5 lý do khiến Mỹ nên bỏ phiếu cho một Nhà nước Palestine độc lập
Mỹ không nên dùng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an hay bỏ phiếu chống lại đề nghị gia nhập Liên hiệp quốc và xin công nhận Nhà nước Palestine độc lập của Palestine.
Cuối tháng 9 này, nhân kỳ họp lần thứ 66 của Đại hội đồng Liên hiệp quốc, Tổng thống Palestine Abbas sẽ đơn phương đệ đơn chính thức xin gia nhập Liên Hiệp Quốc và đề nghị trở thành một quốc gia độc lập, bất chấp sự phản đối gay gắt của Israel và Mỹ. Và mặc dù ước mơ cháy bỏng 64 năm nay của người Palestine được tuyệt đại đa số các nước thành viên Liên Hiệp Quốc ủng hộ (tính đến ngày 15/9/2011 đã có 127/193 nước ủng hộ) nhưng chỉ cần một lá phiếu phủ quyết của Mỹ thôi, tỷ lệ ủng hộ kia cũng sẽ chẳng có “ý nghĩa pháp lý” gì. Thậm chí, Mỹ cũng đã từ chối tham gia vào cuộc bỏ phiếu mang tính biểu tượng tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc mà kết quả của nó có thể sẽ “nâng cấp” Palestine từ một “tổ chức quan sát viên” thành một “quốc gia quan sát viên”.
Tờ Los Angeles Times (Mỹ) đã đưa ra 5 lý do biện giải cho việc Mỹ nên ủng hộ nguyện vọng này của người Palestine và không thực hiện quyền phủ quyết của mình tại Liên Hiệp Quốc.
Đàm phán đã thất bại
Hai thập kỷ đàm phán vẫn chưa đem lại cho người Palestine một nhà nước của riêng mình. Trong khi đó, người Israel và người Palestine thì vẫn đổ lỗi cho nhau về bế tắc hiện nay.
Nhưng câu hỏi ở đây không nên là “Ai là người có lỗi?”. Vấn đề ở đây là Hiệp định Oslo năm 1993 đã nêu rõ nguyên tắc phải thành lập một nhà nước của người Palestine và tạo nền tảng cho giải pháp hai nhà nước Israel – Palestine song song tồn tại. Thời điểm đó chỉ có chưa đầy 100.000 người định cư Israel sinh sống ở Bờ Tây và hiện tại, con số đó đã lên quá 300.000 người.
Theo Tổ chức nhân quyền của Israel B’Tselem, có khoảng nửa triệu người Israel hiện đang sống “lấn đường ranh giới xanh” (Green Line: tuyến đường thỏa thuận phân chia hai lãnh thổ Israel và Palestine giữa những năm 1949 và 1967) vào phần đất đã được chỉ định thuộc về Nhà nước tương lai của người Palestine.
Hàng ngày, khi người Palestine mong ngóng, chờ đợi một Nhà nước độc lập với lãnh thổ xác định cho riêng mình thì cái phần lãnh thổ đáng lẽ thuộc về họ ấy cứ bị lấn dần, mất dần vào tay người Israel.
Thực tế là có đàm phán thêm một vài năm nữa cũng chẳng đi đến đâu, chẳng giải quyết được vấn đề gì.
Chính phủ Israel do Đảng Li-kud lãnh đạo sẽ không bao giờ chấp nhận một Nhà nước Palestine độc lập
Gần một thập kỷ trước, ông Benjamin Netanyahu khi đó đang tranh đua cho vị trí lãnh đạo Đảng Li-kud đã có một bài phát biểu mang tính “tuyên ngôn tranh cử” rằng: “Chúng ta sẽ không giúp thành lập một nhà nước Palestine phía Tây sông Jordan… Chúng ta phải bỏ phiếu ủng hộ dự thảo Nghị quyết chống lại nhà nước Palestine.”.
7 năm sau đó, do chịu áp lực lớn từ chính quyền Obama, ông Netanyahu lúc này là Thủ tướng Israel mới miễn cưỡng chấp nhận khái niệm về một nhà nước Palestine về nguyên tắc. Tuy nhiên, cụm từ “Nhà nước Palestine” ông nói có vẻ như được định nghĩa theo cách của riêng ông ta mà thôi.
Những điều kiện để thừa nhận một nhà nước Palestine được ông liệt kê như: phần lãnh thổ do người Palestine kiểm soát sẽ phải phi quân sự hóa, nghĩa là không có quân đội, không có kiểm soát dọc biên giới, không có thủ đô ở Đông Jerusalem, người tị nạn Palestine không có quyền được hồi hương và phải công nhận Israel là “Nhà nước Do Thái”,… chẳng khác nào những ngụy biện cho một nhà nước Palestine không có chủ quyền thực sự.
Và ngay cả khi ông Netanyahu có hảo ý ủng hộ thành lập một nhà nước Palestine thật đi chăng nữa, chắc chắn rằng siêu liên minh cánh hữu trong Đảng của ông ta cũng sẽ không cho phép ông ta thực hiện được ý tưởng này.
