Bao giờ Ngân hàng Trung ương thay thế Ngân hàng Nhà nước?
Ông Bùi Kiến Thành, hiện là cố vấn cao cấp cho các tập đoàn kinh doanh lớn ở Hà Nội cho rằng, 2 tên gọi Ngân hàng Trung ương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể gây thắc mắc là sau nhiều năm mở cửa thì Việt Nam thực sự đã có Ngân hàng Trung ương chưa?
Mới đây tại Hà Nội, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải tuyên bố Việt Nam đang nghiêm túc xem xét các đề xuất về việc xây dựng Ngân hàng Trung ương (NHTƯ) thay cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hiện thời. Vấn đề đặt ra là liệu điều này có gây ngộ nhận vì từ trước tới giờ báo chí trong nước lúc thì gọi NHTƯ, khi thì nêu tên NHNN, mà tựu chung vẫn là hệ thống tài chính do Chính phủ kiểm soát?
Nhìn từ mô hình của quốc tế
Ở bất kỳ quốc gia nào, NHTƯ cũng đều đóng vai trò đặc biệt trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội. Bởi lẽ, nếu hệ thống ngân hàng được ví là huyết mạch thì NHTƯ có thể coi là trái tim của nền kinh tế. Một nền kinh tế chỉ có thể phát triển lành mạnh khi có một NHTƯ thực hiện tốt chức năng điều tiết hệ thống tiền tệ. Ngược lại, những trục trặc trong hoạt động của NHTƯ cũng có thể gây ra những cú “đột quỵ” đối với cả nền kinh tế.
Tại EU, Anh hay Mỹ, NHTƯ hoàn toàn độc lập với Chính phủ và chức vụ Thống đốc NHTƯ được Quốc hội bổ nhiệm hay phê chuẩn. Kết quả nghiên cứu cho thấy mức độ độc lập của NHTƯ tại các nước trên thế giới thường tỉ lệ nghịch với tỉ lệ lạm phát và thâm hụt ngân sách, trong khi tỉ lệ thuận với tăng trưởng kinh tế của nước đó.
Đến nay, trên thế giới đã biết đến 3 mô hình NHTƯ: (1) NHTƯ độc lập với Chính phủ; (2) NHTƯ là một cơ quan thuộc Chính phủ; và (3) NHTƯ thuộc Bộ Tài chính. Trong đó, hai mô hình đầu tiên là phổ biến hơn cả.
Trong suốt những năm 90 của thế kỷ XX, tính độc lập của NHTƯ được xem như nền tảng của những cải cách về mặt thể chế để giảm sự can thiệp bất hợp lý của chính trị đến quá trình xây dựng và thực thi chính sách tiền tệ (CSTT) nhằm đạt được mục tiêu ổn định giá cả. Lý do dẫn đến cuộc cải tổ này đó là việc xây dựng và điều hành CSTT mà có sự can thiệp chính trị thường chỉ đạt được những mục tiêu ngắn hạn. Điều này sẽ làm gia tăng tính tạm thời và không bền vững của kinh tế vĩ mô, đặt biệt là nguy cơ bùng nổ lạm phát và theo đó hạn chế tăng trưởng kinh tế và làm gia tăng tỉ lệ thất nghiệp.
Tính độc lập của NHTƯ được thể hiện thông qua việc xác định rõ cơ chế hoạch định CSTT là như thế nào, NHTƯ có được toàn quyền quyết định việc sử dụng các công cụ để thực thi CSTT hay không cũng như nêu rõ trách nhiệm của NHTƯ nói chung và Thống đốc nói riêng trong trường hợp mục tiêu không đạt được như đã đặt ra.
Nói chung, các nghiên cứu về NHTƯ thường nghiêng về ý kiến cho rằng, nên giao việc xây dựng, quyết định và thực thi CSTT cho một NHTƯ chuyên sâu, độc lập và kiên định với mục tiêu hàng đầu là duy trì sự ổn định giá cả. Điều đó sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của các tác động về mặt chính sách cũng như uy tín của các nhà hoạch định chính sách. Tất nhiên, tính độc lập của NHTƯ cần được xây dựng trên cơ sở các quy định pháp lý liên quan. Việc thiếu tôn trọng pháp luật ở một số nước là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng NHTƯ độc lập về mặt hình thức không có khả năng kiểm soát lạm phát và thực thi các chức năng một cách có hiệu quả.
