Vì sao lạm phát ở Việt Nam vẫn cao?
Khi cơ thể bị sốt cao, việc trước tiên là hạ sốt để duy trì sự cân bằng cần thiết cho hệ thần kinh, nhưng muốn hạ sốt dứt điểm, vấn đề có ý nghĩa quyết định là chữa trị căn nguyên sâu xa của nó. Nếu ví lạm phát giống như cơn sốt, thì việc "chữa trị" tận gốc lạm phát cũng tương tự như vậy.
3 mặt của một vấn đề
Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 12 và cả năm 2011. Theo đó, tháng 12, CPI cả nước tăng 0,53% so với tháng trước đó và kéo lạm phát cả năm lên mức 18,58%. Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cụ thể hóa mục tiêu Quốc hội giao giữ lạm phát năm 2012 là 9%. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô là mục tiêu ưu tiên số 1 trong năm 2012.
Vậy lạm phát là gì? Chúng ta đã hiểu rõ căn nguyên của “căn bệnh” này chưa?
Lạm phát là hiện tuợng thừa tổng lượng tiền trong lưu thông trong mối tương quan với tổng lượng cung hàng hóa trên thị trường làm cho giá cả tăng đồng loạt, vấn đề kinh điển đó đã được thừa nhận. Tuy nhiên, “lạm phát là giá tăng, nhưng không phải mọi hiện tượng giá tăng nào cũng là lạm phát”. Ở đây, phải phân biệt tăng giá đồng loạt của nhiều loại hàng hóa và tăng giá cục bộ của một nhóm hàng hóa và dịch vụ nào đó (gần đây, còn có cách nói sai lầm là “lạm phát giá lương thực”).
Vì vậy, nếu thấy giá tăng mà ngộ nhận rằng đó là lạm phát và đưa ra hàng loạt biện pháp chống lạm phát, trong đó thắt chặt tiền tệ lại là biện pháp số một thì chưa phải lúc nào cũng đúng. Tương tự như vậy, hiện tượng thừa tiền trong lưu thông có thể được gây ra ở một khu vực nào đó của nền kinh tế. Chẳng hạn như đầu tư kém hiệu quả, cơ cấu đầu tư bất hợp lý (đầu tư trung và dài hạn quá lớn)… cũng gây ra thừa tiền trong lưu thông và lạm phát xuất hiện. Nhưng một khi đã triển khai các biện pháp chống lạm phát thì thắt chặt tiền tệ lại áp dụng chung cho cả nền kinh tế (chứ không phải cho khu vực gây ra lạm phát), đẩy lãi suất ngân hàng lên cao để hạn chế tín dụng, cũng là áp dụng cho cả nền kinh tế. Hành động này, vô hình trung khiến những khu vực vốn đang có mức đầu tư hiệu quả, đang làm ra hàng hóa cho xã hội, bỗng dưng cũng bị “vạ lây”. Việc chống lạm phát là hãm cung tiền vào lưu thông, thì đồng thời cũng kìm hãm luôn cả cung hàng hóa. Nếu hành động như vậy, về mặt logic tất yếu, sẽ nuôi dưỡng những đà lạm phát tiếp theo.
Lạm phát ở Việt Nam là sự tác động tổ hợp của cả 3 dạng thức lạm phát: lạm phát tiền tệ (đây là dạng thức chủ yếu), lạm phát cầu kéo, lạm phát chi phí đẩy. Ba dạng thức lạm phát này tác động trong một nền kinh tế chuyển đổi, các yếu tố của kinh tế thị trường hình thành chưa đồng bộ, cạnh tranh chưa hoàn hảo, đầu tư và hiệu quả kinh doanh còn thấp. Biểu hiện là hệ số ICOR tăng và đang ở mức cao, trong khi nền kinh tế nước ta lại đang hội nhập vào nền kinh tế thế giới, đang toàn cầu hóa một cách sâu sắc.
