Thuế, phí... chuyện không của riêng ai
Câu chuyện về áp lực thuế, phí trên vai doanh nghiệp đang là vấn đề nóng trong dư luận xã hội hiện nay, nhất là với cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam. Làm phép thử: gõ từ khóa “gánh nặng thuế phí” trên công cụ tìm kiếm google, thì chỉ sau 0,49s, có đến 1.240.000 kết quả liên quan đến nội dung này. Theo nhận định của ông Nguyễn Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, “các khoản thuế, phí ở Việt Nam hiện đã chiếm tới 40,8% lợi nhuận của doanh nghiệp. Đây là mức huy động thuộc loại cao nhất trong khu vực”.
Cung quanh câu chuyện thuế - phí, phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Biên - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) để có thể hiểu rõ hơn về áp lực thuế, phí với TKV - một tập đoàn kinh tế Nhà nước đang đảm nhận vai trò là 1 trong 3 trụ cột đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Thuế, phí tăng cao kìm hãm ngành than
PV: Có nhận định cho rằng, với việc tăng thuế suất tài nguyên từ 1-7-2016, tương ứng với việc tăng thêm hơn 1.000 tỉ đồng tiền thuế, ngành than đang chịu mức mức thuế cao nhất thế giới. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?
Phó tổng giám đốc TKV Nguyễn Văn Biên |
Phó tổng giám đốc TKV Nguyễn Văn Biên: Trước hết, xin trao đổi với phóng viên về mức thuế tài nguyên liên tục tăng trong giai đoạn 6 năm trở lại đây. Nếu như năm 2010, mức thuế trên 1 tấn than là 44.248 đồng/tấn, thì đến năm 2015 mức thuế này 97.100 đồng/tấn, gấp 2,2 lần so với năm 2010 (nếu trừ yếu tố giá thì do thuế suất tăng khoảng 2 lần), nếu tính cả tiền cấp quyền khai thác thì mức tăng cao hơn. So với Australia, mức thuế này chỉ 2-15%, trung bình lộ thiên 7%, hầm lò 6% và không áp dụng thuế xuất khẩu than; than Indonesia thuế tài nguyên 3-7%; than Trung Quốc thuế tài nguyên 0-4%... Như vậy, thuế tài nguyên của Việt Nam cao hơn 7-10% so với các nước.
Chưa hết, về đơn giá tính thuế tài nguyên cũng liên tục điều chỉnh theo chiều hướng ngày càng tăng. Ngoài thuế tài nguyên, tiền cấp quyền khai thác, TKV còn phải nộp phí môi trường và thuế môi trường khoảng 2,5% giá thành; chưa kể chi phí thăm dò, chi phí môi trường do TKV thực hiện khoảng 4% giá thành. Riêng đối với than xuất khẩu: Giá thành cộng thêm 10% thuế GTGT đầu vào không khấu trừ thì tổng số thuế, phí trong giá thành là 26% (nếu tính cả chi phí môi trường, thăm dò do TKV thực hiện: 30%), cộng thêm thuế xuất khẩu than 10% thì tổng số thuế phí khoảng 36-40%.
Trong khi đó, điều kiện khai thác ngày càng khó khăn do xuống sâu (hệ số đất, cung độ vận chuyển tăng, nhiều mỏ hầm lò xuống sâu -300-500m), lợi nhuận của TKV các năm vì thế cũng giảm, thu nhập của người lao động chậm được cải thiện, việc tuyển dụng và giữ chân thợ mỏ ngày càng khó khăn.
Trong các năm gần đây, khi thuế suất tăng thì sản lượng than khai thác, tiêu thụ giảm, lợi nhuận doanh nghiệp giảm mạnh, tổng số nộp ngân sách Nhà nước cũng giảm theo vì tổng sản lượng sản xuất, tiêu thụ giảm. Doanh nghiệp không có điều kiện tích lũy để đầu tư phát triển.
PV: Vậy có thể hiểu là sự gia tăng liên tục về thuế phí đã ảnh hưởng lớn đến sức cạnh tranh của ngành than, phải không ông?
