Việt Nam gặt hái được gì sau 5 năm gia nhập WTO?
Việt Nam đã gia nhập một sân chơi thương mại lớn nhưng theo nhiều chuyên gia đánh giá, Việt Nam vẫn chưa thực sự chuẩn bị tốt để đón đầu cơ hội và kháng cự các tiêu cực từ sân chơi này.
Ngày 11/1/2007, Việt Nam chính thức là thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Sau 5 năm, GDP của Việt Nam đã đạt xấp xỉ 120 tỉ USD (2011), gấp gần 2,3 lần năm 2006 (53 tỉ USD); GDP đầu người đạt trên 1.300 USD gấp hơn hai lần năm 2006 (640 USD). Nước ta đã ra khỏi tình trạng nước kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình.
Đây là nội dung cơ bản tại hội thảo quốc gia Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam sau 5 năm gia nhập WTO diễn ra sáng 9/3 tại Hà Nội.
Nếu năm 2007, kim ngạch xuất khẩu mới đạt 48,56 tỉ USD, thì đến năm 2011 con số đó đã là 96,3 tỉ USD, tăng hơn hai lần.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau khi vào WTO, giai đoạn 2007 – 2011, số doanh nghiệp tăng 2,3 lần về số lượng và 7,3 lần về số vốn so với 5 năm trước. Tính đến ngày 23/8/2011, cả nước đã có 602.171 doanh nghiệp đăng ký hoạt động theo luật Doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp nước ta đã từng bước xác lập được chỗ đứng trên thị trường khu vực và thế giới. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu bình quân 5 năm 2007 – 2011 là 19,25%/năm, cao hơn mức 18,1%/năm của thời kỳ 5 năm 2001 – 2005 trước khi nước ta gia nhập WTO. Kim ngạch xuất khẩu bình quân theo đầu người năm 2010 đạt 914,4 USD/người so với 559,2 USD/người của năm 2006, tăng gấp gần 2 lần.
Trong 5 năm qua, tổng vốn FDI thực hiện đạt 45 tỉ USD, vượt 77,8% so với kế hoạch; tổng số vốn FDI đăng ký mới và bổ sung đạt 146 tỉ USD, gấp 7 lần so với giai đoạn 2001 – 2005.
TS Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu Kinh tế – Xã hội Hà Nội) đánh giá: Việc tham gia WTO có tác động rất tích cực đến đời sống kinh tế vĩ mô và các doanh nghiệp. Về kinh tế vĩ mô, vị trí của Việt Nam trong hoạt động cạnh tranh thương mại thế giới cũng như nhìn nhận của doanh nghiệp nước ngoài về độ hấp dẫn được nâng cao. Đối với doanh nghiệp là mở rộng được thị trường xuất khẩu, đa dạng hơn khả năng nhập khẩu và có điều kiện để tiếp cận các nguồn lực bên ngoài như tài chính, công nghệ. Đặc biệt, các doanh nghiệp được áp dụng các tiêu chuẩn thế giới, từ đó mà nâng cao được chất lượng hàng hóa của mình.
Tuy nhiên, Việt Nam đã gia nhập một sân chơi thương mại lớn nhưng theo nhiều chuyên gia đánh giá, Việt Nam vẫn chưa thực sự chuẩn bị tốt để đón đầu cơ hội và kháng cự các tiêu cực từ sân chơi này.
Nhìn nhận tổng quát, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, hiện nay chúng ta chưa có tiêu chí thống nhất đánh giá về mức độ hội nhập của Việt Nam vào WTO. Khi đánh giá mức độ thành công của Việt Nam thì đừng nên nóng vội vì nước ta chưa có nền móng của một nền kinh tế hội nhập. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cũng đưa ra lời khuyên để nâng cao tiêu chí cạnh tranh là phải hoàn chỉnh hệ thống pháp luật và cơ chế; điều kiện kinh tế vĩ mô phải ổn định; hệ thống cơ sở hạ tầng phải được đồng bộ và hiện đại; môi trường cạnh tranh mở và thông thoáng.