Các chuyên gia trong nước nói gì?
Một chuyên gia về kinh tế và tài chính từng nhiều năm làm việc ở nước ngoài, ông Bùi Kiến Thành, hiện là cố vấn cao cấp cho các tập đoàn kinh doanh lớn ở Hà Nội cho rằng, 2 tên gọi NHTƯ và NHNN Việt Nam có thể gây thắc mắc là sau nhiều năm mở cửa thì Việt Nam thực sự đã có NHTƯ chưa?
Tại sao từ trước đến nay các quan chức, doanh nghiệp và báo chí trong nước khi thì gọi NHTƯ lúc thì gọi NHNN? Ông Thành nói vấn đề ở đây là hiểu biết về hoạt động của NHTƯ, tức là trách nhiệm và quyền hạn của NHTƯ. Việc Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nói rằng, Việt Nam sẽ nghiêm túc thành lập một NHTƯ độc lập nghĩa là bây giờ Việt Nam không có NHTƯ? Như vậy, vai trò NHTƯ để điều tiết lưu lượng tiền tệ ở đâu? Trách nhiệm, quyền hạn và vai trò của NHTƯ chưa được nhận định một cách rõ ràng thì làm sao có được chính sách để cho NHTƯ hoạt động? Việc hiểu rõ trách nhiệm, quyền hạn và vai trò của NHTƯ là điều vô cùng quan trọng mà cho đến lúc này gần như nhiều quan chức trong ngành ngân hàng phần nào chưa nắm bắt được.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, phát biểu của Phó thủ tướng là hoàn toàn đúng nhưng cách nói không chính xác có thể gây hiểu lầm. Thực ra, ai cũng biết là ở Việt Nam có NHTƯ, được gọi là NHNN Việt Nam. NHNN Việt Nam đã hình thành từ lâu và đến nay vẫn được duy trì với nhiều chức năng cơ bản như NHTƯ ở các nước khác. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến đưa ra là cần để cho NHNN hoặc là NHTƯ, dù là tên gọi gì, có vai trò độc lập hơn.
Về việc Việt Nam có thực sự mong muốn và có khả năng xây dựng NHTƯ đúng nghĩa, tức hoàn toàn độc lập với Nhà nước hay không, bà Phạm Chi Lan đưa ra cái nhìn lạc quan khi trên thực tế, Việt Nam đã chuyển đổi sang kinh tế thị trường từ nhiều năm nay. Trong thời gian đó, tất cả những người làm việc dù được đào tạo ở đâu thì cũng đã có sự thay đổi bản thân mình rất mạnh mẽ. Những người lãnh đạo trong các tổ chức kinh tế tư nhân hay Nhà nước ngày càng được đào tạo đầy đủ hơn và có kiến thức về kinh tế thị trường tốt hơn. Từ những điểm này, bà cho rằng không hẳn là họ chỉ làm việc theo cách nhìn hoặc kinh nghiệm của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Bản thân Phó thủ tướng là một người được đào tạo ở Ailen, có nghĩa là được học hành theo hệ thống kinh tế của các nước phương Tây chứ không phải theo hệ thống xã hội chủ nghĩa. Hầu hết thời gian làm việc của ông là từ thời kinh tế Việt Nam bắt đầu chuyển đổi và cải cách. Do đó, không phải là chờ đến khi có được sự hoàn thiện về đội ngũ rồi mới chuyển đổi cơ chế mà quan trọng hơn là sự quyết tâm trong vấn đề này.
Như vậy, cũng như khuyến cáo từ các tổ chức kiểm toán và các chuyên gia tài chính trong nước, hai chuyên gia tư vấn Phạm Chi Lan và Bùi Kiến Thành đều đồng ý cho rằng, việc cấp bách lúc này của Việt Nam là bắt tay ngay vào tái cấu trúc ngành ngân hàng để tiến tới xây dựng NHTƯ độc lập cho kịp đà tiến với các quốc gia trên thế giới.
Lê Quân