Phó tổng giám đốc TKV Nguyễn Văn Biên: Chúng ta đều biết các năm gần đây, kinh tế suy giảm, nhu cầu năng lượng nói chung giảm theo, đặc biệt ngành than trên thế giới gặp nhiều khó khăn, giá than trên thị trường thế giới giảm trên 30%, giá đồng, quặng sắt giảm 30-60%... ngành khoáng sản nói chung và ngành than nói riêng đang gặp nhiều khó khăn, nhiều nước tạm thời phải giảm, bỏ nhiều loại thuế phí khác để ổn định sản xuất, việc làm, thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn và tạo điều kiện cho sản phẩm cạnh tranh hơn.
Như đã nói ở trên, mức thuế tài nguyên đối với ngành than Việt Nam 5 năm gần đây lại tăng liên tục và đang ở mức rất cao, làm giảm sức cạnh tranh than Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế. Than nhập khẩu của các nước tràn vào đã chiếm 1/4 thị phần của thị trường Việt Nam. Cũng chính vì vậy mà lợi nhuận ngành than trong nước giảm mạnh. Doanh nghiệp không đủ vốn đối ứng để đầu tư phát triển, không khuyến khích khai thác tận thu tài nguyên (vì thuế cao thì chỗ khó phải tạm thời giãn sản xuất). Ảnh hưởng đến hệ số tín nhiệm của TKV trên trường quốc tế, dẫn tới phải vay lãi suất cao hơn, chi phí tăng. Việc cải thiện thu nhập và đời sống công nhân mỏ còn hạn chế. Quan trọng hơn là, trong khi nhu cầu than cho nền kinh tế các năm tới đây tăng cao thì các doanh nghiệp mỏ phải có lợi nhuận, vốn đầu tư đối ứng để đầu tư xây dựng các mỏ mới. Tuy TKV đã tích cực triển khai các giải pháp nâng cao năng lực sản xuất, tiết kiệm chi phí (chưa kể đến khai thác xuống sâu ngày càng rủi ro cao, ảnh hưởng lớn do mưa lũ vừa qua...); song rất cần có sự chia sẻ, thấu hiểu của các nhà làm chính sách, để đảm bảo lợi ích hài hòa giữa nộp ngân sách, lợi nhuận để doanh nghiệp đầu tư phát triển như ngành mỏ các nước khác đã thực hiện nhiều năm nay.
Thợ hầm lò TKV |
Hiện nay, Bộ Tài chính đang dự thảo và sẽ ban hành bảng khung giá tính thuế tài nguyên để áp dụng chung trên toàn quốc. Trên cơ sở đó, các tỉnh sẽ ban hành bảng giá tính thuế tài nguyên áp dụng trên địa bàn tỉnh để thực hiện. Theo dự thảo bảng giá tính thuế tài nguyên của Bộ Tài chính thì khung giá tính thuế tài nguyên tiếp tục tăng cao hơn nhiều so với giá bán sản phẩm tài nguyên thực tế trên thị trường hiện nay (nhiều loại lấy theo giá 4-5 năm về trước là thời điểm cao đột biến). Mặt khác, chủng loại tài nguyên tại khung giá tính thuế chưa chi tiết theo từng chủng loại có mức giá bán khác nhau nên nếu khung giá tính thuế của Bộ Tài chính ban hành chung cho 1 chủng loại tài nguyên với mức giá cao nhất sẽ làm cho thuế tài nguyên phải nộp tăng đột biến.
Có thể nói, áp lực cả về thuế suất và giá tính thuế, phí sẽ tiếp tục làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, phát sinh thêm chi phí lưu kho, lãi vay và sẽ làm các doanh nghiệp sản xuất khoáng sản lâm vào tình trạng hết sức khó khăn, xu hướng sản lượng đang giảm dần, việc làm công nhân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thu hẹp hơn. Nếu sản xuất bị thu hẹp, thì vấn đề phục hồi lại sau này sẽ rất khó khăn và tốn kém rất nhiều.