Có thể thấy, đa số các doanh nghiệp nước ta đang sử dụng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2 đến 3 thế hệ, 76% máy móc, dây chuyền công nghệ được sản xuất từ những năm 1950 – 1960, 75% số thiết bị đã hết khấu hao, 50% số thiết bị là đồ tân trang… Máy móc, thiết bị đang được sử dụng ở các doanh nghiệp Việt Nam chỉ có 10% hiện đại, 38% trung bình và 52% là lạc hậu và rất lạc hậu; tỉ lệ sử dụng công nghệ cao mới chỉ có 2% (tỉ lệ này ở Thái Lan là 31%, Malaysia là 51% và Singapore là 73%). Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ta đầu tư cho đổi mới công nghệ rất thấp, chi phí khoảng 0,2% – 0,3% tổng doanh thu.
Hạn chế tiếp theo là về khâu nguyên vật liệu và sự yếu kém về thương hiệu các doanh nghiệp. Đa số các doanh nghiệp Việt Nam phải nhập khẩu nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh. Trong những năm qua, nhiều sản phẩm xuất khẩu và sản phẩm có sự tăng trưởng cao (hàng da giày, dệt may, chế biến thực phẩm, đồ uống, sản phẩm thép và kim loại màu, sản phẩm nhựa, hàng điện tử, ô tô, xe máy…) đều phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu bán thành phẩm nhập khẩu từ nước ngoài. Trong khi đó, giá cả các loại nguyên vật liệu này trên thế giới có xu hướng gia tăng, làm cho nhiều nhóm sản phẩm có tỉ trọng chi phí nguyên vật liệu khá cao, chiếm hơn 60% giá thành sản phẩm.
Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu mạnh, chưa khẳng định được uy tín chất lượng và năng lực cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế. Trên thực tế, trong nhiều sản phẩm của Việt Nam yếu tố cấu thành của tri thức, công nghệ thấp, trong khi yếu tố sức lao động và nguyên vật liệu cao… Điều đó làm cho sức cạnh tranh thấp, chất lượng sản phẩm không có ưu thế rõ rệt trên thị trường.
Chiến lược phân phối, chiến lược truyền thông và xúc tiến thương mại của các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Đa số có quy mô vừa và nhỏ nên hạn chế tầm hoạt động và mạng lưới phân phối sản phẩm. Trong khi đó, hoạt động xúc tiến thương mại còn giản đơn, sơ lược và không có hiệu quả thiết thực. Có rất ít doanh nghiệp xây dựng được chương trình xúc tiến, giới thiệu một cách bài bản về sản phẩm cho khách hàng. Hầu hết các doanh nghiệp chưa nhận thức được giá trị và ý nghĩa của xúc tiến thương mại, quảng cáo… Vì vậy, chi phí cho quảng cáo rất thấp, chỉ dưới 1% doanh thu (tỉ lệ này của các doanh nghiệp nước ngoài chiếm khoảng 10% đến 20% doanh thu).
Ở doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) yếu kém thể hiện ở chỗ, để tạo ra 1 đồng doanh thu trong năm 2009, DNNN phải sử dụng tới 2,2 đồng vốn, trong khi đó doanh nghiệp ngoài quốc doanh chỉ cần 1,2 đồng. Tỉ suất lợi nhuận trên tổng vốn trong mười năm qua, khu vực DNNN chưa năm nào vượt quá 6%, trong khi đó doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài luôn duy trì ở mức khoảng 10%. Năm 2008, DNNN chiếm 39, 86% vốn, 42,9% vốn đầu tư dài hạn, nhưng chỉ cung cấp 25,38% doanh thu, 27,8% nộp NSNN.
Giải pháp để giúp doanh nghiệp Việt Nam đứng vững trên thị trường thế giới, ông Lương Văn Tự – nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương nói ngắn: “Phải hoàn thiện hệ thống luật pháp, doanh nghiệp phải bám sát tiêu chí WTO và phải “buôn có bạn, bán có phường””.
TS Nguyễn Minh Phong: Bản thân các doanh nghiệp phải nhìn nhận sự hội nhập này đầy đủ, toàn diện, chính xác hơn, từ đó có được hoạch định phát triển. Thứ hai là lựa chọn các phương án đầu tư sao cho xác thực, tránh mọi rủi ro, đa dạng hóa hoạt động kinh doanh, bên cạnh việc tập trung chuyên môn sâu. Ngoài ra, các doanh nghiệp phải đoàn kết với nhau nhiều hơn nữa để tạo ra tiếng nói cộng đồng, tạo nên lợi ích quốc gia. |
Đức Chính