'Ben-Hur' 2016 - Sự 'tái sinh' nhiều mới mẻ
(PetroTimes) - Hãng Paramount và MGM đã bỏ ra khoảng 100 triệu USD để “tái sinh” Ben-Hur - một trong những tượng đài kinh điển trong lịch sử điện ảnh.
Tiểu thuyết "Ben-Hur: A Tale of the Christ" của tác giả Lew Wallace, xuất bản năm 1880 và được xem như là cuốn sách về đạo Thiên Chúa truyền cảm hứng nhất của thế kỷ 19. Đây là câu chuyện kể về cuộc đời của Judah Ben-Hur - hoàng tử người Do thái thành Jerusalem - bị vu oan, lưu lạc khắp thế gian chịu nhiều bi kịch nhưng cuối cùng tìm được bình yên nhờ học được cách tha thứ từ những hành động cao cả của một người đàn ông thánh thiện tên Jesus. Câu chuyện đậm chất sử thi này đã từng nhiều lần được chuyển thể thành phim, trong đó có hai phiên bản ấn tượng nhất vào năm 1925 và 1959.
Cảnh trong phim Ben -Hur |
Phim lần này được đạo diễn bởi Timur Bekmambetov, người nổi tiếng qua "Wanted" và "Abraham Lincoln: Vampire Hunter". Ông từng chia sẻ rằng bản phim năm 1959 quá tập trung vào việc trả thù. Theo ông đó là vấn đề lớn nhất. Nội dung chính của cuốn sách vẫn là sự tha thứ và hành trình con người ta học cách để tha thứ.
Khi ông đọc kịch bản, ông đã chia sẻ được rất nhiều suy nghĩ chung cũng như cách nhìn nhận về thế giới hiện đại với biên kịch John Ridley. Nó cũng không khác nhiều so với một Đế chế La Mã tàn khốc, khắc nghiệt, luôn bất ổn kể cả về chính trị lẫn văn hóa, nơi những giá trị đạo đức không có được chỗ đứng xứng đáng. Chỉ có tình yêu thương và lòng nhân từ mới là giải pháp duy nhất. Chính vì vậy, bản phim lần này sẽ có không khí tươi sáng hơn so với năm 1959.
Đạo diễn Timur Bekmambetov chỉ đạo diễn xuất |
Với sự trợ giúp của công nghệ hiện đại, phiên bản mới của Ben-Hur mang tới khán giả những hình ảnh đẹp mắt, nhưng để nói là mãn nhãn thì vẫn chưa đủ. Phim không còn giữ được tính sử thi như hai phiên bản trước khi các đại cảnh chiến trận hoành tráng đã bị giản lược. Tính chân thực trong hành động hay bối cảnh thì vẫn còn đó và người xem hoàn toàn có thể cảm thấy như đang trên chiến trường cùng Messala hay Ben-Hur, nhưng việc thiếu vắng những góc máy rộng với hàng ngàn người lao vào nhau (như "The Lord of the Rings" làm ví dụ) khiến mọi thứ bớt thuyết phục đi nhiều.
Dù là phim câm nhưng cảnh thủy chiến của phiên bản 1925 đã lập kỷ lục cho số lượng máy dùng trong một cảnh với 48 chiếc, lượng diễn viên quần chúng cũng lên tới 120.000 người. Đối với phiên bản năm 1959, độ dài kinh hoàng hơn 200 phút của nó đã tự khiến khán giả cảm nhận được sự vô tận từ những tháng ngày Judah Ben-Hur phải làm nô lệ trên chiếc chiến thuyền La Mã nung nấu chí trả thù.
Nhưng, dĩ nhiên là mỗi nhà làm phim sẽ có những cách khác nhau để thể hiện ý tưởng của mình. Lần này, phim tập trung hơn vào các nhân vật chính để thể hiện nội tâm đầy xung đột của họ - một điểm khá hay. Đó là mục đích tốt nhưng nó dường như khiến khán giả trở thành người đứng ngoài nhìn vào câu chuyện hơn là được ở trong đó.
Tuy bớt đi sự hoành tráng nhưng kịch bản năm 2016 này được tăng thêm phần phức tạp. Messala của Toby Kebbell lần này là con nuôi gia đình nhà Hur, có những mối quan hệ khác nhau với các thành viên trong gia đình. Anh có cá tính mạnh mẽ và tham vọng lớn lao bắt nguồn từ những định kiến mà anh gặp phải. Đây là nhân vật được xây dựng kỹ nhất trong phim, còn hơn cả Ben-Hur. Có thế mới tạo được đối trọng xứng tầm cho nhân vật chính và không lạc vào lối mòn phản diện như nhiều phim gần đây.
Mâu thuẫn của hai nhân vật được bắt nguồn từ rất nhiều khía cạnh từ hoàn cảnh địa vị, tích cách, bổn phận và trách nhiệm, cho tới cách nhìn về thế giới được hình thành theo thời gian. Mọi sự việc xảy ra rất hợp lý và có cảm giác là không thể khác được.
Vẫn còn những khiếm khuyết nhỏ khiến câu chuyện đôi lúc thiếu tự nhiên và chưa thể hiện rõ mục đích của các nhân vật. Judah Ben-Hur không có được một lý do thực sự rõ ràng cho những quyết định của anh. Người ta có thể hiểu ở địa vị của mình anh cần giữ hòa bình cho cả thành phố nhưng điều này chỉ được đề cập qua một vài câu thoại. Sẽ là thuyết phục hơn nhiều nếu nhân vật chính có thêm sự đầu tư.
Là một phim về tôn giáo, Ben-Hur không thể thiếu những bài học thông điệp về đạo đức, nhân cách con người. Nhóm phản loạn Zealot không chỉ tăng chiều sâu câu chuyện mà còn tạo mâu thuẫn cho hai nhân vật Judah - Messala, cũng như góp phần thể hiện sự hỗn loạn trong thế giới của phim. Họ là những người Do Thái bị mất đất và sẵn sàng chiến đấu chống lại bất cứ ai để giành lại nó dù cho đó là người La Mã hay chính những người Do Thái khác. Số phận đã biến họ thành những phần tử cực đoan. Và đối với người La Mã, tất cả những gì họ biết là chiến đấu mở rộng lãnh thổ đế chế của mình.
Thế giới của Ben-Hur là nơi quyền lực ngự trị và không điều gì khác quan trọng hơn. Có lẽ vì vậy đạo diễn Bekmambetov đã để Chúa Jesus xuất hiện trong phim với vai trò lớn hơn và thậm chí còn bị tay tổng trấn La Mã - Pontius Pilate - xem như hiểm họa của cả Đế Chế.
Tuy vậy, những bài học được đưa ra trong phim theo một cách quá trực tiếp, nghe như những lời thuyết giảng vậy. Các tình huống để nhân vật đưa ra bài học cũng phần lớn là gượng ép và làm giảm sự trôi chảy của câu chuyện. Lời thoại của phim là một điểm trừ lớn bởi chúng nghe rất thiếu tự nhiên và không thích hợp vào các phân cảnh.
Nhưng nhìn chung, Ben-Hur là một phim trung bình khá. Tất cả các diễn viên đều đẹp lỗng lẫy và có những màn trình diễn tròn vai. Ba nữ diễn viên chính của phim: Nazanin Boniadi vai vợ Ben-Hur, Ayelet Zurer vai mẹ Ben-Hur và Sofia Black-D'Elia vai em gái Ben-Hur đều là những mỹ nhân khiến khán giả không thể rời mắt.
Toby Kebbell, sở hữu gương mặt vừa ác vừa tội trời phú vẫn xuất sắc trong vai phản diện. Và với Morgan Freeman thì quả thật không còn nhiều từ ngữ để khen ông. Jack Huston cũng đã có vai diễn lớn đầu tiên khá thành công.
Phim có phần hành động ấn tượng với điểm nhấn là trường đoạn đua xe ngựa kinh điển được tái hiện căng thẳng tới nghẹt thở. Có nhiều những vấn đề mang tính chuyên môn phim còn tồn tại, nhưng nếu bạn không phải một nhà phê bình khó tính hay một khán giả quá khắt khe thì sẽ không sao cả. Đây là một phim giải trí đáng xem và sẽ mang lại cho bạn những giờ phút thoải mái.
T.Hiếu