PV: Chắc hẳn TKV đã rất nhiều lần “kêu cứu” lên các cấp nhưng thực tế thì thuế, phí vẫn tăng, khó khăn vẫn chưa được giải quyết?
Phó tổng giám đốc TKV Nguyễn Văn Biên: Đúng vậy, TKV đã nhiều lần báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế tài nguyên đối với sản phẩm than ngang với thuế suất của các nước trong khu vực: khoảng 5-7%, bao gồm cả tiền cấp quyền khai thác (vì bản chất tiền cấp quyền khai thác là thu thuế tài nguyên lần 2 nhưng do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành).
Thực tế, không chỉ riêng TKV mà nhiều doanh nghiệp cũng đang gặp nhiều khó khăn do chính sách thuế liên tục được sửa đổi, bổ sung, thay thế. Theo đó, hiện nay đối với một sắc thuế có rất nhiều nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn. Do có nhiều văn bản hướng dẫn một sắc thuế nên đâu đó có sự chồng chéo, chưa thống nhất hoặc sai khác về nội dung giữa các văn bản hướng dẫn. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện và đặc biệt sẽ tạo ra nhiều rủi ro khi doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra.
Xin ví dụ: Nghị định số 12/2015/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi các nghị định về thuế quy định về giá tính thuế tài nguyên như sau: “Trường hợp tài nguyên khai thác không bán ra mà phải qua sản xuất, chế biến mới bán ra (tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu) thì giá tính thuế tài nguyên khai thác được xác định căn cứ vào trị giá hải quan của sản phẩm đã qua sản xuất, chế biến xuất khẩu hoặc giá bán sản phẩm đã qua sản xuất, chế biến trừ thuế xuất khẩu (nếu có) và các chi phí có liên quan từ khâu sản xuất, chế biến đến khâu xuất khẩu hoặc từ khâu sản xuất, chế biến đến khâu bán tại thị trường trong nước”.
Tại Thông tư số 152/2015/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 12/2015/NĐ-CP chỉ quy định về giá tính thuế tài nguyên như sau: “Trường hợp sản phẩm tài nguyên được vận chuyển đi tiêu thụ, trong đó chi phí vận chuyển, giá bán sản phẩm tài nguyên được ghi nhận riêng trên hóa đơn thì giá tính thuế tài nguyên là giá bán sản phẩm tài nguyên không bao gồm chi phí vận chuyển”.
Như vậy, Nghị định 12 cho phép trừ toàn bộ chi phí để đưa sản phẩm tài nguyên từ nơi khai thác đến nơi tiêu thụ khi xác định giá tính thuế tài nguyên. Trong khi Thông tư hướng dẫn chỉ cho trừ chi phí vận chuyển ghi nhận trên hóa đơn.
Vì thời gian qua, chính sách thuế liên tục thay đổi, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có dự án đầu tư thì toàn bộ hiệu quả của dự án được xây dựng trên cơ sở chính sách thuế hiện hành. Tuy nhiên, dự án đầu tư có thời gian đầu tư dài thường 5-10 năm, trong khi chính sách thuế chỉ 2, 3 năm đã thay đổi làm tác động đến toàn bộ hiệu quả của dự án do không lường trước được sự thay đổi của chính sách thuế. Có những dự án xây dựng ban đầu là có hiệu quả, tuy nhiên sau khi chính sách thuế thay đổi (như xu hướng hiện này là thuế suất liên tục tăng) thì lập tức dự án sau khi đi vào hoạt động sẽ không còn hiệu quả nữa.
Từ thực tế trong quá trình sản xuất kinh doanh, chúng tôi đã có báo cáo và đề xuất các cấp có thẩm quyền xem xét hoàn thiện cơ chế, chính sách để ban hành thống nhất 1 văn bản để dễ thực hiện, kiểm tra, đối chiếu, xem xét ban hành chính sách thuế ổn định và có thời gian áp dụng, thực hiện trong khoảng thời gian dài nhất định.