Thật vậy, sau bài phát biểu năm 2009 đó của ông Netanyahu, ngay lập tức, các thành viên cứng rắn trong Đảng Li-kud đã yêu cầu ông Netanyahu rút lại tuyên bố ủng hộ thành lập một nhà nước Palestine. Danny Danon, một trong những thành viên Nghị viện có ảnh hưởng nhất của Li-kud đã tuyên bố coi việc thành lập Nhà nước Palestine là mối đe doạ đối với Israel và còn thề sẽ làm mọi cách để ngăn cản sự nhượng bộ dưới áp lực của Mỹ này của ông Netanyahu.
Tổng thống Obama đã thất bại hoàn toàn trong việc thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông
Ông Obama đã bắt đầu nhiệm kỳ của mình với một cách tiếp cận cuộc khủng hoảng Israel – Palestine tích cực hơn. Bên cạnh một bài diễn văn cao cả với giọng điệu đồng cảm với “nỗi đau khổ của người Palestine” – những người sau hơn 60 năm “chưa được gọi là công dân”, ông cũng đưa ra những kiến nghị cụ thể để thúc đẩy đàm phán hai bên Israel – Palestine.
Nhưng những nỗ lực ngăn Israel tạm dừng xây dựng các khu định cư của ông Obama đã có phản ứng ngược khi chính ông lại bị “khuất phục” bởi thái độ không khoan nhượng của Israel.
Hồi tháng 2/2011, Mỹ đã dùng quyền phủ quyết của mình tại Hội đồng Bảo an để phủ quyết một Nghị quyết về Arab, lên án các khu định cư của Israel tại các vùng lãnh thổ Palestine, với lý do gây trở ngại cho hòa bình.
Đến tháng 5/2011, khi ông Obama thông báo ủng hộ một nhà nước Palestine với đường biên giới cơ sở có từ năm 1967 bao gồm các khu vực Bờ Tây, dải Gaza và Đông Jerusalem, ngay lập tức ông Netanyahu đã “phản pháo” dữ dội rằng các đường biên giới, vốn tồn tại trước cuộc chiến năm 1967, là "không thể bảo vệ được”.
Tất cả những hành động này của ông Netanyahu và Đảng cánh hữu của ông thật chẳng khác nào những “gáo nước lạnh” dội vào Obama và làm giảm vẻ “uy nghi” của nước Mỹ trên sân khấu chính trị quốc tế.
Do đó, không có hành động nào quyết liệt hơn, sáng rõ hơn để chứng tỏ rằng Mỹ không phải là “chú cún” của Israel bằng hành động bỏ phiếu cho sự độc lập của Palestine.
Ủng hộ một nhà nước Palestine độc lập – không phải là một hành động "tự sát chính trị”
Không có ai nghi ngờ tỷ lệ áp đảo ủng hộ Israel trong dân Mỹ nhưng các cuộc thăm dò thời gian qua đã cho thấy đa số người Mỹ cho rằng Mỹ không nên ủng hộ một bên trong các cuộc xung đột.
Nhiều chính trị gia Mỹ còn đồng thuận cho rằng chính sách của Mỹ đối với Israel đã làm thiệt hại nghiêm trọng lợi ích của Mỹ và ảnh hưởng đến hình ảnh của siêu cường này trên toàn thế giới.
Theo một cuộc thăm dò năm 2008 của J.Street – một tổ chức Do Thái mới nổi ở Mỹ, có 78% người Mỹ gốc Do Thái cho biết họ ủng hộ giải pháp hai nhà nước và 81% muốn Mỹ dùng áp lực với cả hai bên để chấm dứt xung đột.
Tất nhiên, các thành viên Đảng Cộng hòa có thể sẽ vin vào việc ông Obama không sử dụng quyền phủ quyết tại Liên hiệp quốc để gắn cái “nhãn” “chống Israel” cho Obama và Đảng Dân chủ. Nhưng lịch sử cho thấy, trong nhiều năm, chiến lược nhất quán này của một bộ phận Đảng Cộng hòa đã luôn gặp thất bại. Trong bất kỳ tình huống nào,vẫn theo kết quả cuộc thăm dò trên của J.Street, chỉ có 8% người Do Thái tại Mỹ chọn Israel là một vấn đề lưu tâm trong việc quyết định bỏ phiếu bầu Tổng thống cho ai.
Người Palestine đang đi lại con đường mà 60 năm trước người Israel đã từng đi
Israel cứ khăng khăng rằng người Palestine không thể tuyên bố độc lập và đơn phương xin công nhận của Liên hiệp quốc mà không nghĩ hay cố tình không nghĩ rằng người Palestine chỉ đơn thuần đang đi lại con đường mà cách đây 60 năm người Israel đã từng đi.
Năm 1948, Liên hiệp quốc bỏ phiếu phân chia các phân vùng lãnh thổ của Palestine, các cường quốc trên thế giới cũng ngồi tranh cãi với nhau làm thế nào để phân chia vùng đất lịch sử – nơi người Arab và người Do Thái đã tranh giành và sử dụng bạo lực với nhau suốt hơn một thế kỷ. Chộp lấy cơ hội này, những người theo chủ nghĩa phục quốc Zion đã nhanh chóng thành lập Nhà nước Israel và đơn phương tuyên bố độc lập. Ngay lập tức, Nhà nước này đã được Mỹ công nhận và sau đó một năm, năm 1948 đã được Liên hiệp quốc chấp nhận chủ quyền.
Phương Anh