Thị trường nín lặng khi hợp nhất ngân hàng
Trái với dư luận đồn đoán và xôn xao về việc tái cơ cấu có thể dẫn tới nguy cơ phá sản, giải thể trước đây. Trước tin 3 ngân hàng hợp nhất, thị trường có một sự bình lặng bất ngờ.
Không đổ dồn rút tiền
Ngay sau khi công bố thông tin hợp nhất 3 ngân hàng Đệ Nhất (Ficombank), Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và Ngân Hàng TMCP Sài Gòn (SCB) giới đầu tư, nhất là dân gửi tiền ở Hà Nội đón nhận một cách khá bình thản. Điều người ta đồn đoán về việc có thể xảy ra hiện tượng đổ xô đến các ngân hàng rút tiền hàng loạt đã không xảy ra.
Địa chỉ giao dịch của Ngân hàng Đệ Nhất ở 1F – Thái Hà vẫn mở cửa hoạt động và không hề có một dấu hiệu nào về gia tăng đột biến của giao dịch. Đến gần 11h, một khách hàng đến giao dịch ở đây cũng đã tỏ ra bình thản khi được hỏi về việc hợp nhất ngân hàng này với các ngân hàng khác. Theo vị khách này thì hợp nhất dưới sự đảm bảo của Nhà nước thì không có gì là đáng sợ và khách hàng này không có ý định thay đổi các giao dịch sang ngân hàng khác.
Trong khi đó các địa chỉ giao dịch của Việt Nam Tín Nghĩa ở Tây Sơn và Nguyễn Trãi vẫn hoạt động bình thường. Một nhân viên ở phòng giao dịch Nguyễn Trãi cho biết, sẽ không có bất cứ thay đổi nào đối với khách hàng đến giao dịch và quyền lợi của họ cả trong quá trình hợp nhất và chuyển đổi sang ngân hàng mới.
Thậm chí trên phố Thái Hà (Hà Nội) một chi nhánh mới của Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa vẫn được khai trương rầm rộ để thực hiện chủ trường mở rộng hoạt động của ngân hàng này. Dường như, thông tin hợp nhất là một câu chuyện hoàn toàn khác và không gây ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh hiện tại của các ngân hàng. Một nhân viên ở đây cho biết, chỉ đạo mà họ nhận được là phải hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra, việc hợp nhất một cả một lộ trình để hướng tới hoạt động với quy mô và chất lượng tốt hơn.
Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán thông tin hợp nhất ngân hàng được các nhà đầu tư đón nhận với nhiều thông tin diễn biến trái chiều khác nhau. Trên thực tế, thông tin về quyết định hợp nhất và tên 3 ngân hàng nói trên không gây bất ngờ cho giới đầu tư bởi thông tin này đã rò rỉ từ tuần trước và nó là tất yếu trong công cuộc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.
Thậm chí, nhiều chuyên gia tài chính cho biết đây mới là công bố bước đầu mà chưa có gì cụ thể và sẽ còn rất nhiều thời gian để việc hợp nhất có kết quả cụ thể. Tuy nhiên, điều chắc chắn là Ngân hàng Nhà nước đã cam kết và đã tính hết các biện pháp dự phòng với yêu cầu cao nhất là giữ ổn định cho hệ thống. Vì thế, tuyên bố hôm nay có lẽ có ý nghĩa về một phép thử đối với thị trường.
Điều được bàn luận nhiều nhất là việc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) một ngân hàng quốc doanh đang chuẩn bị phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) đã được chỉ định tham gia toàn diện vào ngân hàng mới sau hợp nhất. Liên hệ lại với việc BIDV ký kết hợp tác, hỗ trợ thanh khoản cho BIDV và hàng loạt ngân hàng trước đây trong đó có cả Đệ Nhất nên nhiều người đã đặt câu hỏi, sau thương vụ này liệu có một vụ hợp nhất nào tiếp diễn và sau BIDV sẽ là ngân hàng quốc doanh nào đứng ra gánh vác trách nhiệm.
Thị trường chứng khoán sáng 6/12 (TTCK) các cổ phiếu ngân hàng biến động trái chiều. Trong các mã lớn chỉ có Ngân hàng Á Châu (ACB) và VietinBank (CTG) tăng điểm, còn lại Eximbank (EIB) đứng giá; Vietcombank (VCB) và Quân đội (MBB) giảm khá mạnh. Cổ phiếu của các ngân hàng nhỏ niêm yết trên sàn cũng đồng loạt giảm điểm với Navibank (NVB) giảm 2,4%, Sài Gòn Hà Nội (SHB) giảm 1,5%.
Theo đánh giá của đa số các nhà đầu tư trên các diễn đàn chứng khoán quyết định hợp nhất các ngân hàng là tốt. Tuy nhiên, điều quan tâm là các bước đi cụ thể tiếp theo sẽ thế nào và liệu có một vụ hợp nhất nào tương tự sắp diễn ra khi 3 ngân hàng này chỉ mới là một phần trong số 5% các ngân hàng yếu kém.
Thậm chí, một câu hỏi được nhiều nhà đầu tư đặt ra là hiện tượng CTG vội vã tăng vốn vào cuối năm và việc BIDV gấp rút thực hiện IPO trong tháng 12, phải chăng đó là một sự chuẩn bị cho một cuộc hợp nhất các ngân hàng nhỏ? Hơn thế, sau BIDV một số ngân hàng lớn như Vietcombank và Vietinbnak sẽ có những bước đi như thế nào để tham gia vào quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng theo kiểu "cha mẹ” bảo đảm và hướng dẫn để "anh lớn” dìu "em nhỏ” phát triển.
