Cuộc chiến giữa các tỉ phú Nga trên đất Anh
Vụ kiện cáo giữa hai trùm tài phiệt Nga thuộc loại giàu nhất London hứa hẹn có nhiều chi tiết “vạch áo cho người xem lưng”.
Tòa án London vừa chính thức xem xét lá đơn kiện từ 5 năm trước của Boris Berezovski đối với Roman Abramovich. Trong vụ kiện tụng đã kéo dài suốt 5 năm này, nhà tài phiệt Berezovski hy vọng sẽ đòi được đối tác cũ của mình – tài phiệt đồng hương người Nga Roman Abramovich, cũng là ông chủ của Câu lạc bộ Bóng đá Chelsea – phải đền bù cho mình khoản tiền lên tới 5 tỉ USD. Vụ kiện đình đám trên được giới quan sát tại Anh đánh giá chẳng khác gì một màn kịch nhiều tình tiết hấp dẫn với sự tham gia của hai trùm tài phiệt người Nga giàu có và nổi tiếng nhất tại London.
Ngay từ trước khi Tòa án London bắt tay vào xem xét vụ việc, hai trùm tài phiệt gốc Nga này đã khơi mào một cuộc khẩu chiến với rất nhiều những cáo buộc và tuyên bố gay gắt nhằm vào nhau. Tất cả đều trở thành đề tài cho những dòng tít giật gân trên các báo chí của Anh trong suốt tuần qua với những từ ngữ kiểu như “tống tiền”, “lừa dối”, “gian lận”, “phản bội”…
Mọi chuyện được bắt đầu với những cáo buộc của Berezovski nhằm vào vai trò của Abramovich trong một số thương vụ từ đầu những năm 2000, khi nguyên đơn trước nguy cơ bị truy tố hình sự đã buộc phải chạy khỏi Nga và xin cư trú chính trị tại Anh. Theo khẳng định của Berezovski, đối tác làm ăn cũ của ông là Abramovich đã lợi dụng tình cảnh trên để ép buộc nhà tài phiệt đang bị thất thế phải bán rẻ các cổ phần của mình tại kênh truyền hình OPT, cũng như tại các công ty “Sibneft” và “Rusal”. Chẳng hạn như trong vụ “Sibneft”, Berezovski cho biết ông ta và đối tác người Gruzia là Badri Patarkatsishvili đã mua được một nửa số cổ phần của công ty (nửa còn lại là của Abramovich). Tuy nhiên, sau khi Berezovski buộc phải chạy khỏi Nga vào năm 2000, Abramovich đã ép ông ta phải bán lại số cổ phần của mình với giá 1,3 tỉ USD, tức là thấp hơn nhiều giá trị thực tế trên thị trường.
Cũng theo Berezovski, Abra-movich đã bắt buộc ông phải bán lại các cổ phần bằng hai thủ đoạn trái phép – đầu tiên là vi phạm những thỏa thuận miệng trước đó, tiếp đó là thủ đoạn đe dọa tống tiền. Cụ thể, đối tác cũ Abramovic đã ép buộc Berezovski phải bán lại tất cả các cổ phần tại ba công ty trên với giá rẻ mạt, đồng thời đe dọa nếu thương vụ không được tiến hành, tất cả những tài sản trên sẽ bị nhà nước tịch thu. Tổng số thiệt hại từ những thương vụ bán tống bán tháo trên, theo Berezovski, đã khiến ông ta phải tổn thất hơn 5 tỉ USD.
Vụ kiện cáo giữa hai trùm tài phiệt Nga thuộc loại giàu nhất London hứa hẹn có nhiều chi tiết “vạch áo xem lưng” hấp dẫn đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý đặc biệt của công luận nước Anh. Như theo tuyên bố của quan tòa Elizabeth Gloster, có lẽ trên khắp cả nước Anh cũng không thể tìm được một gian phòng xét xử nào đủ rộng để chứa cả một đội quân khổng lồ các luật sư, nhà báo và cả công chúng muốn tham dự phiên tòa trên.
