Liệu dầu mỏ Nga có khủng hoảng?
Trữ lượng dầu khí Nga đã được chứng minh là chỉ đủ cho 28 năm, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Sergey Donskoy công bố. Phải chăng đó là một kịch bản “ngày tận thế”? Lý do của dự báo này là gì và những gì đang xảy ra với việc tìm kiếm các mỏ dầu mới ở Nga?
Kịch bản thiếu lạc quan
Theo ông Donskoy, trữ lượng dầu của Nga vào khoảng 29 tỉ tấn. “Đây là tất cả những gì mà về mặt lý thuyết chúng ta có thể khai thác được từ lòng đất”. Xét theo sản lượng khai thác dầu thô (không có khí ngưng tụ) năm 2015 là 505 triệu tấn thì trữ lượng mở ra sẽ đủ cho 57 năm, nếu đếm trên đầu những con số, Bộ trưởng nói.
Một giàn khoan trên thềm lục địa của Nga |
Tuy nhiên, nếu chỉ tính theo trữ lượng đã được chứng minh, trong đó chúng ta biết chính xác chúng nằm ở đâu, có được bao nhiêu và làm thế nào để khai thác thì trên thực tế chỉ là một nửa, nghĩa là khoảng 14 tỉ tấn. Như vậy, trữ lượng sẽ chỉ đáp ứng được cho khai thác trong vòng 28 năm, theo ông Donskoy.
Ông cũng lưu ý, trong số trữ lượng đã được chứng minh có một phần không nhỏ thuộc vào loại khó khai thác, cần đầu tư cải tiến kỹ thuật, vì thế hiệu quả kinh tế sẽ không cao. Theo ông, nếu không phát hiện thêm các vỉa mới thì cứ đà này, từ năm 2020, trữ lượng dầu Nga sẽ rơi xuống mức khủng hoảng. “Vì thế chúng ta không được phép trì hoãn công tác thăm dò địa chất!” - Bộ trưởng khẳng định.
Khó khăn chỉ do giảm đầu tư thăm dò
Tuy vậy, theo các chuyên gia, trữ lượng (đã được chứng minh) của Nga không đến nỗi nào. Vì mỗi năm Nga đều có những phát hiện mới và con số trữ lượng được nâng cao. Thí dụ, cách đây 4 năm, trữ lượng được đánh giá là chỉ đủ dùng cho 20 năm thì nay đã là 28 năm.
Để so sánh: Trong năm 2013, khi Nga lần đầu tiên giải mật dữ liệu trữ lượng dầu khí, trữ lượng dầu là 17,8 tỉ tấn (thể loại ABC1), bây giờ là khoảng 29 tỉ tấn; và loại C2 (đang thăm dò) lúc đó là 10,2 tỉ tấn, bây giờ là 14 tỉ tấn. Chỉ trong năm 2015, trữ lượng dầu loại ABC1 tăng hơn 710 triệu tấn và khí tăng 900 tỉ m3.
Ý niệm “ngày tận thế của dầu mỏ Nga” chỉ là một kịch bản giả định. Bởi vì Bộ Tài nguyên và Môi trường quan ngại rằng nguồn đầu tư vào thăm dò hiện đang bị cắt giảm. Quả thực, năm 2015, đầu tư của nhà nước vào khảo sát địa chất giảm 20%, từ 35,7 tỉ rúp năm 2014 xuống còn 28,4 tỉ. Năm 2016, sẽ giảm tiếp 10-15%.
Các công ty tư nhân, với nguồn đầu tư vào thăm dò nhiều gấp khoảng 10 lần so với nhà nước, cũng thu hẹp hầu bao, trong năm 2015 đã cắt giảm 23,5% kinh phí thăm dò do giá dầu thế giới sụt giảm. Năm nay, đầu tư tư nhân có thể giảm 10%.
