Soi mình vào lịch sử
Những ngày này 76 năm trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã nhất tề đứng dậy, tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giành độc lập dân tộc. Một chính đảng vừa tròn 15 tuổi với 5.000 đảng viên nhưng đã làm nên sự kiện lịch sử vĩ đại giữa thế kỷ XX.
Chỉ 5.000 đảng viên nhưng đó là những người con ưu tú, thực sự vì nước, vì dân; sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp cách mạng, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Họ gắn bó máu thịt với dân, lăn lộn trong các phong trào của công nhân, nông dân; là hạt nhân đoàn kết các tầng lớp xã hội, thể hiện tính tiền phong gương mẫu trước quần chúng. Chính vì thế, họ mới tập hợp được toàn dân, tạo nên sức mạnh để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược.
5.000 đảng viên từ cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 ấy đã nhanh chóng được nhân lên thành hàng vạn đảng viên, dẫn dắt toàn dân làm nên hai cuộc kháng chiến đánh đuổi hai đế quốc to là Pháp và Mỹ ra khỏi bờ cõi, xây dựng đất nước hòa bình, hạnh phúc hôm nay.
Cách mạng Tháng Tám đúc kết được nhiều bài học quý giá, lưu truyền cho muôn đời con cháu, trong đó có bài học về tác phong sâu sát, gần gũi nhân dân của cán bộ đảng viên; đặt quyền lợi của nhân dân lên trên hết. Không đặt lợi ích người dân là mục đích cống hiến thì lý tưởng của người cán bộ đảng viên đã biểu hiện sai lệch.
Nếu nhìn lại mấy chục năm trở về trước, hình ảnh người cán bộ, đảng viên giống như một đầu tàu. Họ hành động đúng với khẩu hiệu “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Đầu tàu chuyển động, các toa tàu cũng rùng rùng chạy theo. Có được hình ảnh ấy là vì có những đảng viên gương mẫu, miệng nói, tay làm, óc tư duy. Hành động đúng và biết khơi dậy sức dân thì việc gì cũng đạt hiệu quả rõ rệt. Những đảng viên như thế được dân tin yêu, sẵn lòng ủng hộ và noi theo.
Năm 1945, ông Nguyễn Quyết khi đó mới 23 tuổi đã là Bí thư Thành ủy Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Quân sự cách mạng, tham gia lãnh đạo khởi nghĩa Tháng Tám. Hình ảnh của ông còn in đậm trong tâm trí người dân Hà Nội về một thanh niên vào Đảng năm 18 tuổi và là tỉnh ủy viên năm 21 tuổi. Ông trở thành nhà quân sự, nhà chính trị, sau này là đại tướng, Bí thư Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Cách mạng Tháng Tám đã sản sinh ra một thế hệ với những người đảng viên trẻ tuổi, xuất sắc như thế. Mặc dù họ phải trải qua thử thách với biết bao gian khổ, hy sinh.
Theo lẽ thường tình, các thế hệ tiếp nối phải tự hào với truyền thống cha ông, noi gương các bậc tiền bối cách mạng, viết tiếp những trang sử vẻ vang cho dân tộc, cho đất nước. Họ phải tự soi mình vào lịch sử. Nhưng tiếc thay, trong điều kiện xã hội phát triển, đời sống được nâng cao, điều kiện để phấn đấu và phát huy tài năng, trí tuệ có nhiều thuận lợi thì nhiều người chỉ lo vun vén cá nhân, ích kỷ và vụ lợi. Và thật đáng buồn là trong số đó có không ít người là cán bộ đảng viên.
Sự thoái hóa, biến chất và sa sút về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ đảng viên đã được cảnh báo hàng chục năm nay thông qua các nghị quyết của Đảng. Đảng viên vi phạm phần lớn đều là những người có chức, có quyền, nắm giữ những vị trí chủ chốt trong các lĩnh vực kinh tế xã hội, từ cấp Trung ương tới các địa phương. Nhiều người đứng đầu cơ quan, đơn vị, nắm cả chức vụ Đảng và chính quyền nhưng không gương mẫu mà còn mắc nhiều khuyết điểm cả về tư cách, đạo đức, lối sống.
Lợi dụng chức quyền để tham ô, tham nhũng, kéo bè cánh; bổ nhiệm, đề bạt sai nguyên tắc. Không ít “quan cách mạng” đã khai man lý lịch để tiến thân và được vinh danh vô lối. Lại có những cán bộ đảng viên không học mà vẫn có bằng cấp thạc sĩ, tiến sĩ. Quan chức có nhiều nhà đất, nhiều tài sản quý bị dư luận tố giác đã chứng minh rằng, việc kê khai tài sản là hình thức, dối trá và không được xử lý triệt để. Trước vấn nạn tham nhũng, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ví “không chỉ có một vài con sâu mà cả một bầy sâu” và “nhìn Việt Nam trên bản đồ tham nhũng buồn lắm”.
Vô cảm trước nỗi khổ của dân cũng là điều dễ nhận thấy qua cung cách giải quyết công việc với dân, để xảy ra những nỗi oan sai, mất mát quá lớn cho người dân. Dân không có tiền cũng đồng nghĩa với không được việc. Cũng chỉ vì lóa mắt trước đồng tiền mà nhiều quan chức đã mắc vòng lao lý, làm mất đi một đội ngũ cán bộ.
Đồng tiền, bát gạo của Chính phủ cứu đói cho dân; con dê, con bò hỗ trợ dân nghèo cải thiện cuộc sống cũng bị quan chức địa phương ăn chặn. Đến nỗi, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phải thốt lên rằng: “Người ta ăn của dân không từ cái gì”.
Ngay cả khi thiên tai bão lũ, có những cán bộ đi cơ sở chỉ đạo phòng chống mà chỉ lướt qua, ngó nghiêng, phán mấy câu rồi kéo nhau về trụ sở ăn nhậu. Sự việc mới nhất là Giám đốc sở Giao thông Vận tải tỉnh Thái Bình đã nhậu đến say khướt với quan chức huyện Tiền Hải giữa lúc bão số 1 đang hoành hành (tối 27-7 vừa qua). Thật đúng với câu “Sống chết mặc bay, tiền thày bỏ túi”. Cứ ngỡ chuyện này chỉ diễn ra với quan phụ mẫu đi chống lụt ven sông Hồng thời phong kiến (trước Cách mạng Tháng Tám) nhưng nó lại tái diễn ngay ở thì hiện tại.
Không thể liệt kê ra hết những thói hư tật xấu của một bộ phận cán bộ đảng viên hiện nay. Họ đã làm hoen ố phẩm chất cao đẹp của người đảng viên, làm mất niềm tin của người dân và đe dọa sự tồn vong của Đảng, Nhà nước. Phải ngăn chặn và loại bỏ những cán bộ đảng viên này ra khỏi hàng ngũ những người cộng sản chân chính là nhiệm vụ của tổ chức đảng các cấp.
Đầu năm 2012, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW - Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Hơn 4 năm qua, nghị quyết này đang đi vào cuộc sống. Hy vọng rằng, Đảng ta tiếp tục duy trì những biện pháp hữu hiệu từ nghị quyết này để giữ cho đảng ta trong sạch, vững mạnh, lấy lại niềm tin của nhân dân, bảo vệ vững chắc thành quả mà Cách mạng Tháng Tám mang lại.
Bùi Đức