Ngay trong ngày xét xử đầu tiên của phiên tòa hôm 10/10, Berezovski đã đưa ra những lời lẽ gay gắt, tố cáo Abramovich “đã phản bội và tống tiền” mình, đồng thời chỉ trích ông Chủ tịch Câu lạc bộ Chelsea là “coi tài sản và quyền lực có ý nghĩa hơn lòng trung thành và tình bạn”. Berezovski còn mỉa mai rằng, đối tác cũ của ông ta “không đủ trí tuệ” để có thể xây dựng một đế chế kinh doanh của riêng mình, nếu như không phải nhờ đến sự giúp đỡ của chính quyền (theo nguyên đơn, Abramovich không thể thực hiện những thương vụ mang tính chèn ép trên nếu như không có sự giúp đỡ của Vladimir Putin và Chánh văn phòng Tổng thống Nga khi đó là Alexander Voloshiny). Berezovski nói thẳng rằng, mặt mạnh duy nhất của Abramovich chính là khả năng gây dựng được sự tin cậy của mọi người với mình: “Anh ta là một bậc thầy tâm lý khôn khéo, biết cách làm hài lòng mọi người – báo chí Anh trích lời của Berezovski – Anh ta biết cách tỏ ra nhũn nhặn, có thể túc trực nhiều ngày giữa những nhóm người có ảnh hưởng trong xã hội để có thể đạt được mục đích nào đó”.
Bản thân Roman Abramovich ngay từ những ngày tranh chấp pháp lý đầu tiên đã bác bỏ tất cả những lời cáo buộc nhằm vào mình, phủ nhận sự tồn tại của những thỏa thuận miệng giữa ông ta và Berezovski. Cho tới giờ, ông Chủ tịch Chelsea vẫn tỏ ra né tránh những lời trả đũa gay gắt, cho dù các luật sư của Abramovich tại phiên tòa đã nhiều lần buộc tội Berezovski là gian dối. Chẳng hạn như những luật sư này đã nhắc nhở rằng, Berezovski cho đến trước năm 2001 vẫn phủ nhận mình là một cổ đông của “Sibneft”.
Hơn nữa, những luật sư này cũng bày tỏ nghi ngờ về khả năng những cuộc gặp tại ngôi biệt thự ở Pháp của Berezovski, theo như lời nguyên đơn, trong đó Abramovich đã ép buộc chủ nhân phải bán lại cổ phần tại OPT. Theo những luật gia này, dựa trên nhiều tài liệu làm bằng chứng, vào thời điểm tháng 12/2000 khi đó, Abramovich còn đang rất bận bịu với cuộc bầu cử tỉnh trưởng nên không hề rời khỏi Nga, trong khi bản thân Berezovski lúc đó lại đang ở New York. Berezovski còn bị luật sư của đối phương chỉ trích rằng, đã từng lợi dụng vị thế của mình để gây ảnh hưởng lên Tổng thống Boris Eltsin.
Báo chí Anh dù rất nhiệt tình đưa tin về cuộc chiến pháp lý giữa hai trùm tài phiệt Nga tại London, nhưng vẫn có xu hướng né tránh bình luận sâu thêm. Ngoại lệ duy nhất có lẽ là tờ báo “Evening Standard”, cũng dưới quyền kiểm soát của một thương gia có ảnh hưởng là người Nga khác là Alexander Lebedev. Tác giả bài báo trên “Evening Standard” đã gọi phiên tòa là “một vở kịch tệ hại”. Đối tượng bị chỉ trích chính trong bài báo lại nhằm vào Berezovski, nhân vật được nhắc tới với những quá khứ đen tối tại Điện Kremlin, cũng như những âm mưu bất thành nhằm lật đổ Vladimir Putin.
Dù thế nào, công chúng tại xứ sở sương mù vẫn tỏ ra háo hức chờ đón những tình tiết hậu trường hấp dẫn mới có thể được tiết lộ trong những phiên xử sắp tới. Như tờ The Times mới đây đã bật mí rằng, Berezovski đã đồng ý với giá 50 triệu USD để mua lại cuộn băng ghi âm bí mật cuộc gặp của ông ta với Abramovich và Patarkatsishvili tại sân bay Le Bourget (Paris) vào tháng 12/2000. Cuộn băng dường như đã được một người tên là Lugovy ghi âm theo chỉ thị của Patarkatsishvili, trong khi cả Berezovski và Abramovich không hề biết. Cần biết Lugovy là vệ sĩ của Patarkatsishvili (thương gia này đã chết vào năm 2008 sau một cơn đau tim), đang là đối tượng tình nghi chính trong cái chết của cựu nhân viên KBG Alexander Litvinenko. “Có giả thuyết rằng sau cuộc gặp tại Le Bourget, cuốn băng đã được cất giữ trong két của Patarkatsishvili cho đến khi ông ta qua đời. Không hiểu bằng cách nào, cuốn băng lại xuất hiện tại Nga và được bán cho Berezovski” – tờ The Times cho biết thêm. Nhiều khả năng, cuốn băng sẽ được Berezovski sử dụng làm bằng chứng trên tòa về việc Abramovich đã bắt ông ta bán cổ phần của mình. Cuộc chiến tranh chấp pháp lý giữa hai trùm tài phiệt Nga chắc chắn sẽ còn có nhiều màn hấp dẫn hơn nữa trong thời gian sắp tới.
Hồng Sơn