Trò chuyện với nữ thủ khoa xinh đẹp 4 năm liền thi vào Học viện Cảnh sát
Triệu Ngọc Quỳnh (SN 1995, xã Quang Lang, Chi Lăng, Lạng Sơn) là một trong những thí sinh có điểm thi khối C cao nhất cả nước với tổng số điểm là 27 (Văn: 8,75; Sử: 9 và Địa: 9,25). Điểm số này đang khiến nhiều người trầm trồ thán phục.
Điều đặc biệt hơn nữa, năm 2016 là năm thứ 4 mà Ngọc Quỳnh dự thi với nguyện vọng muốn dành một tấm vé vào Học viện Cảnh sát Nhân dân.
PV đã có cuộc gặp gỡ và trò chuyện cùng nữ sinh xứ Lạng này xung quanh những bí quyết học tập và nuôi dưỡng ước mơ.
Triệu Ngọc Quỳnh - nữ sinh 4 năm liền dự thi Học viện Cảnh sát Nhân dân |
Khi làm xong bài thi các môn khối C, em tự tin bao nhiêu phần trăm với bài làm của mình?
Khi thi xong em khá tự tin về những câu hỏi lý thuyết. Bởi lẽ, đáp án đã có ngay trong SGK và nếu ai chăm chỉ một chút thì sẽ thấy ngay. Tuy nhiên, em không tự tin về những dạng câu hỏi mở bởi lẽ nó là phần kiến thức không chỉ cần đến kỹ năng năng tổng hợp và phân tích mà còn cần đến hiểu biết, vốn sống.
Làm bài xong em cũng chỉ nghĩ mình đạt được điểm khá chứ không nghĩ mình được 27 điểm với 3 môn thi.
Khi nhận được điểm thi, đầu tiên là em khá bất ngờ rồi đến hạnh phúc. Bởi lẽ, với 27 điểm và 3,5 điểm ưu tiên khu vực thì em sẽ có cơ hội được vào Học viện Cảnh sát Nhân dân – ước mơ mà em đã ấp ủ từ rất lâu. 4 năm qua em cứ thi đi thi lại để được chạm tay vào nó. Nhiều khi em nghĩ, nếu năm nay thi trượt, sang năm em lại tiếp tục thi cho được mới thôi.
Người đầu tiên em báo kết quả là mẹ. Bởi vì, mẹ lúc nào cũng là người quan tâm, động viên là người đồng hành với em trên bất kỳ con đường nào.
Được biết, 2016 là năm thứ 4 em thi lại với nguyện vọng đỗ vào Học viện Cảnh sát Nhân dân. Em có thể chia sẻ về quyết tâm này?
Năm đầu tiên (2013) thi trượt, em đã đi học trường dự bị đại học dân tộc trung ương vừa ôn luyện tiếp.
Năm 2014 em ôn thi lại và đỗ vào trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Tuy nhiên , em lại trượt Học viện Cảnh sát Nhân dân. Ngày nhập học trường ĐHKHXH&NV em đã đến nhưng nghĩ đi nghĩ lại đây không phải trường mình thích và học ở đó sau này ra trường mình sẽ ra làm gì?
Vậy nên em quyết định không theo học trường đó, em xách đồ về nhà tự ôn thi lại. Năm 2015, cả điểm cộng ưu tiên em được 27,25 điểm nhưng vẫn không đủ điểm đỗ, em không đi học ở trường nào và lại về nhà.
Năm nay, khi em nói tiếp tục thi lại, hàng xóm lại bàn tán xôn xao nhưng được gia đình động viên cộng với sự quyết tâm nên em vẫn thi lại. Em mơ ước vào Học viện Cảnh sát một phần do hoàn cảnh gia đình khó khăn. Học trường khác, ra trường em không biết xin việc ở đâu.
Nhưng quan trọng nhất là em yêu màu xanh của quân phục công an, em muốn góp sức mình để bảo vệ trật tự xã hội...
Đối với em, con số 27 điểm này là ước mơ, là khát vọng của cuộc đời em. Em nghĩ tới câu nói của một cô giáo: “Chẳng có con đường nào tới thành công mà trải đầy hoa hồng. Nếu có, thì đó cũng là những bông hoa hồng đầy gai mà chúng ta sẽ phải bước đi đầy khó nhọc”.
Được biết, ngoài ước mơ vào Học viện Cảnh sát Nhân dân, em còn đặc biệt rất yêu thích các môn khối C. Em có thể chia sẻ lý do?
Em thích khối C vì học Văn em được “phiêu” trong những vần thơ, những câu từ của các tác giả nổi tiếng như Xuân Diệu, Han Mạc Tử... Còn Lịch sử giúp em hiểu biết quá trình dựng nước, giữ nước, những khó khăn, những thành tựu của đất nước Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới. Đặc biệt, Địa lý giúp em biết được phạm vi, vị trí địa lý, tài nguyên ở khắp các châu lục... Nói chung các môn khối C khiến em thấy “phiêu” lắm nên em thích.
Khi ôn thi các môn này ngoài việc học trong sách giáo khoa, em thường học theo sơ đồ tư duy, chăm chỉ xem chương trình thời sự, đọc báo để có thêm kiến thức thực tế.
Em có thể chia sẻ một chút về gia đình mình không?
Gia đình em có 5 thành viên, bố mẹ em đều làm nông, dưới em còn hai em gái. Em gái thứ hai của em năm nay cũng dự thi THPT quốc gia.
Trong quá trình ôn thi, mọi người trong gia đình đều động viên em cố gắng, đặc biệt có em gái cùng đi thi nên những gì em gái được học trên lớp về cũng giảng cho em. Điều duy nhất em thấy khó khăn là vấn đề thời gian.
Hàng ngày em đi làm ruộng vườn giúp bố mẹ nên chỉ rảnh vào buổi tối. Vì đi làm cả ngày nên tối về cả người mệt rã rời. Vì thế, em thường xuyên đi ngủ sớm và đến 12h đêm là lúc yên tĩnh nhất thì em dậy học đến gần sáng. Sau đó, em tranh thủ ngủ một chút rồi lại thức dậy đi làm.
Cảm ơn em về cuộc trò chuyện này!
Song sinh nghèo đồng thủ khoa Cha mắc bệnh qua đời từ khi học cấp 2, mẹ phải một mình vất vả mưu sinh làm ăn ở nơi xa nhà, nên 3 tuổi anh em sinh đôi Nguyễn Ngọc Hòa và Nguyễn Phương Nam đã về ở với ông bà nội ở thôn Lưu Đông (Xã Phú Túc, Phú Xuyên, Hà Nội). |
Lá thư xúc động của thủ khoa Nguyễn Hữu Tiến Sau khi PetroTimes và nhiều cơ quan thông tin đại chúng đăng tin bài về gia cảnh khó khăn của thủ khoa Đại học Y Nguyễn Hữu Tiến, nhiều nhà hảo tâm đã tìm đến giúp đỡ, san sẻ khó khăn với gia đình em. |
Được hoãn nhập ngũ, thủ khoa ĐH Y an tâm theo đuổi ước mơ Chàng thủ khoa đại học Y Hà Nội Nguyễn Hữu Tiến đã chính thức được hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự. Tiến có cơ hội theo đuổi ước mơ mình đã chọn. |
Hoàng Thanh