Charlie Hebdo: Có chết cũng không chừa!
Mặc dù có đến 12 người bị giết trong vụ khủng bố ngày 7/1/2015 nhằm vào tòa soạn Charlie Hebdo ở Paris sau khi đăng ảnh biếm họa nhà Tiên tri Mohammed của người Hồi giáo, tạp chí châm biếm này của Pháp số ra ngày 10/8/2016 tiếp tục đăng tải biếm họa về người Hồi giáo khỏa thân trên bãi biển. Và ngay lập tức họ nhận được lời đe dọa sẽ bị tấn công vào ngày 30/8 tới.
Một trong số những hình ảnh biếm họa đã khiến Charlie Hebdo trả giá bằng 12 mạng người trong vụ tấn công khủng bố hồi đầu năm 2015 |
Trong bức biếm họa đăng ngay trên trang nhất trong số báo ra ngày 10/8 vừa qua, Charlie Hebdo vẽ một người đàn ông có râu và một người phụ nữ đeo khăn trùm đầu. Hai người đều không mảnh vải che thân, chạy trên bãi biển kèm dòng chú thích: “Cuộc cải cách của đạo Hồi: Người Hồi giáo hãy giải phóng mình!”.
Biếm họa được đăng tải sau khi chính quyền Pháp ra lệnh cấm trùm khăn đội đầu kiểu Hồi giáo trên bãi biển Cannes.
Ngay sau khi đăng tải hình ảnh biếm họa trên, Charlie Hebdo đã nhận được rất nhiều lời đe dọa, trong đó nghiêm trọng nhất là lời cảnh báo sẽ tấn công tòa soạn này một lần nữa vào ngày 30/8 tới.
Có thể nói Charlie Hebdo có chết cũng không chừa việc sỉ nhục đạo Hồi và người Hồi giáo. Trong số những lời bình luận hình biếm họa mới được Charlie Hebdo đăng tải trên tài khoản Facebook của họ, rất nhiều người cho rằng cách làm tạp chí này gây kích động làn sóng phẫn nộ của tín đồ Hồi giáo do xúc phạm đến đạo Hồi và người Hồi giáo.
Chả lẽ những người làm báo Charlie Hebdo không biết rằng, tôn giáo nào cũng có những hạt nhân giá trị; tôn giáo nào cũng có xu hướng trở thành độc tôn... Tuy nhiên các tôn giáo phải tôn trọng lẫn nhau. Lịch sử của tôn giáo đã truyền lại, các tín đồ cần tôn trọng tôn giáo của mình để trở thành độc tôn, chứ không phải bằng cách tiêu diệt, phá hoại tôn giáo khác.
Hành động vẽ tranh biếm họa về đạo Hồi và người Hồi giáo hết lần này đến lần khác của Charlie Hebdo được giải thích bằng quyền tự do ngôn luận ở Pháp. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng tự do ngôn luận không có nghĩa là anh có quyền đi sỉ nhục người khác và nhất là báng bổ cả một tôn giáo như cách làm của Charlie Hebdo.
Mỗi tôn giáo đều có triết lý riêng. Điều đó có thể đúng với tôn giáo này nhưng khác với tôn giáo kia, thậm chí là đối nghịch.
Có nhiều cách để đấu tranh chống lại tư tưởng cực đoan trong các tôn giáo bằng đấu tranh tinh thần như văn chương, nghệ thuật, đấu tranh lại với những mê tín cực đoan của tôn giáo. Kể cả những người không theo tôn giáo, họ có quyền đấu tranh với những mê tín, quan niệm sai lầm của tôn giáo.
Tuy nhiên, việc kỳ thị, sỉ nhục tín ngưỡng, tôn giáo khác của Charlie Hebdo đối với người đạo Hồi thông qua những bức biếm họa thô tục là phản văn minh.
Bản thân tạp chí này đã từng là mục tiêu tấn công khủng bố hồi đầu năm 2015 và nước Pháp cũng liên tiếp bị tấn công khủng bố thời gian gần đây, việc tạp chí Charlie Hebdo tiếp tục đăng tải những hình ảnh mang tính kích động vào thời điểm này là điều khó có thể “ thông cảm” được.
Hình ảnh biếm họa của Charlie Hebdo có thể thỏa mãn được một nhóm người nào đó, nhưng lại làm liên lụy tới những người khác. Ngay ở Pháp, dư luận hiện cũng đang bị chia rẽ giữa một bên là ủng hộ cách làm của Charlie Hebdo với một bên phản đối.
Người đứng đầu đạo Hồi tại Pháp tuyên bố rằng bất kỳ ai nghĩ rằng hành động sỉ nhục của Charlie Hebdo sẽ không vấp phải phản ứng nào từ 1,7 tỷ người Hồi giáo trên thế giới là điều sai lầm.
Cần nhắc lại, có khoảng 15-20 triệu người Hồi giáo đang sống tại châu Âu, chiếm 4-5% dân số. Pháp là nước đông dân Hồi giáo nhất châu Âu, chiếm 7-10% dân số.
Nh.Thạch