Ở chiều ngược lại, nhiều nhà đầu tư còn lo ngại về sự yếu kém của các ngân hàng nhỏ sau khi hợp nhất và gánh nặng mà các ngân hàng lớn sẽ phải đeo lên vai. Bên cạnh đó, câu hỏi về khả năng thất thoát tài sản, sự mất công bằng… cũng được đặt ra trong quá trình tái cấu trúc. Còn đối với thị trường chứng khoán (TTCK) trước mắt nhiều người lo ngại một lượng tiền khá lớn sẽ được các ngân hàng hút ra khỏi thị trường để thực hiện quá trình tái cấu trúc này.
Hiện thực hóa cam kết ổn định
Việc ngân hàng Nhà nước công bố hợp nhất 3 ngân hàng sáng nay dù có ít bất ngờ nhưng lại được đánh giá là một bước đi khá mạnh mẽ và nhanh chóng. Từ đây, người ta cũng đã hình dung ra những nét cơ bản của quá trình tái cơ cấu ngân hàng sắp tới mà điều quan trọng nhất chính là có sự can thiệp và bảo đảm của của ngân hàng nhà nước thông qua sức mạnh vật chất của mình là các ngân hàng quốc doanh lớn. Và quá trình đó sẽ diễn ra rất nhanh.
Như một sự trùng hợp, nghị quyết của phiên họp Chính phủ tháng cũng cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ xây dựng Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng trình Bộ Chính trị trước ngày 20/12/2011.
Thông điệp chính thức từ Ngân hàng Nhà nước về hợp nhất 3 ngân hàng này cũng ghi rõ 3 Ngân hàng đã tự nguyện hợp nhất với nhau để trở thành một Ngân hàng có quy mô lớn hơn cả về năng lực tài chính và quản trị, kinh doanh, phát huy thế mạnh của ba ngân hàng trong một ngân hàng hợp nhất.
Việc hợp nhất 3 Ngân hàng trên sẽ không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của mỗi ngân hàng cũng như của cả hệ thống các tổ chức tín dụng. Đặc biệt, quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền tại 3 Ngân hàng trên luôn được bảo đảm quyền lợi chính đáng của các ngân hàng thương mại khác trong quan hệ cho vay vốn được quan tâm và giải quyết một cách hợp lý. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ có những cơ chế hỗ trợ thích hợp, kịp thời nhằm đảm bảo việc hợp nhất 3 Ngân hàng được triển khai theo các bước một cách thuận lợi và ổn định .
Theo tính toán sơ bộ tính đến 30/9 tổng vốn điều lệ của cả 3 ngân hàng đạt gần 10.600 tỉ đồng. Nếu ngân hàng sau sát nhập giữ nguyên tổng vốn của 3 ngân hàng, đây sẽ ngân hàng cổ phần có vốn điều lệ lớn nhất tại thời điểm 30/9. Tổng tài sản của cả 3 ngân hàng đến 30/9 là trên 154.000 tỉ đồng. Trong đó, Ngân Hàng TMCP Sài Gòn (SCB) có tổng tài sản lớn nhất gần 78.000 tỉ đồng, tiếp đến là Việt Nam Tín Nghĩa với gần 59.000 tỉ đồng, cuối cùng là Đệ Nhất với 17.000 tỉ đồng.
Tổng dư nợ cho vay và huy động của cả 3 ngân hàng lần lượt là 69.780 tỉ và 84.759 tỉ đồng. Trong đó, SCB tổng dư nợ cho vay lớn hơn tổng huy động. Kết thúc 9 tháng, cả 3 ngân hàng đều có lãi. Trong đó, lợi nhuận trước thuế của Đệ Nhất là 219 tỉ đồng, hoàn thành 77% kế hoạch năm của ngân hàng. SCB đạt 529 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế và Việt Nam Tín Nghĩa đạt gần 580 tỉ đồng.
Ngay sau công bố hợp nhất 3 ngân hàng trên, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã có báo cáo tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ dành cho Việt Nam (CG) năm 2011 về "Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn 2011 – 2015″.
Tại đây, một lần nữa ông bình khẳng định Ngân hàng Nhà nước một lần nữa xin khẳng định rằng, chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức mình đảm bảo trong quá trình tái cơ cấu không để xảy ra đổ vỡ ngân hàng, rối loạn tài chính và mất an toàn hoạt động ngân hàng, nằm ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời hạn chế tới mức thấp nhất tổn thất, chi phí xử lý những vấn đề của hệ thống các tổ chức tín dụng”.
Các biện pháp tái cơ cấu cũng đã được công khai. Trong đó, nhấn mạnh sẽ hoàn thiện và đưa vào thực hiện các tiêu chuẩn quản trị mới, các quy định về an toàn và phòng tránh rủi ro theo hướng tiếp cận nhanh thông lệ quốc tế. Bổ sung hoàn thiện thể chế để các ngân hàng thương mại cổ phần nâng cao chất lượng quản trị, hoạt động minh bạch, thực sự là ngân hàng đại chúng; quy định mức vốn tối thiểu, lộ trình thực hiện phù hợp với quy mô và địa bàn hoạt động.
Đặc biệt sẽ xây dựng phương án xử lý cụ thể để giảm nhanh các ngân hàng yếu kém kéo dài theo các phương án thích hợp với chi phí ít nhất, bảo đảm an toàn hệ thống không làm ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người gửi tiền và xử lý nghiêm những cá nhân có sai phạm.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam