Kẻ bắt cóc con đại gia nhờ đặc nhiệm chở đi trốn vì tưởng xe ôm
Vừa trao bé gái cho gia đình ở Sài Gòn, Trung phát hiện cảnh sát nên cắm đầu chạy đến xe ôm định nhờ chở đi trốn thì bị anh này đá ngã chúi đầu, đè sát đất.
Đại úy Nguyễn Tuấn Cường. Ảnh: Quốc Thắng |
Đằng sau gương mặt rắn rỏi, giọng nói cương nghị là nụ cười hiền cùng đam mê bắt cướp cháy bỏng của đại úy Nguyễn Tuấn Cường (tổ trưởng đặc nhiệm, Công an quận 11, TP HCM). Mê màu áo công an từ nhỏ, Cường phấn đấu trở thành cán bộ Đội cảnh sát Hình sự Công an quận 11. Công việc của anh là ngày ngày cùng đồng đội rong ruổi khắp phố, đua tốc độ, bắt cướp giật.
Từng tham gia phá nhiều vụ án nhưng anh Cường nói rằng ấn tượng nhất của mình là vụ bé gái 18 tháng tuổi bị bắt cóc đòi tiền chuộc 300.000 USD hồi 6 năm trước. Theo nội dung vụ án, cuối tháng 4/2010, Nguyễn Chí Trung (33 tuổi) đến căn nhà gia đình khá giả trên đường Lê Đại Hành (quận 11) bấm chuông, hỏi thuê căn nhà khác của gia chủ.
Người giúp việc tưởng thật, đặt con gái nhỏ của chủ xuống sàn, quay vào gọi điện cho bà chủ trao đổi thông tin về căn nhà với khách. Chỉ chờ có thế, Trung bế bé gái nhảy lên xe đồng bọn chờ sẵn, chạy một mạch về khu vực ấp 4, xã Bình Hưng Hòa (Bình Chánh). Chúng gửi con tin cho người quen, nói dối là con ruột của mình, vợ đang đi nước ngoài, không có người trông coi nên nhờ chị này nuôi giúp.
Trung mua 13 sim điện thoại, lần lượt dùng để gọi cho gia đình bé gái yêu cầu phải giao 600.000 Nhân dân tệ rồi chuyển sang đòi 300 lượng vàng, sau đó là 450.000 USD và cuối cùng ấn định số tiền chuộc là 300.000 USD... Nếu họ báo công an hoặc không đưa tiền sẽ không nhìn được mặt con gái lần cuối.
Bé gái bị bắt cóc nay đã hơn 7 tuổi tặng hoa cho người cứu mình. Ảnh: Quốc Thắng. |
Nhận nhiệm vụ, Cường cùng hàng chục trinh sát quận 11 và Công an TP HCM được tung đi điều tra. Anh mặc quần áo xộc xệch, giả xe ôm đậu đầu đường để theo dõi hoạt động, bảo vệ an toàn cho gia đình nạn nhân.
Những ngày tiếp theo, nhóm bắt cóc liên tục gọi điện đe dọa, buộc gia đình bé gái giao tiền ở nhiều nơi như quận Thủ Đức, quận 8, huyện Bình Chánh... nhưng chúng lại không đến. Suốt 3 tháng ròng, anh Cường cùng nhiều trinh sát "ngồi trên đống lửa" vì lo cho an nguy của bé gái.
Một ngày tháng 7/2010, gia đình bé gái nhận được tấm ảnh con mình kèm thông điệp đưa tiền ở quận Thủ Đức. Nhiều trinh sát đeo bám gia đình nạn nhân, mật phục để bảo vệ và bắt hung thủ. Song, đến giờ hẹn Trung lại chuyển địa điểm giao dịch về quận 8.
Ban chuyên án huy động các trinh sát di chuyển, anh "xe ôm" chạy đến gần nơi nhóm bắt cóc hẹn giao tiền. Khi đứa trẻ vừa được Trung giao cho gia đình sau khi nhận tiền, hàng chục trinh sát từ các hướng bủa vây. Nhiều phát súng chỉ thiên vang lên, Trung cắm đầu chạy về hướng anh Cường đang "chờ khách". Đợi hắn đến thật gần, anh Cường tung cước đá ngã chúi đầu, đè sát đất.
Ở phiên tòa gần một năm sau đó, Nguyễn Chí Trung phải nhận mức án 18 năm tù về tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Hắn cho biết, lúc bị cảnh sát truy đuổi, tưởng anh Cường là xe ôm, định kêu chở chạy trốn. Đồng bọn của hắn đã bỏ trốn, vẫn đang bị truy tìm.
"Có lần, bạn của vợ nhìn thấy tôi ngồi đón khách đã gọi hỏi cô ấy 'chồng bà khi cưới bảo làm công an, sao giờ thấy chạy xe ôm'. Những chiến công của tôi đến thời điểm này có được đều là do sự tin yêu của đồng đội, lãnh đạo và người dân", đại úy Cường nói trong buổi giao lưu Gương sáng phố phường tối 19/8.
Bà Ngà kể về niềm vui khi được giúp đỡ mọi người. Ảnh: Quốc Thắng |
Cũng được vinh danh trong buổi lễ là cụ Nguyễn Thị Ngà (84 tuổi, tổ trưởng phụ nữ tổ 111, khu phố 4, phường 7, quận Phú Nhuận); anh Nguyễn Văn Ra (tổ xe ôm tự quản phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức); thượng úy Võ Văn Phước Thọ (cảnh sát khu vực phường 12, quận 10).
Ở tuổi 84, cụ Ngà trông khá khỏe mạnh. Hình ảnh bà lão nhỏ thó, lưng còng, móm mém hàng chục năm qua xắn tay dọn từng tờ báo cũ, miếng rác thải ở con hẻm khu phố khiến nhiều người cảm động.
Biết gia đình nào gặp khó khăn, bà lão lại lọ mọ đi tìm hiểu, kêu gọi mọi người chia sẻ. Bà cũng vận động tổ viên đến từng nhà có con em lầm lạc vừa được tha tù để khuyên răn, giúp vốn làm ăn hay giúp những đứa trẻ con nhà nghèo được đến trường.
"Ngày nào còn sống, còn sức thì tôi còn lo được cho những bà con khó khăn", cụ Ngà nói bằng giọng quả quyết.
Quốc Thắng