DN phá sản tăng mạnh: Bình thường hay bất thường?
Con số 49.000 DN phá sản trong 9 tháng đầu 2011 có thể gây sốc với nhiều người. Nhưng trên thế giới, sau 10 năm tồn tại, chỉ còn 30% DN tiếp tục phát triển theo đúng con đường của mình. Sự phá sản có thể là nhát cắt đau trong quá trình tái cấu trúc kinh tế và DN.
Quá trình "phá hủy sáng tạo”
Con số gần 49.000 DN phá sản có thể gây "sốc” cho nhiều người nhưng lý giải cụ thể hơn từ VCCI cho biết, con số đó đã bao gồm doanh nghiệp đã dừng hoạt động, dừng nộp thuế, hoặc đã giải thể, phá sản, đóng cửa. Trong đó, phá sản, giải thể là 5.800 doanh nghiệp. So với năm ngoái, số doanh nghiệp khó khăn, phải đắp chiếu này đã tăng lên 11.000 doanh nghiệp. Theo VCCI dự kiến, trước đây, mỗi năm có khoảng 5000-7000 doanh nghiệp phá sản, giải thể. Năm nay, ước khả năng con số này sẽ gấp rưỡi đến gấp đôi so với năm ngoái.
Trong một báo cáo về 10 năm thi hành luật DN, các con số về đăng ký và thực tế hoạt động kinh doanh của DN cũng có một khoảng cách rất xa. Cụ thể, nếu theo đăng ký kinh doanh đến 31/12/2008 là gần 380.000 doanh nghiệp, cộng dồn đến tháng 12/2009 có 460.000 doanh nghiệp đã được khai sinh.
Tuy nhiên, số liệu từ Tổng Điều tra doanh nghiệp năm 2009 thì đến 31/12/2008 có gần 179.000 doanh nghiệp dân doanh (trong tổng số hơn 200.000 doanh nghiệp thuộc tất cả các thành phần kinh tế trên cả nước). Đây có thể coi là những doanh nghiệp đã đăng ký và vẫn còn tồn tại và đang hoạt động. Trong khi đó, dữ liệu từ Tổng cục Thuế, đến hết tháng 3 năm 2009, số DN dân doanh lên tới hơn 270.000.
Như vậy, có nhiều con số khác nhau giữa số DN đăng ký và thực tế tồn tại phát triển kinh doanh. Nhưng cho thấy, giữ đăng ký và thực tế hoạt động luôn có một khoảng cách lớn. Như vậy, số DN phá sản, đắp chiều ngừng hoạt động sau khi đăng ký khá nhiều và đây không còn là một tình trạng mới. Qua các con số trên thì dù số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh lớn nhưng số doanh nghiệp tồn tại được trên thực tế được ước tính xấp xỉ 50%.
Cập nhật số liệu từ VCCI cho thấy, đến nay cả nước đã có trên 600.000 doanh nghiệp đăng ký, số doanh nghiệp có nộp thuế là 450.000. Có trên 70% doanh nghiệp vẫn tồn tại hoạt động sau đăng ký.
Theo đánh giá của các chuyên gia từng tham gia tổ thi hành luật DN cho biết, so với mức trung bình trên thế giới, tỉ lệ đó là hoàn toàn bình thường và không thể được coi là một chỉ số phản ánh chất lượng thấp của các doanh nghiệp được đăng ký.
Theo tổng kết của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), các doanh nghiệp trên thế giới ra đời phần nhiều là nhỏ, sau 3 năm khoảng 25% DN không tồn tại được. Sau 5 năm, số đó còn khoảng 50%. Số còn lại phải giải thể hoặc chuyển đổi hình thức hoạt động hoặc lĩnh vực hoạt động cách xa với ý tưởng ban đầu. Sau 10 năm số tồn tại được chỉ còn 30% tiếp tục phát triển theo đúng con đường của mình. Ngay tại Anh, theo khảo sát của Bộ Sáng tạo Doanh nghiệp và Đào tạo Kỹ năng, tỷ lệ doanh nghiệp còn tồn tại sau ba năm hoạt động chỉ là 70%.
Với thực tế đó, thì sự phá sản DN của Việt Nam không nằm ngoài quy luật. Và con số đó có gia tăng cao hơn trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn cũng là điều đã được dự liệu. Chính vì thế, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 11 với trọng tâm là thắt chặt tiền tệ và đầu tư khi xuất hiện nhiều ý kiến về DN khó khăn do thiếu vốn, lãi suất cao thì nhiều chuyên gia đã cho rằng đó là một nhát cắt đau, một sự trả giá tất yếu và cần thiết nếu muốn đạt mục tiêu chống lạm phát và tái cơ cấu.
