Giá vàng: Quota hóa ra chưa làm dịu
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, các nghị định, quy chế quản lý vàng vẫn chưa ra đời nên đây đó còn lúng túng trong giải pháp đối với thị trường vàng.
Trong tuần trước, giá vàng trong nước luôn cao hơn giá vàng thế giới với mức chênh lệch khoảng 3-4 triệu đồng/lượng, đặc biệt, có thời điểm lên tới gần 4,5 triệu đồng/lượng. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cấp quota nhập khẩu vàng nhưng tình hình không "dịu” được là bao. Thuốc đã "nhờn” với một "căn bệnh” rất cũ nhưng luôn sẵn sàng "tái phát”, nguyên nhân và trách nhiệm thuộc về cơ quan nào?
Một trong những nguyên nhân chính của việc chênh lệch “khủng khiếp” này được các chuyên gia kinh tế nhìn nhận do thị trường vàng trong nước chưa liên thông với thị trường vàng thế giới. Bên cạnh đó là do biến động trên thị trường vàng thế giới; tâm lý gom, giữ, mua bán vàng của người Việt phổ biến và truyền thống nhất là trong thời điểm lạm phát cao phần nào mất niềm tin vào VND và tìm nơi ẩn trú an toàn ở vàng. Và đặc biệt, từ trước đến giờ vẫn luôn có yếu tố đầu cơ, đặc biệt trong mấy tuần qua, với sự biến động mạnh của giá vàng thế giới, giới đầu cơ đã không bỏ lỡ cơ hội kiếm lời.
Sự chênh lệnh giá lên tới 4,5 triệu đồng/lượng được nhìn nhận là “khủng khiếp” bởi theo như Thống đốc Nguyễn Văn Bình từng nói, nếu giá vàng thấp hơn giá thế giới cỡ 400.000 đồng/lượng là chấp nhận được; nếu giá cao hơn 400.000 đồng/lượng là có biểu hiện đầu cơ, làm giá. Tuy nhiên, vẫn chưa có ai “vạch mặt, chỉ tên” được cá nhân nào, tổ chức nào đầu cơ và đặc biệt, vẫn chưa có giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng này.
“Câu chuyện đầu cơ có “đất phát triển” là do thị trường vàng của Việt Nam hiện vẫn chưa được chuẩn hóa, tổ chức với một cơ chế quản lý rõ ràng; vẫn chưa biết ai là người quản lý thị trường vàng: NHNN, Bộ Tài chính hay Bộ Công Thương… nghĩa là chưa có cơ quan đặc trách về việc này”, TS Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia ngân hàng nhận định.
Ông Trần Trọng Quốc Khanh, Giám đốc Trung tâm vàng ACB cho rằng, từ tháng 10/2010 đến tháng 4/2011, Nhà nước đã ban hành 3 văn bản pháp lý rất quan trọng để quản lý thị trường vàng: Thông tư số 22 (tháng 10/2010); Nghị quyết 11 (tháng 2/2011) và đặc biệt là Thông tư số 11 (tháng 4/2011), yêu cầu các ngân hàng thương mại dừng huy động và cho vay vàng. Về lý thuyết, Nhà nước đã cắt đứt mọi sợi dây liên hệ với yếu tố tiền tệ của vàng, có nghĩa, từ nay vàng nổi lên với vai trò là hàng hóa và đồng nghĩa là vàng phải được quản lý với tư cách như một hàng hóa. Tuy nhiên, trên thực tế, câu chuyện xảy ra hiện nay trên thị trường là “nói vậy mà không phải vậy”.
Chính vì thế, theo TS Hiếu, không thể nói NHNN phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng giá vàng trong nước cao hơn thế giới, bởi NHNN cho đến bây giờ vẫn không đặc trách quản lý thị trường vàng mặc dù có những biện pháp hỗ trợ như cấp phép cho những đơn vị giao dịch vàng và cho phép nhập, xuất khẩu vàng có tính chất hành chính. Những biện pháp này mang tính tình huống hơn là một gói giải pháp tổng thể của một cơ quan chủ quản về chính sách tiền tệ.
Đồng tình với quan điểm trên, nhiều chuyên gia tài chính nhận định, chênh lệch về giá chủ yếu là do biến động thị trường trong khi cơ chế vận hành thị trường vàng vẫn còn nhiều bất cập và mang tính thả nổi. Hơn nữa, do NHNN không phải là cơ quan chủ quản của thị trường, nên những biện pháp có tính cách định hướng nhiều hơn là can thiệp. Thực tế cho thấy, thị trường vàng hiện tại đang biến động ngoài sự can thiệp và quản lý của NHNN. Do vậy, không thể nói hiện nay NHNN đang can thiệp vào thị trường vàng với những quy định nhập, xuất khẩu vàng, cấp phép cho đơn vị kinh doanh vàng và đưa ra những đề xuất liên quan đến vàng…
Nhưng, một vấn đề song song là cũng khó có thể đổ trách nhiệm này cho cơ quan nào, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính hay Ngân hàng Nhà nước được vì chưa thấy các cơ quan chức năng này đưa ra những biện pháp cụ thể nào để tác động trực tiếp vào thị trường vàng. “Vì thế một vấn đề nữa đang được đặt ra ở đây là các cơ quan chức năng này cùng với NHNN đang dự trù những biện pháp can thiệp cần thiết nào và những biện pháp đó có đủ mạnh hay chưa để tác động hữu hiệu vào cơ chế vận hành thị trường vàng nhằm giảm thiểu sự chênh lệch này và ổn định thị trường vàng”, TS Hiếu nói.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, các nghị định, quy chế quản lý vàng vẫn chưa ra đời nên đây đó còn lúng túng trong giải pháp đối với thị trường vàng. Chính phủ cần nhanh chóng định nghĩa rõ ràng, vàng là phương tiện thanh toán hay sản phẩm hàng hóa để giao chức năng quản lý thị trường vàng cho một cơ quan cụ thể có đầy đủ quyền lực, công cụ và trách nhiệm để bình ổn thị trường vàng. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh vấn đề tuyên truyền, giáo dục quần chúng để mọi người nhận thức được rủi ro cũng như giá trị của thị trường vàng.
Dung Nguyễn