Điều kiện thị trường xấu đi còn do lệnh trừng phạt về dầu mỏ và khí đốt. Công tác thăm dò địa chất ở Nga phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu thiết bị, công nghệ và phần mềm. Hiện nay, thiết bị thăm dò địa chấn phụ thuộc nhập khẩu khoảng 90%, thăm dò điện động - hơn 70%, thiết bị khoan - hơn 30%. Đặc biệt quan trọng nhất là các gói phần mềm mà Nga phải phụ thuộc vào nhập khẩu hơn 80%.
Ngoài việc doanh thu từ xuất khẩu dầu giảm mạnh, các mỏ dầu khó khai thác có thể phải tạm ngưng hoạt động vì không có lãi. Nga đã quyết định tạm hoãn các dự án Bắc Cực.
Cần vực dậy tinh thần
Mặt khác, giảm đầu tư khai thác thì sản lượng giảm, kéo theo lượng cung giảm. Đến khi cung thấp hơn cầu thì giá dầu sẽ lại tăng.
Để khuyến khích các công ty dầu khí đầu tư thăm dò, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chuẩn bị một kế hoạch vực dậy tinh thần. Theo Bộ trưởng Donskoy, cần tuân theo nguyên tắc phân bố các vỉa hydrocarbon trong lòng đất. Nguyên tắc này đã phát huy hiệu quả trong lĩnh vực khoáng sản rắn (than đá, kim loại): năm 2015 đánh dấu sự thu hút mạnh các nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Ông Donskoy mong rằng ở lĩnh vực dầu khí cũng sẽ đạt một khí thế tương tự.
Tiếp theo, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất sửa đổi các quy định cấp phép để người được phép sử dụng lòng đất có thêm nhiều tự do trong hoạt động thăm dò, khai thác.
Cũng cần nhìn nhận, tình trạng suy giảm đầu tư trong thăm dò địa chất chưa đến mức khủng hoảng đáng lo ngại. Chẳng hạn, Tập đoàn Surgutneftegaz vẫn duy trì ở mức ổn định các mũi khoan thăm dò và công tác khảo sát địa chất, đồng thời tăng cường khối lượng nghĩa vụ theo giấy phép. Tập đoàn Bashneft đạt mức hoàn vốn cao nhất và nhanh nhất trong năm 2015 - nửa đầu 2016. Các tỉnh vùng Volga-Ural đã tăng khai thác từ 16,5 triệu tấn lên 20,2 triệu tấn. Tại các khu vực Timan-Pechora và Khanty, tình hình cũng tương tự.
Thừa hưởng của quá khứ và đầu tư cho tương lai
Tuy nhiên, lĩnh vực khai thác dầu đòi hỏi rất nhiều tiền của, công sức và quan trọng nhất là rất nhiều thời gian, vì thế, sự đầu tư cho tương lai phải được tạo ra ngay từ bây giờ. Từ khâu thăm dò đến giai đoạn sản xuất thương mại có thể phải mất 10 năm và đối với các mỏ khó khai thác thì có thể phải mất hai thập niên.
Trong nhiều cách, Nga hiện đang sử dụng nguồn dự phòng mà Liên Xô đã thiết lập từ cuối cuối thập niên 70 đến đầu 80 của thế kỷ trước. Hồi đó, các nhà địa chất Xôviết đã tạo ra được một số lượng lớn mỏ dự trữ tích lũy để chuẩn bị cho việc khai thác. Ngày nay, đến lúc khối lượng khai thác đã vượt quá khối lượng thăm dò, phát hiện, vì vậy, Nga cần phải bắt đầu đưa vào khai thác các mỏ mới ở Siberia và Viễn Đông cũng như trên các thềm lục địa.
Tuy nhiên, các công ty dầu khí không ngồi yên trong những năm gần đây. Trong 6 năm qua, hơn 290 mỏ đã được phát hiện ở Nga. Một trong những khám phá mới nhất là mỏ lớn Victory ở biển Kara (rìa Bắc Băng Dương) với tổng trữ lượng 130 triệu tấn dầu và 499 tỉ m3 khí đốt.
Phạm Bá Thủy (Theo Ria Novosti)