Lạm phát tiền tệ, đây là dạng thức lạm phát lộ diện khá rõ trong các năm trước. Trên báo chí xuất hiện các ý kiến cho rằng, nâng cao cung tiền không có nghĩa là nới lỏng chính sách tiền tệ. Quá chặt chẽ cung tiền cũng có thể làm giảm sản xuất, kinh doanh và cũng sẽ làm tăng lạm phát. Nếu kịch bản này xảy ra, tình hình sẽ còn đáng lo hơn. Chưa kể trong nhiều năm gần đây, các doanh nghiệp đều kêu ca “doanh nghiệp cày chủ yếu để trả lãi ngân hàng”.
Lạm phát cầu kéo là do đầu tư, bao gồm đầu tư công và đầu tư của các doanh nghiệp tăng, đáng chú ý là tỉ lệ vốn đầu tư dài hạn quá lớn, nên tiền đã ra lưu thông do nhu cầu về nguyên liệu, nhiên liệu và thiết bị công nghệ tăng, nhưng chưa đem lại sản lượng cho nền kinh tế. Biểu hiện rõ nhất của lạm phát cầu kéo là nhu cầu nhập khẩu lương thực trên thị trường thế giới tăng, làm giá xuất khẩu tăng kéo theo cầu về lương thực trong nước cho xuất khẩu tăng. Những yếu tố trên gây ra lạm phát cầu kéo, đẩy giá một số hàng hóa và dịch vụ, nhất là lương thực thực phẩm tăng theo.
Lạm phát chi phí đẩy do giá nguyên liệu, nhiên liệu (đặc biệt là xăng dầu, các sản phẩm hóa dầu, thép và phôi thép…) trên thế giới gần đây tăng mạnh. Trong điều kiện kinh tế nước ta phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu (chiếm 90% GDP), giá nguyên liệu nhập tăng làm tăng giá thị trường trong nước.
Để lạm phát "hợp lý” hơn
Chúng ta cần kéo lạm phát xuống một con số, nhưng không hy sinh quá lớn tiềm năng tăng trưởng của đất nước, nhất là trong điều kiện nước ta đã là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) với những cơ hội mới mang lại, nhất là cơ hội về đầu tư nước ngoài và đầu tư tư nhân. Mỗi khi lãi suất ngân hàng tăng lên thì các nhà đầu tư bắt đầu giảm bớt lượng đầu tư của mình và phải cân nhắc phương án vay và sử dụng như thế nào cho có hiệu quả. Nghĩa là, những động thái của các ngân hàng vừa qua dường như đã đánh đổi việc chữa trị lạm phát để lấy mức tăng trưởng thấp. Trong vấn đề này, cũng có luồng ý kiến cho rằng, tăng trưởng của Việt Nam những năm gần đây không cao bằng Trung Quốc, nhưng lạm phát ở nước này lại không cao như ở nước ta. Cũng như nhóm ý kiến cho rằng, tại sao cùng điều kiện, hoàn cảnh là biến động giá trên thế giới, nhất là xăng dầu, mà lạm phát ở các nước trong khu vực thấp hơn của mình?
Trước hết, có thể là ở cách điều hành chính sách tiền tệ, nhưng không xem nhẹ cơ cấu đầu tư bất hợp lý, cần được điểu chỉnh kịp thời. Hơn nữa, một yếu tố rất cần được lưu ý là tâm lý công chúng, như có người nói, “lạm phát không sợ bằng sợ lạm phát”, hiệu ứng của đám đông. Biện pháp hữu hiệu nhất có thể sử dụng ở đây là chủ động khâu thông tin, tạo dựng niềm tin của công chúng vào điều hành chính sách vĩ mô của Chính phủ.
Ngoài ra, cần kiểm soát chặt các hiện tượng độc quyền giá do móc nối nhau trong kinh doanh, các nước công nghiệp phát triển thường có nhiều cách kiểm soát sự móc ngoặc này. Đồng thời, sớm xây dựng cơ chế kiểm soát lợi nhuận siêu ngạch do độc quyền mà có bằng cách đánh thuế cao khoản thu nhập này. Như các hãng sữa vừa qua (điển hình là Vinamilk) đã lợi dụng nhiều lý do để tăng giá, nhưng chính họ lại đang có mức lãi rất cao. Nhiều sản phẩm độc quyền của nước ta dường như chỉ một hướng tăng và tăng giá… làm cho người dân luôn canh cánh câu chuyện lạm phát, như giá điện, giá xăng, giá dịch vụ y tế…
Ngọc Tuấn