.
Các chuyên gia thảo luận về ngành công nghiệp ô tô Việt Nam tại hội thảo. |
Nói đến tiềm năng cũng không thể không nhìn lại những vấn đề mà ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đối mặt hiện nay. Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thúy – Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công nghiệp (IPSI) thì có 3 vấn đề chính. Thứ nhất là quy mô thị trường hiện còn rất nhỏ, thứ hai là áp lực cạnh tranh sau năm 2018 khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ các nước ASEAN về Việt Nam sẽ bằng 0% và thứ 3 là công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển. Vượt qua những rào cản này thật sự không dễ dàng.
Tuy nhiên, trả lời câu hỏi: Quá nhiều khó khăn như vậy thì liệu Việt Nam có nên tiếp tục phát triển ngành công nghiệp ô tô hay không? Các chuyên gia cho rằng là có. Bởi cùng với tiềm năng của Việt Nam thì đây là ngành công nghiệp có vai trò rất quan trọng. Ở các nước có ngành công nghiệp ô tô phát triển thì ngành này thường đóng góp đến 10% GDP, 10% việc làm, 10% xuất khẩu; tạo động lực phát triển khoa học công nghệ và đổi mới; tạo hiệu ứng lan tỏa cho các ngành công nghiệp có liên quan phát triển như: cơ khí, hóa chất, nhựa – cao su, điên – điện tử…; góp phần cân bằng cán cân thương mại, thay thế nhập khẩu.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đưa ra nhiều gợi ý nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Cụ thể, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ ổn định và liên tục cho doanh nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô duy trì hoạt động sản xuất sau năm 2018; giữ mức tăng nhập khẩu xe nguyên chiếc ổn định, tránh gây áp lực cạnh tranh quá mức cho sản xuất trong nước; phát triển công nghiệp hỗ trợ thông qua hoạt động kết nối kinh doanh, hỗ trợ tài chính, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng phụ tùng, linh kiện ô tô. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh, cải tiến năng suất, giảm chi phí sản xuất, tuân thủ các chuẩn mực kinh doanh, quy tắc ứng xử quốc tế…
Mai Phương