Các lệnh trừng phạt kinh tế Syria: Tác động tiêu cực với nhiều bên
Rất nhiều nhà quan sát coi các lệnh trừng phạt kinh tế mà Liên đoàn Arập (AL) áp đặt đối với Syria là các nỗ lực nhằm gia tăng áp lực đối với chính quyền Syria song ngày càng có nhiều mối quan ngại rằng những tác động của các lệnh trừng phạt này sẽ gây phương hại lớn tới lợi ích của các quốc gia khác cũng như của Syria.
Một số quan chức và chuyên gia kinh tế của Syria cho rằng các lệnh trừng phạt này sẽ ít tác động tới nền kinh tế tự cung tự cấp của Syria và sẽ tạo cơ hội để ngành công nghiệp Syria tự lực cánh sinh và tự đổi mới mình. Trao đổi với hãng tin Tân Hoa, Thứ trưởng Bộ Vận tải Syria Mahmoud Zanboua cho biết các lệnh trừng phạt áp đặt đối với lĩnh vực nhập khẩu của Syria sẽ thúc đẩy ngành sản xuất trong nước bởi các sản phẩm nội địa sẽ có được thị trường độc quyền mà không bị cạnh tranh.
Mohammed Kayed, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Jordan, mới đây nói rằng các lệnh trừng phạt kinh tế chống lại Syria này có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới Jordan, đồng thời đã yêu cầu AL đưa ngành thương mại và hàng không ra khỏi danh sách các lệnh trừng phạt này. Theo Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Jordan Sami Qammo, kim ngạch thương mại giữa Jordan với Syria từ năm 2000 đã lên tới khoảng 7 tỉ USD, trong đó xuất khẩu sang Syria đạt 2 tỉ USD và nhập khẩu từ Syria đạt 5 tỉ USD.
Nhà phân tích kinh tế Hamdi al-Abdallah cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia láng giềng ở phía Bắc Syria và là một trong những nước ủng hộ mạnh mẽ nhất đối với các lệnh trừng phạt chống Syria, sẽ chịu thiệt hại sau khi Syria hủy bỏ hiệp định thương mại tự do giữa hai nước này. Ngày 4/12, chính phủ Syria thông báo rằng Syria đã quyết định chấm dứt hiệp định thương mại tự do Syria – Thổ Nhĩ Kỳ nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt kinh tế mà Thổ Nhĩ Kỳ đã áp đặt đối với chính quyền này.
Mohammad Habash, một nghị sĩ người Syria và là một học giả Hồi giáo ôn hòa, nói với Tân Hoa Xã rằng rất nhiều nhà tư bản công nghiệp của Syria đã tỏ ra vui mừng trước quyết định chấm dứt hiệp định thương mại này, đồng thời nói rằng hiệp định do chính quyền Syria trước đây ký kết là “để giai cấp tư sản đạt được các mục tiêu của mình trên mồ hôi nước mắt của những người nghèo và tầng lớp thấp nhất trong xã hội”.
Hãng thông tấn chính thức SANA của Syria ngày 6/12 cho biết kim ngạch thương mại giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng từ 400 triệu USD trong năm 2004 lên 2,2 tỉ USD trong năm 2010, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ chiếm khoảng 70%.
Liban và Iraq, hai đối tác thương mại lớn của Syria, đã tỏ ra thận trọng hơn về những ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt này đối với nền kinh tế của mình. Hai quốc gia này đã không bỏ phiếu ủng hộ các lệnh trừng phạt trong cuộc họp của AL hồi tuần trước. Theo SANA, kim ngạch thương mại giữa Syria và Iraq đạt khoảng 2 tỉ USD trong năm 2010 và dự kiến sẽ lên tới 3 tỉ USD vào cuối năm 2011, trong đó, khoảng 1/3 khối lượng xuất khẩu của Syria là xuất sang Iraq. Trong khi đó, Liban cho biết nước này không thể thực hiện các lệnh trừng phạt chống Syria bởi Syria là “cầu nối” duy nhất để nước này tới các quốc gia vùng Vịnh.
Sau khi AL phê chuẩn các lệnh trừng phạt đối với Syria, Bộ trưởng Kinh tế Syria Mohammad Nidal al-Shaar nói rằng việc áp đặt các lệnh trừng phạt này là “một quyết định đầy nguy hiểm bởi suy cho cùng nó sẽ có tác động sâu rộng tới người dân thường Syria”. Ông nói: “Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tự dựa vào các nguồn lực kinh tế của mình và sẽ củng cố các nguồn lực kinh tế này”.
Khaldoun al-Mouaqe, người đứng đầu của phía Syria trong Hội đồng Kinh tế Syria – Ai Cập, đã nhấn mạnh rằng cần phải có các quyết định đặc biệt để tạo điều kiện cho việc lưu thông hàng hóa của Syria qua tất cả các cửa khẩu trên biển và đất liền. Ông cũng nhấn mạnh tới việc cần phải thành lập một nhóm đối phó với khủng hoảng kinh tế có đầy đủ các đặc quyền để xử lý tình hình hiện nay. Ông nói rằng nhóm này nên có quyền thực thi các quyết định vào thời điểm thích hợp và phù hợp với những diễn biến mới và khẩn cấp.
Vân Chi (Theo THX)