Sự sàng lọc tất yếu của chuyển đổi
Trong những năm qua, với điều kiện thuận lợi, Việt Nam đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng các DN khoảng 80.000 doanh nghiệp ra đời mỗi năm. Tuy nhiên, đi kèm với sự bùng nổ số lượng thì một điểm cốt tử của DN Việt Nam là quy mô và năng lực nhỏ yếu và chậm có sự cải thiện.
Với một năng lực nhỏ yếu và chậm cải thiện nhưng tỉ lệ DN tồn tại khá cao cho thấy, thời gian qua, các DN Việt Nam đã được hưởng nhiều thuận lợi để phát triển nhanh một cách dễ dàng. Với sự tồn tại quá nhiều DN nhỏ yếu và chậm phát triển cũng cho thấy sự canh tranh và đảo thải vẫn chưa quyết liệt. Tuy nhiên, khi môi trường gặp khó khăn, các điều kiện thuận lợi không còn thì tất yếu sự thử thách và đảo thải sẽ mạnh hơn.
Phá sản, có thể trong quan niệm chung vẫn còn là một chuyện nặng nề. Tuy nhiên, với quan niện mới, phá sản là hiện tượng kinh tế bình thường. Phá sản hiện nay không chỉ là việc chấm dứt hoạt động mà phá sản tạo cơ tái cấu trúc lại doanh nghiệp để trở lại hoạt động bình thường. Chính vì thế, nhiều luật phá sản trên thế giới đều xem tuyên bố phá sản chỉ là một biện pháp nhằm tái cơ cấu doanh.
Vậy nên, những cuộc khủng hoảng trên thế giới gần đây đều cho thấy, rất nhiều tập đoàn lớn đã tuyên bố phá sản nhưng đó là một biện pháp để đổi mới lại và cải tổ hoạt động sản xuất kinh doanh, cải tổ cơ chế để đáp ứng tôt hơn nhu cầu thị trường. Và dưới góc độ đó, phá sản là việc loại bỏ và đào thải những gì không còn là phù hợp.
Việt Nam đang chuẩn bị thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế. Việc tái cơ cấu nền kinh tế sẽ bắt đầu từ thực thể cơ bản nhất là các DN. Và trong quá trình đó tất nhiên sẽ có sự cắt bỏ những bộ phận, tổ chức kém hiệu quá nhất. Sự thực thì trong chính quá trình đổi mới DN nhà nước, đã có những DN phải chấp nhận phá sản như một sự tất yếu, sự lựa chọn tốt nhất để tạo điều kiện cho DN khác phát triển.
Thậm chí, các chuyên gia cho rằng, giai đoạn vốn rẻ và vốn dễ đã qua, các DN cần phải có sự thích ứng cần thiết cho quá trình thay đổi này. Sự thích ứng đó bắt nguồn bằng chính sự cạnh tranh tự nhiên và đòi hỏi nội sinh trong mỗi DN, bản thân các DN không thể đáp ứng được sự thay đổi này thì tất yếu sẽ bị tụt lại và đào thải dần. Thậm chí, quá trình đó cần phải được đẩy nhanh để sự thay đổi đến nhanh hơn.
Tái cơ cấu được hiểu đơn giản nhất là quá trình chuyển đổi tư duy, mô hình và cách thức phát triển sao cho việc sử dụng các nguồn lực và tài ngyên một cách hiệu quả nhất, tạo ra tăng trưởng cao và bền vững nhất. Như thế, sự đào thải của những bộ phận yếu kém trên một cơ thể chính là sự thay đổi và điều chỉnh này sẽ góp phần giúp cho nguồn lực của xã hội được sử dụng một cách hiệu quả hơn.
Trên thực tế, mỗi doanh nghiệp sử dụng nguồn lực của mình một phần như vốn, tri thức, công nghệ, tài nguyên, con người. Một doanh nghiệp không hiệu quả thì rút lui để doanh nghiệp khác sử dụng hiệu quả hơn. Vì thế, việc rút lui khỏi thị trường hoặc không hoạt động khi hiệu quả kinh tế không cao và để nguồn lực được sử dụng một cách hiệu quả hơn là một quá trình "phá hủy sáng tạo” và cần thiết đối với nền kinh tế.