Sự lỗi thời của "phương pháp Wenger"
Những tài năng trẻ trưởng thành theo “phương pháp Wenger” thường chỉ đạt đến mức độ khá và giỏi, chứ kiệt xuất thì có lẽ chỉ rơi vào trường hợp của Cesc Fabregas.
Vào ngày cuối cùng của thị trường chuyển nhượng mùa Đông, Arsenal đã mua thành công tài năng trẻ 19 tuổi Thomas Eisfeld từ Dortmund với giá chuyển nhượng 475 nghìn euro. Một thương vụ tiêu biểu cho triết lý của HLV Wenger, và là một ví dụ cho nỗ lực trẻ hóa, thay máu đội ngũ liên tục ở Arsenal. Nhưng để thực sự trưởng thành và tìm lại với thời kỳ đỉnh cao, họ không thể chỉ “trẻ” theo một cách khá hình thức như hiện nay.
Alex Oxlade-Chamberlain có thể là một điểm sáng của Arsenal mùa bóng này, giống như Alexandre Song, Aaron Ramsey…, những cầu thủ giỏi được ông Wenger trình làng theo cùng một “phương pháp”: Mua họ về từ các đội khác với giá rẻ rồi mài giũa họ đạt đến trình độ hiện tại. Đó là một biệt tài của ông Wenger, nhờ một mạng lưới “săn đầu người” đắc lực và năng lực cảm nhận về những “gu” cầu thủ phù hợp với lối chơi đặc thù của Arsenal.
Nhưng chúng ta có thể nhận thấy rằng trong nửa thập kỷ trắng tay vừa qua, những tài năng trẻ trưởng thành theo “phương pháp Wenger” thường chỉ đạt đến mức độ khá và giỏi, chứ kiệt xuất thì có lẽ chỉ rơi vào trường hợp của Cesc Fabregas. Nó khác với thành công của Thierry Henry, hay Patrick Vieira trước đây. Họ vừa rẻ, vừa trẻ, và có đủ năng lực lẫn môi trường để phát triển đến đẳng cấp thế giới, nằm trong tốp 1-2 cầu thủ giỏi nhất ở vị trí của mình. Quan trọng hơn, họ được đưa về rồi mài giũa thành ngọc quý trong cùng một giai đoạn, làm nên một thế hệ chiến thắng.
Sự suy giảm về mặt tố chất trong những phát hiện mới của ông Wenger những năm qua có thể là một lý do giải thích cho sự suy giảm về chất lượng lối chơi (vốn rất đặc trưng của Arsenal) và kéo theo sự sa sút về mặt bản lĩnh khi đứng trước bài toán danh hiệu. Ông Wenger vẫn phát hiện ra được những cầu thủ có tiềm năng lớn, như Fabregas hay Robin van Persie, nhưng sự phát triển của họ ở đội bóng không có được sự đồng bộ và tính liên tục như thời điểm ông khai phá ra thế hệ của 49 trận bất bại (bên cạnh đó, thì những bản hợp đồng rẻ, nhưng kinh nghiệm của ông Wenger cũng đã tỏ ra không mấy hiệu quả như trước kia).
Sự chênh lệch kinh khủng giữa “điểm” trưởng thành về mặt phong độ của van Persie, cũng là một sản phẩm lớn lên theo “phương pháp Wenger”, và sự non nớt đến ấu trĩ của những cầu thủ trẻ mới được cho ra sân mùa này (Coquellin, Miquel…) phản ánh rằng cách tạo ra một đội bóng của ông Wenger đang dần mất tác dụng, vì nhiều lý do. Vì con mắt nhìn người của ông có thể không còn sắc sảo như trước. Vì những tài năng trẻ đang được bảo vệ kỹ càng hơn, vào thời điểm mà nhân tài bóng đá ngày một khan hiếm. Và vì thành công của một đội bóng được xây dựng kiểu Wenger phải hội tụ đủ các đặc điểm: 1) Tìm ra được cầu thủ có tố chất để phát triển thành một ngôi sao lớn; 2) Tạo ra môi trường đủ tốt để mài giũa họ; và 3) Các cầu thủ được phát hiện theo cách ấy phải được phát triển đồng bộ và mang tính liên tục.
Trong những năm qua, ông Wenger dường như vẫn làm tốt 2 vế đầu, với hai trường hợp của Fabregas và van Persie, nhưng hành trình trưởng thành của họ đã bị ngắt quãng, và biến cả hai thành những “người hùng cô đơn” trong những giai đoạn khác nhau. Trong khi việc quá trung thành với “phương pháp Wenger” đã khiến Arsenal đánh mất rất nhiều cơ hội chiêu mộ những cầu thủ giàu kinh nghiệm để làm bàn đạp cho đội bóng đi lên.
Và khi vị thế đã sa sút đến mức này, sau 6 năm trắng tay, thì Arsenal khó có thể là một môi trường tự đào tạo ra những siêu sao đẳng cấp thế giới, rồi dùng chính họ để đi lên đỉnh cao nữa. Bóng đá đã ngày một tàn nhẫn hơn, để không chờ đợi ai cả. Trường hợp của Fabregas là một ví dụ.
Theo TT&VH