Cái ác mang khuôn mặt truyền thông
Chuyện của nữ sinh T. ở quận 5 (TP/HCM) bị đưa lên mạng, công khai điểm thấp trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, rồi sau đó là những ý kiến, bình luận… khiến mọi người ngán ngẩm về cách đưa tin không suy xét của nhiều trang mạng.
Mới đây, nhiều báo đã giật tiêu đề “Sa “lưới tình”, sư trụ trì 62 tuổi bị tống tiền nhiều lần”, hay như “Gạ tình thiếu nữ, sư thầy 62 tuổi bị tống tiền?” – gây hoang mang dư luận, đặc biệt là chư Tăng Ni, Phật tử thành phố đang chuẩn bị kết khóa một mùa an cư miên mật.
Đây không phải là chuyện mới, là trường hợp đầu tiên, mà nó xảy ra với tần suất thường xuyên, vì hiện có quá nhiều trang tin, lập lờ báo mạng với sự cạnh tranh lượt view, đua về độ “hot” một cách bất chấp.
Bạn tôi, có nhiều người từng làm việc cho một vài trang như vậy, chỉ cần tuyển biên tập viên chuyên đi “tổng hợp” từ nội dung các báo, thậm chí trên Facebook và giật tít cho thiệt “gợi cảm” để thu hút bạn đọc quan tâm. Tôn chỉ của những trang đó là đăng tin giật gân, chết chóc, hãm hiếp, án mạng, đời tư… để có lượng truy cập nhiều.
Ngán ngẩm với cách “làm báo” kiểu ngồi nhà tổng hợp, làm mỗi ngày hàng mấy chục tin, bài ấy (dù lương cao), một số bạn bè của tôi đã bỏ việc, thậm chí bỏ nghề để chuyển hướng khác cho thanh thản. Lòng tự trọng đối với nghề, với công việc truyền thông – báo chí được dạy bài bản ở trường không cho phép những người bạn ấy “ngồi mát ăn bát vàng”, không để mình vô cảm trước những thông tin chết chóc của những người kém may mắn quanh mình chỉ để thỏa mãn nhu cầu câu view của trang tin/ báo mình làm, nên đã quyết định vậy, dù đôi khi cũng phân vân với thu nhập đang nhận.
Ảnh minh họa |
Có một người bạn chuyên mảng chính trị - xã hội ở một tờ báo kể, trong một lần đi tác nghiệp chung với những đồng nghiệp khác, anh đã giật mình vì nghe chính người quen trong “làng” tỏ ra… tiếc nuối ở ngay hiện trường một vụ tai nạn, rằng: ồ, không có thương vong thì sao làm tin đây!
Lạnh lùng và vô cảm. Người làm truyền thông cần tin nhưng sao có thể nói được một câu hững hờ với sinh mạng của con người như thế. Sao có thể chỉ vì cái tin mình được đăng báo ngày mai, cùng với lượt quan tâm của bạn đọc trên trang online của báo mình mà thể hiện sự tiếc nuối khi không có người chết trong một vụ tai nạn nào đó? Bạn tôi bảo, đôi khi đắng lòng thực sự vì những sự vô cảm như thế. Anh nói, phải nhớ kỹ để giữ mình không tha hóa chỉ vì nghĩ tới cái được cho công việc mình.
Trở lại việc đăng tin, bài về một người mà không xin phép, không viết tắt tên… hoặc không kiểm soát những bình luận ác ý phía dưới tin, bài nào đó cũng có thể xem là xúc phạm người ấy, là sự độc ác. Sẽ thực sự ác độc nếu trong trường hợp đó, người trong cuộc vì sự ê chề mà nghĩ tới việc hành xử tiêu cực.
Đọc báo mạng (cần độ nhanh, cập nhật hàng ngờ, hàng phút) mới thấy, đôi khi người duyệt đăng nội dung một bản tin nào đó… quá ác thì không hề nghĩ, phía sau đó là những suy nghĩ tiêu cực của số đông, những tò mò bản năng khiến người đọc trở nên xấu hơn chớ không giúp gì cho cộc sống.
Khi truyền thông vì lợi nhuận, vì muốn câu khách rẻ tiền, thiếu tôn trọng con người, nhất là những nhân vật mà mình khai thác theo hướng xấu thì khi ấy truyền thông và người làm truyền thông sẽ mang khuôn mặt của cái ác. Tự thân truyền thông đã khiến cho công chúng thiếu tông trọng mình, tự hạ thấp niềm tin nơi công chúng vào trang tin/ tờ báo mã bao thế hệ đã dày công gây dựng, xây đắp!