Nhập khẩu than để đáp ứng chiến lược dài hạn
PV: Thưa ông, trong bối cảnh than sản xuất trong nước giảm sức cạnh tranh, tồn kho cao, tại sao TKV vẫn nhập khẩu than. Ông có thể làm rõ hơn ý kiến cho rằng TKV đang “vác củi về rừng”?
Phó tổng giám đốc TKV Nguyễn Văn Biên: Về cốt lõi phải hiểu rằng, than có nhiều loại than, mỗi chủng loại một đặc tính khác nhau, từ đó phải phân loại mới sử dụng được. Trong cơ cấu chủng loại than do TKV sản xuất có nhiều loại than khác nhau từ cám 1 đến cám 6a, b, cám 7a, b, c và các loại than cục. Hiện nay, tại thị trường trong nước, loại than cám 6a1 Hòn Gai, Cẩm Phả đang được nhiều nhà sử dụng lựa chọn và tiêu thụ nhiều. Trong khi đó, theo cân đối cơ cấu các chủng loại than sản xuất trong nước thì loại than này hiện không đáp ứng đủ nhu cầu của các hộ tiêu thụ trong nước (ước tính năm 2016 thiếu khoảng 3 triệu tấn).
Trong khi đó, loại than tương đương vùng miền Tây Quảng Ninh sản xuất (than Mạo Khê, Uông Bí, Vàng Danh) hiện tại thị trường ít có nhu cầu hơn do đặc tính lưu huỳnh cao hơn, chất bốc thấp hơn cho nên tồn kho còn cao (trước đây, loại than này chủ yếu xuất khẩu nhưng nay không còn được xuất khẩu nữa), cho nên TKV đã phải nhập khẩu một phần than Anthraxit chất bốc cao (10-15%) để: Một là, chế biến, pha trộn với một số loại than trong nước để cung cấp cho các hộ có nhu cầu, nhằm mục đích giảm tồn kho than khu vực miền Tây có chất bốc thấp, để ổn định sản xuất, việc làm, thu nhập cho thợ mỏ và an sinh xã hội trên địa bàn. Hai là, hiện nay, trên thế giới, nguồn than cung đang vượt cầu, có giá tốt, là thời điểm thuận lợi để từng bước thiết lập, đàm phán, đặt quan hệ lâu dài với các đối tác cung cấp than để khi thị trường phục hồi (thực tế là bắt đầu từ quý II/2016, giá than có chiều hướng tăng, cao hơn khoảng 5-10USD/tấn so với quý I) sẽ thuận lợi hơn việc duy trì hợp tác lâu dài cung cấp than cho nhu cầu trong nước sẽ tăng cao trong các năm tới.
Về chiến lược lâu dài, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Chính phủ đã giao TKV đẩy mạnh đầu tư khai thác và phát triển các mỏ, nâng cao sản lượng than sản xuất trong nước. Đồng thời, Chính phủ giao cho TKV là nhập khẩu than, đảm bảo cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện và các nhu cầu khác của nền kinh tế quốc dân. Theo quy hoạch, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than với khối lượng lớn từ sau năm 2017 và tăng mạnh từ năm 2020, chủ yếu là than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện, bao gồm cả than anthraxite và than nhiệt năng. Do vậy, việc TKV từng bước triển khai nhập khẩu than là tất yếu khách quan.
PV: Xin cảm ơn ông!
Theo Nghị quyết của Thường vụ Quốc hội, thuế tài nguyên tiếp tục tăng thêm từ ngày 1-7-2016. Theo đó, sản phẩm than khai thác lộ thiên sẽ tăng 12% và than khai thác hầm lò 10%. Theo tính toán, với mức thuế tài nguyên điều chỉnh tăng, đồng nghĩa với việc TKV tăng chi phí phải nộp lên khoảng 1.200 tỉ đồng/năm. Vì thế, TKV đề xuất giảm thuế tài nguyên trong nước, tránh để than nước ngoài tràn vào Việt Nam, làm ảnh hưởng đến sản xuất, tình hình việc làm của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. |
Nguyễn Kiên